Bà H. (giữa) trong ngày trùng phùng đẫm nước mắt với anh chị sau gần 30 năm lưu lạc - NVCC
Hôm qua Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết ngày 8.12 có tiếp nhận bà T.T.H (50 tuổi, quê Hà Nội), được Công an Trung Quốc trao trả. Bà H. sau đó được chuyển đến điều trị, cách ly theo dõi tại khu cách ly của BV với chẩn đoán rối loạn tâm thần, không nhớ được thông tin gì.
Bị bạn bán sang Trung Quốc giá... 5 triệu đồng
Theo BV, người nhà bà T.T.H kể lại, bà là con gái thứ 7 trong gia đình có 9 người con, bố mẹ sống bằng nghề may mặc. Khoảng năm 1991, bà H. được bạn rủ đi chơi, sau đó bị lừa bán sang Trung Quốc và bặt vô âm tín, thậm chí anh trai cả của bà đã sang Trung Quốc làm việc nhằm tìm em gái, nhưng vẫn vô vọng.
Năm 1996, bà H. bất ngờ về thăm nhà khiến ai cũng ngỡ ngàng, mừng rỡ. Bà H. kể lại thời gian lưu lạc với mọi người. Cụ thể, bà bị bạn lừa sang Trung Quốc và bán cho một người đàn ông với giá 5 triệu đồng. Thấy người hiền lành, tốt tính, bà H. chung sống với ông này và sinh được 2 đứa con. Tuy nhiên, về thăm nhà được khoảng 2 tuần, bà H. quyết định quay lại Trung Quốc vì quá nhớ 2 con, từ đó bà không về, không liên lạc gì với mọi người nữa. Tháng 12, trong chiến dịch kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, bà H. bị Công an Trung Quốc phát hiện cư trú bất hợp pháp, đã được trao trả về Việt Nam.
Là người trực tiếp chăm sóc cho bà H., nữ điều dưỡng Lương Thị Minh cho biết thời điểm tiếp nhận, bà H. rất nhút nhát và thường nói nhảm. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc các bệnh nhân trong khu cách ly, chị Minh còn chú ý theo dõi, quan sát để nắm được sở thích, hiểu và gần gũi bệnh nhân hơn.
“Bà H. hiền lành, ở rất sạch, thích mặc đẹp và ăn ngon, đặc biệt thích ăn phở. Tính cách của bà chỉ như gái 18, mang quần áo đến tặng thì bà chỉ chọn những cái đẹp, hợp với bà. Bà H. nói em chỉ mặc cái đẹp thôi, cái ấm thôi, cái kia xấu em không mặc đâu, rồi chọn cái mình thích”, chị Minh nói.
Đoàn tụ bất ngờ nhờ “đuổi hình bắt chữ”
Hơn 10 ngày theo dõi và điều trị, bệnh của bà H. có tiến triển, dần thân thiết hơn với mọi người. Tuy nhiên, bà vẫn chưa nhớ được gì, khiến các y bác sĩ lo lắng, nhất là thời hạn cách ly sắp hết mà chưa tìm được người thân cho bệnh nhân. “Gần hết thời hạn cách ly, chưa tìm được người thân cho bà H. khiến tôi rất lo lắng, không biết bà sẽ đi đâu, sợ bà ra ngoài bị kẻ xấu làm hại. Khi hỏi thì bà cứ thao thao bất tuyệt, chỉ nói được “nhà ở Việt Nam”, “nhà gần hàng phở, hàng bún, đèn xanh đèn đỏ ấy”, có anh chị nhưng không nhớ tên... rồi lại nói tiếng Trung Quốc rất khó nghe, khiến việc tìm kiếm thông tin trở lên vô cùng khó khăn”, chị Minh kể.
Tình cờ, trong ca trực tối 21.12, chị Minh hỏi bà H. biết chữ không và đưa cho bà mẩu giấy, trêu đùa để động viên bà viết thử. Ngoài những câu “nhà ở Việt Nam, cơm phở, cháo lòng, đèn xanh đèn đỏ”, chị Minh bất ngờ khi thấy một số từ giống địa danh như: “Ăng Hùng, Lại Hoàng, số 1”.
Đọc kỹ từng chữ, chị Minh xâu chuỗi với những thông tin mà công an cung cấp, những lời nói thao thao bất tuyệt hằng ngày của bà H., rồi lên mạng tìm được tên một thôn ở Hà Nội, logic với những chữ bà H. viết lại và các thông tin khác. “Ngay lập tức, tôi gọi về xã xác minh thì nhận được thông tin địa phương có một trường hợp mất tích nhiều năm, trùng hợp với trường hợp bà H. Sau đó, tôi đã tìm cách liên hệ với gia đình này, trao đổi thông tin, hình ảnh thì họ nhận ra bà H. chính là người em gái mất tích đã 24 năm”, chị Minh nói.
Ngay sau đó, trước Noel anh trai và chị gái bà H. đã đến BV để làm các thủ tục đón em gái về đoàn tụ với gia đình. Gặp lại người thân sau 24 năm xa cách, 3 người ôm nhau vào lòng, vui mừng không nói nên lời, chỉ biết khóc. Vuốt nhẹ mái tóc bạc trắng của bà H., người anh trai động viên: “Yên tâm, có anh đây rồi, về nhà với anh”.
Theo thanhnien