Trung Quốc cấm người dân xài Twitter nhưng cho phép các quan chức sử dụng như một công cụ tuyên truyền quan điểm với thế giới. Bà Hoa Xuân Oánh hoạt động rất tích cực trên tài khoản Twitter với những chỉ trích nhắm vào Mỹ - Ảnh: REUTERS
Trong nhiều năm qua, các nước phương Tây đã nói về một lực lượng gọi là "Ngũ Mao đảng" ở Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh được cho là đã tổ chức lực lượng này chỉ để phục vụ việc đăng tải các bình luận ca ngợi chính phủ và lên án những người có ý kiến trái chiều.
Người ta thường đồn đại với mỗi bình luận được đăng, các thành viên của lực lượng này sẽ được trả 5 hào (ngũ mao) nên mới có tên gọi là "Ngũ Mao đảng" (50 cent army trong tiếng Anh).
Tính xác thực của đội quân này vẫn còn gây tranh cãi đến tận ngày nay, nhưng có một điều là trên các mạng xã hội trong và ngoài nước luôn có rất đông người sẵn sàng nhảy ra bảo vệ Chính phủ Trung Quốc.
Hôm 10-6, Liên minh châu Âu đã chính thức lên tiếng cáo buộc Trung Quốc tổ chức các chiến dịch phát tán thông tin sai lệch và gây hiểu lầm về dịch COVID-19 trên không gian mạng. Trong đó, Bắc Kinh tạo ra các cuộc thảo luận trên mạng để chuyển hướng các chỉ trích nhắm vào mình và xây dựng hình ảnh như một quốc gia có trách nhiệm.
Chưa đầy một ngày sau đó, Twitter tuyên bố sẽ xóa hơn 173.000 tài khoản ảo trên mạng xã hội này vì ca ngợi Trung Quốc và đưa ra các thông tin sai trái về COVID-19.
Trong đó, Twitter xác định có khoảng 23.000 tài khoản hoạt động tích cực với nhiều bài viết thường xuyên.
Khoảng 150.000 tài khoản còn lại đóng vai trò như một bộ khuếch đại các thông tin từ 23.000 tài khoản nói trên để tạo "hiệu ứng buồng vang". Nói nôm na, một điều sai sẽ trở thành điều đúng khi nhiều người cùng nói về điều đó.
Cuộc chiến giữa các anh hùng bàn phím trên mạng xã hội Twitter. Tài khoản Jian Zi Hao chỉ trích Mỹ dưới một bài đăng chỉ trích Trung Quốc, nên bị tố là thành viên của "Ngũ Mao đảng" và bị mỉa mai nên nghỉ một chút để ăn xúp dơi vì đang là giờ ăn tối ở Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình
"Nếu Twitter muốn tạo sự khác biệt, họ nên gỡ tất cả các tài khoản đã được tổ chức và phối hợp tấn công, làm mất uy tín Trung Quốc - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lập luận - Trung Quốc mới là nạn nhân lớn nhất của các chiến dịch thông tin sai lệch".
Phản ứng của bà Hoa khiến một số cư dân mạng đặt câu hỏi: tại sao Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại lên tiếng và ra vẻ như ấm ức nếu thật sự không liên quan đến các tài khoản ảo kia?
Hồi cuối tháng 5, sau khi gắn mác "cần kiểm chứng" với hai dòng tweet của Tổng thống Donald Trump, Twitter cũng gắn mác một tweet của Triệu Lập Kiên, một người phát ngôn khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trong tweet viết ngày 12-3, ông Triệu đã tung ra thuyết âm mưu quân đội Mỹ đưa virus corona vào Vũ Hán để đáp trả việc Washington cáo buộc virus thoát ra từ phòng thí nghiệm Trung Quốc.
Theo congnghe.tuoitre