Hệ thống đi lại và vận chuyển hàng hóa không biên giới, có tên Schengen, được thiết lập thông qua một hiệp ước ký kết tại thị trấn cùng tên ở Luxembourg vào năm 1985, giữa 5 quốc gia nằm ở trung tâm Liên minh châu Âu (EU) hiện nay. Khu vực Schengen giờ đây bao gồm 22/27 nước thành viên EU, cùng 4 nước láng giềng Iceland, Lichtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Sự ra đời của khu vực Schengen được coi là đỉnh cao của mối liên kết chặt chẽ giữa các nước EU, bên cạnh khu vực đồng tiền chung châu Âu. Sau 35 năm, hệ thống đã trải qua biến đổi và trở nên sâu sắc hơn. Tuy nhiên, giống như nhiều khát vọng khác của EU trong việc hướng tới sự thống nhất, Schengen trở nên dễ bị tổn hại giữa những cuộc khủng hoảng.
"Tôi đã xử lý các vấn đề với Schengen trong nhiều năm, và mối lo ngại lớn nhất của tôi là hệ thống đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng", Tanja Fajon, thành viên người Slovenia thuộc Nghị viện châu Âu, trưởng nhóm giám sát Schengen, cho biết.
Trong thập kỷ trước, những cuộc tấn công khủng bố tại EU, cùng việc các phiến quân lợi dụng tính tự do của Schengen để di chuyển từ nước này sang nước khác, đã phơi bày thực tế rằng việc hợp tác thực thi pháp luật và chia sẻ thông tin tình báo không theo kịp với việc các nước châu Âu mở cửa biên giới.
Giai đoạn 2015-2016, "cuộc đổ bộ" của hơn một triệu người tị nạn đang chạy trốn khỏi chiến tranh, đói nghèo ở Trung Đông và Bắc Phi đã giáng một đòn thậm chí nặng nề hơn vào Schengen. Nhiều quốc gia thành viên không muốn chia sẻ gánh nặng đã tăng cường kiểm soát biên giới, tự cô lập và sử dụng những nước ở vùng ven, như Hy Lạp và Italy, làm "rào chắn" trước dòng người tị nạn.
Tác động của cuộc khủng hoảng tị nạn được cho là đã đánh dấu sự thay đổi về mặt cấu trúc trong chính sách biên giới của châu Âu. Một khu vực không biên giới, từng là lý tưởng tốt đẹp về sự đoàn kết, thành công và tự do, ngày càng hứng nhiều chỉ trích từ cánh hữu và bị coi là mối đe dọa.
Ngay cả các chính trị gia ôn hòa cũng bắt đầu coi những ranh giới bên trong châu Âu là điều cần thiết, bất chấp nhiều thập kỷ nỗ lực phá bỏ chúng. "Tự do đi lại là biểu tượng cho sự gắn kết của châu Âu, kết quả hữu hình nhất của việc hợp tác, điều mà mọi người đều thực sự cảm nhận được. Nhưng giờ đây, không chỉ đại dịch đang đe dọa nó, mà khủng hoảng Schengen đã bắt đầu từ năm 2015", Fajon nói.
Sự lây lan dường như không thể ngăn cản của biến chủng nCoV đang giáng đòn thứ ba vào giấc mộng biên giới mở tại châu Âu. Bất chấp việc Ủy ban châu Âu nỗ lực thuyết phục các nước không hạn chế tự do di chuyển, với quan điểm "đóng cửa biên giới không ngăn được virus" mà còn gây ra nhiều vấn đề lớn, nhiều quốc gia vẫn áp lệnh hạn chế biên giới mới, trước nỗi lo ngại về các biến chủng nCoV từ Anh và Nam Phi.
"Chúng tôi đang chiến đấu với những virus biến chủng tại biên giới với Czech và Áo. Ủy ban châu Âu nên hỗ trợ chúng tôi và không chèn thêm phát ngôn nào vào guồng quay, với những khuyến cáo vô giá trị", Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer trả lời phỏng vấn gần đây.
"Schengen không phải hệ thống có sức chống chịu tốt trước khủng hoảng. Nó phát huy hiệu quả trong điều kiện thuận lợi, nhưng khi áp lực kéo đến, những sai sót và lỗ hổng trong cách hoạt động xuất hiện. Covid-19 là một ví dụ điển hình", Marie De Somer, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách châu Âu, một viện nghiên cứu tại Bỉ, đánh giá.
De Somer cho biết hệ thống Schengen có tính linh hoạt, bởi các nước hoàn toàn có quyền tái kiểm soát biên giới vốn thuộc về chủ quyền của họ. "Nhưng mối đe dọa lớn nhất là các biện pháp này vẫn tồn tại dù không còn nhằm mục đích ban đầu, gây tổn hại cho hệ thống Schengen, khiến các nước khó khôi phục trạng thái biên giới mở sau khi khủng hoảng trôi qua", chuyên gia này nhận định.
Một yếu tố có thể giúp duy trì biên giới mở là tác động kinh tế rộng lớn và tức thì, vốn đã xuất hiện ngay cả với động thái đóng cửa quy mô nhỏ. Kể từ ngày 21/2, đối tượng được phép nhập cảnh vào Đức từ Czech hoặc vùng Tyrol của Áo, nơi số ca nhiễm biến chủng nCoV của Anh đang gia tăng, chỉ bao gồm công dân Đức đang cư trú tại Đức, đang chở hàng hóa hoặc làm những công việc thiết yếu ở nước này. Tất cả đều phải đăng ký và xuất trình kết quả âm tính với nCoV trước khi nhập cảnh.
Tuy nhiên, hàng nghìn người tại Áo và Czech đang đi làm hàng ngày tại Đức. Sau khi quy định mới được thực thi, những hàng người dài bắt đầu hình thành. Nhiều nhóm doanh nghiệp đã viết thư khẩn thiết yêu cầu Đức nới lỏng hoặc dỡ hạn chế, đồng thời cảnh báo nguy cơ với chuỗi cung ứng vốn đang bị tàn phá.
Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng ngay cả khi hầu hết người châu Âu đã được tiêm chủng và Covid-19 được kiểm soát, tương lai của Schengen vẫn có thể gây tranh cãi. Ủy ban châu Âu đang đề xuất những thay đổi mà về cơ bản sẽ khiến các nước thành viên khó áp đặt các rào cản hơn.
Trong khi đó, một số quốc gia do Pháp dẫn đầu ủng hộ chủ trương rằng những biên giới bao quanh khu vực Schengen cần trở nên bất khả xâm phạm, nếu muốn duy trì tự do đi lại bên trong khối. Ý tưởng này thường được gọi là "Pháo đài châu Âu", đi kèm với đề xuất mở rộng quy mô giám sát tại các biên giới nội bộ để thay thế những rào cản vật lý.
Fajon cho biết cuộc tranh luận về tương lai của Schengen vẫn tiếp diễn, nhưng bà đánh giá giới trẻ tại châu Âu sẽ là những người ủng hộ quan trọng cho chính sách này về lâu dài.
"Giới trẻ đang nói rằng khủng hoảng Covid-19 khiến họ lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác sống trong một châu Âu có biên giới. Vì vậy, họ trở nên trân trọng một khu vực đi lại tự do", Fajon cho hay.
Theo vnexpress