Bị nén nhiều ngày, dân Trung Quốc như lò xo bung ra xài tiền như nước - Ảnh 1.

Hàng mỹ phẩm bán chạy trở lại ở Trung Quốc sau khi dịch bệnh COVID-19 giảm nhiệt - Ảnh: GETTY IMAGE

Nhu cầu đối với du lịch, mỹ phẩm, các thiết bị dùng ngoài trời và thực phẩm đã tăng lên trong những tuần gần đây tại Trung Quốc, sau khi các biện pháp kích thích nền kinh tế phát huy tác dụng và công nhân trở lại làm việc.

Theo tập đoàn Trip.com Group, lượng vé của các loại phương tiện giao thông tăng hơn 50%, đặt chỗ khách sạn tăng 60% trong 3 ngày tết Thanh minh từ ngày 4 đến 6-4.

Báo chí Trung Quốc đã tường thuật về sự đông đúc ở nhiều điểm du lịch trong dịp tết Thanh minh.

Trong khi đó, hàng mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử bán ra tăng mạnh nhờ các chiến dịch giảm giá "khủng" và hình thức khuyến mãi diễn ra trực tiếp.

Nhà sản xuất sản phẩm dưỡng da Lin Qingxuan ở Thượng Hải cho biết công ty tăng doanh thu 147% trong dịp Quốc tế phụ nữ hồi đầu tháng 3-2020 so với năm trước.

Trang thương mại điện tử Pinduoduo ghi nhận hơn 50 triệu đơn hàng bán lẻ mỗi ngày từ giữa tháng 3, tăng 60% so với năm ngoái. Các loại mỹ phẩm trang điểm như son môi, phấn mắt, chì kẻ lông mày có sự tăng trưởng khá.

Bị nén nhiều ngày, dân Trung Quốc như lò xo bung ra xài tiền như nước - Ảnh 2.

Công nhân trong nhà kho của sàn thương mại điện tử TMall.com ở tỉnh Quảng Đông lấy hàng cho khách - Ảnh: EPA

Theo trang Fanli.com (chuyên cung cấp ưu đãi giảm giá của nhiều sàn thương mại điện tử), lượng tiêu thụ thực phẩm ở Trung Quốc tăng 24%. Ngoài những đồ dùng cần thiết hằng này, quần áo và thiết bị ngoài trời là những mặt hàng bán chạy.

Bà Zhang Kailin, nhà phân tích của một công ty chứng khoán ở Bắc Kinh, cho biết: "Tiêu dùng dần ấm lên khi số ca bệnh COVID-19 không tăng nữa".

Wenli Zheng, nhà quản lý tài chính cho công ty T. Rowe Price trụ sở ở Hong Kong, tỏ ra lạc quan: "Chúng tôi thấy cơ hội ở phần lớn các lĩnh vực đã bị virus làm gián đoạn trong ngắn hạn, nhưng không ảnh hưởng đến nhu cầu về trung hạn. Các lĩnh vực này gồm công nghệ phần cứng, sửa chữa nhà cửa, thiết bị tự động, trang phục thể thao. Chúng tôi cho rằng nhu cầu bị dồn nén này có thể tăng tốc trong nhiều quý".

Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu đà mua sắm này có kéo dài không. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo kinh tế toàn cầu bị rơi vào suy thoái do đại dịch COVID-19. Các quốc gia như Nhật Bản và Singapore chỉ mới bắt đầu thắt chặt các biện pháp kiểm soát trước dịch bệnh.

Chen Ke, nhà phân tích tại công ty tư vấn Roland Berger China, nhận định: "Trong trung và dài hạn, người tiêu dùng sẽ cần thời gian để cảm thấy tự tin quay lại mua sắm. Nguyên nhân chủ yếu là sự không chắc chắn về tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế".

Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, ngành bán lẻ của nước này đã giảm 20,5% trong 2 tháng đầu năm. Doanh số bán xe hơi giảm 79% trong tháng 2 dù nhiều ưu đãi được đưa ra.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc rồi lan ra khắp thế giới. Đến nay, Trung Quốc ghi nhận 81.802 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 3.333 ca tử vong và 77.279 ca hồi phục.

Theo tuoitre