Trong năm qua, đã có nhiều thảm họa khí hậu xảy ra trên toàn thế giới, từ lũ lụt ở Pakistan và Bangladesh đến đợt hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận trên khắp vùng Sừng châu Phi.

Sophie Rigg - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chính sách khí hậu tại ActionAid - một tổ chức nhân đạo chuyên đấu tranh chống lại sự bất công và nghèo đói cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới - giải thích: “Do bất bình đẳng giới, tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất đến phụ nữ và trẻ em gái. Bởi vì nằm trong số những người dễ bị tổn thương nhất ở những khu vực này, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng chịu sự tàn phá về sức khỏe tinh thần và thể chất”.

Nurun Nahar có 2 con và sống ở một vùng hẻo lánh của Jamalpur, Bangladesh. Năm 2019, lũ lụt đã phá hủy ngôi nhà của cô và cô phải chuyển đến nơi ở mới - ẢNH: MOHAMMAD RAKIBUL HASAN/UN WOMEN
Nurun Nahar có 2 con và sống ở một vùng hẻo lánh của Jamalpur, Bangladesh. Năm 2019, lũ lụt đã phá hủy ngôi nhà của cô và cô phải chuyển đến nơi ở mới - Ảnh: Mohammad Rakibul Hasan/Un Women

Cuộc sống của phụ nữ đang bị đe dọa

Cuộc đời Asma Akhter (25 tuổi, ở Satkhira, Bangladesh) cho đến giờ phút này gần như đã gắn chặt với dòng sông trước nhà. Ngày qua ngày, cô thả lưới bắt cá tuế trên sông để mưu sinh.

Những năm gần đây, mực nước biển dâng cao cùng với lốc xoáy dữ dội, lũ lụt thảm khốc đã khiến nước mặn tràn vào sông, suối và đất xung quanh khu vực sinh sống của Akhter. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế mà cả sức khỏe của cô. 

6 tháng trước, Asma Akhter đã trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ tử cung sau khi sinh đứa con thứ hai. Sau phẫu thuật, cô vẫn bị sốt và nôn ói. Theo các bác sĩ, căn bệnh của cô là do tiếp xúc với nước mặn quá nhiều.

“Sau khi bắt cá tuế (tên gọi chung cho một số loài cá nước ngọt cỡ nhỏ và cá nước lợ), chúng tôi xuống sông tắm. Nước sông đang nhiễm mặn nên nước uống của chúng tôi cũng mặn. Nước mặn đang giết chúng tôi và cả những ước mơ, hy vọng” - Akhter bộc bạch.

Lipi Khanom (28 tuổi, ở Kolibari) cho biết mỗi khi thủy triều lên, nước mặn sẽ tràn vào nhà và ao hồ gần đó, nơi cô thường đến tắm. Kolibari là một ngôi làng gần Sundarbans - khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới. Trong 2 năm qua, cô đã phải đối mặt với tình trạng kinh nguyệt không đều và đau bụng dưới. Khanom và chồng cũng phải vật lộn để mang thai đứa con thứ hai.

Khanom đã vay 400 USD từ một tổ chức phi chính phủ để đi khám bệnh. Một bác sĩ ở thủ đô Dhaka đã đề nghị cô cắt bỏ tử cung nhưng cô từ chối. “Nếu tôi đồng ý cắt bỏ tử cung thì chồng tôi sẽ đề nghị ly hôn. Rồi tôi sẽ đi đâu? Tôi không có người thân nào khác…” - cô nói.

Jeniffer (61 tuổi, ở Tangulbei, Kenya) bị ép kết hôn ở tuổi 13. Bà đã dành hơn 4 thập niên hoạt động nhằm thay đổi cộng đồng của mình. Là một thành viên tích cực trong phong trào xã hội dành cho phụ nữ, bà đã vận động phụ nữ trở thành những nhà hoạt động vì khí hậu và quyền bình đẳng giới.

Sự sống còn của Asma Akhter và gia đình cô hoàn toàn phụ thuộc vào dòng sông đang ngày càng ô nhiễm và bị xâm nhập mặn - ẢNH: FABEHA MONIR/NBC NEWS
Sự sống còn của Asma Akhter và gia đình cô hoàn toàn phụ thuộc vào dòng sông đang ngày càng ô nhiễm và bị xâm nhập mặn - Ảnh: Fabeha Monir/NBC News

“Hạn hán ở vùng Sừng châu Phi tồi tệ hơn những năm trước. Nó đã tấn công mọi ngôi làng. Các trẻ em gái không còn cơ hội đến trường vì biến đổi khí hậu khiến bọn trẻ không có thức ăn. Vấn đề tảo hôn ở các bé gái cũng đang trở nên nhức nhối...” - bà cho biết.

Sada (30 tuổi, ở Hargeisa, Somaliland) là một nông dân sống cùng chồng, 4 con và người em họ. Hạn hán đã ảnh hưởng đáng kể đến sinh kế của họ. Cây trồng chết vì thiếu nước và gia súc không thể đem bán vì ốm yếu. Thu nhập của họ đã giảm đáng kể so với trước khi hạn hán.

Khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe phụ nữ

Trên khắp thế giới, phụ nữ phụ thuộc nhiều hơn nhưng ít được tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ở nhiều vùng, phụ nữ chịu trách nhiệm không tương xứng trong việc đảm bảo thực phẩm, nước và nhiên liệu. 

Nông nghiệp là lĩnh vực việc làm quan trọng nhất đối với phụ nữ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Trong thời kỳ hạn hán và mưa thất thường, phụ nữ phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo thu nhập cho gia đình. Điều này gây thêm áp lực cho các trẻ em gái - vốn thường phải nghỉ học sớm để giúp mẹ mưu sinh.

Sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và thiên tai do hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cũng như gia tăng rủi ro liên quan đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nhiệt độ cực cao làm tăng tỉ lệ thai chết lưu và biến đổi khí hậu đang làm gia tăng sự lây lan của các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết và vi rút Zika...

Từ năm 2016, Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đã đưa ra quan điểm về sức khỏe phụ nữ và biến đổi khí hậu. Cơ quan này cảnh báo rằng việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm có thể tác động đến phụ nữ và làm gia tăng các vấn đề sức khỏe hiện có. “Những tác động của biến đổi khí hậu bao gồm mất an ninh lương thực và nước, xung đột dân sự, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh lây lan… khiến phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao, suy dinh dưỡng, bạo lực tình dục, sức khỏe tâm thần kém…” - các nghiên cứu của ACOG nêu rõ.

Turkana là một trong những khu vực khô cằn nhất của Kenya. Phụ nữ không chỉ vất vả trong việc tìm nguồn nước mà khi khan hiếm thức ăn, họ chỉ được phần ít hơn nam giới ẢNH: KENNEDY OKOTH/UN WOMEN
Turkana là một trong những khu vực khô cằn nhất của Kenya. Phụ nữ không chỉ vất vả trong việc tìm nguồn nước mà khi khan hiếm thức ăn, họ chỉ được phần ít hơn nam giới - Ảnh: Kennedy Okoth/Un Women

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Phụ khoa và Sản khoa Quốc tế, các bác sĩ đã nêu bật tác động của khủng hoảng khí hậu đối với quá trình sinh sản của phụ nữ và những rủi ro mà nó gây ra đối với con người. Các tác động bất lợi sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của con cháu và nhiều thế hệ sau. Các cá nhân sinh ra dễ mắc các bệnh như béo phì, rối loạn chuyển hóa, dị tật bẩm sinh, dị ứng, suy giảm phát triển thần kinh, tâm lý và không thích nghi được với các tác động tiếp theo của khí hậu trong suốt cuộc đời.

Shefali Bibi (45 tuổi, một trong những nữ hộ sinh giàu kinh nghiệm nhất trong làng Kolibari) đã chăm sóc sức khỏe cho 94 phụ nữ trong 5 năm qua. Cô đã tận mắt chứng kiến tình trạng xâm nhập mặn và suy dinh dưỡng gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai trong cộng đồng. “Nhiều người phải phá thai. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và kinh nguyệt không đều ở phụ nữ ngày càng gia tăng” - Bibi cho biết.

Nghiên cứu được công bố vào năm ngoái bởi Ipas - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ tập trung vào công bằng sinh sản - phát hiện rằng sự nóng lên toàn cầu làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới hiện có và ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục, kết quả mang thai, sử dụng biện pháp tránh thai và ý định sinh sản của phụ nữ ở Bangladesh và Mozambique - 2 nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Sally Dijkerman - nhà nghiên cứu cấp cao tại Ipas, người thực hiện báo cáo - cho biết, tình trạng bất ổn kinh tế đã khiến phụ nữ phải đảm nhận thêm những công việc nguy hiểm. “Phụ nữ có thể bị buộc phải lội trong những vùng nước ô nhiễm để đánh bắt cá nuôi sống gia đình. Điều đó tác động trực tiếp đến cơ quan sinh sản của họ, gây nhiễm trùng, ung thư và các tổn thương khác” - Dijkerman nói. 

Theo phụ nữ TPHCM