Ảnh minh họa. (Nguồn: The Conversation)

 

Đại dịch COVID-19 bao giờ sẽ kết thúc? Từ khi đại dịch bùng phát đến nay, câu hỏi này không biết đã được đặt ra bao nhiêu lần, nhưng câu trả lời chính xác thì chưa một cá nhân, một tổ chức hay thậm chí một quốc gia nào có thể khẳng định.

Virus đã, đang và vẫn luôn biến đổi. Các đột biến của nó ngày càng nhiều hơn và nguy hiểm hơn khiến cuộc chiến phòng chống đại dịch của các quốc gia ngày càng khó khăn, phức tạp hơn.

Sau các biến thể Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh), Beta (ở Nam Phi) và Gamma (ở Braizil), giờ đây toàn thế giới đang phải đối mặt với một loại biến thể mới nguy hiểm hơn - biến thể Delta.

Tại châu Âu, biến thể này đã xuất hiện ở nhiều quốc gia và đang là nguy cơ lớn nhất đe dọa thành quả chống dịch mà nhiều nước phải nỗ lực mới đạt được trong thời gian qua.

Biến thể Delta, còn được gọi là B.1.617.2, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10/2020 tại bang Maharashtra, Ấn Độ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, biến thể này nhanh chóng lan rộng khắp Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới.

Tháng 5/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp biến thể Delta vào diện biến thể "đáng lo ngại" ở cấp độ toàn cầu, cũng như các biến thể Alpha, Beta và Gamma.

Biến thể Delta có nhiều đột biến. Trong quá trình lan rộng, nó liên tục biến đổi. Qua nghiên cứu sơ bộ, các nhà khoa học đã biết rằng các đột biến này cho phép virus liên kết với tế bào của người mắc COVID-19 một cách dễ dàng hơn và tránh được một số phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Theo chuyên gia WHO Maria Van Kerkhove, biến thể Delta dễ lây lan hơn biến thể Alpha và dạng nguyên thủy của virus SARS-CoV-2. Chuyên gia dịch tễ học lâm sàng Deepti Gurdasani tại Đại học Queen Mary ở London (Anh) cũng xác nhận điều này.

Bà cho biết: "Ở Ấn Độ, chúng tôi phát hiện ra rằng biến thể Delta lây lan nhanh hơn biến thể Alpha. Điều đó thật đáng lo ngại, vì chúng tôi biết rằng bản thân biến thể Alpha đã dễ lây lan hơn nhiều so với dạng nguyên thủy của virus."

Chuyên gia Gurdasani cảnh báo một khi biến thể Delta xâm nhập vào một quốc gia, nó sẽ bùng phát nhanh chóng và rất khó kiểm soát; trong thời gian ngắn nó có thể sẽ trở thành biến thể chủ đạo của virus tại quốc gia đó. Loại biến thể nguy hiểm này có thể làm thay đổi quỹ đạo của đại dịch trên phạm vi toàn cầu.

Chủ tịch Hiệp hội y khoa thế giới Frank Ulrich Montgomery nhận định biến thể Delta nguy hiểm ở chỗ những người bị nhiễm có lượng virus rất cao trong cổ họng chỉ trong một thời gian ngắn và dễ dàng lây sang người khác trước khi họ nhận ra mình bị nhiễm bệnh. Khả năng lan rộng của biến thể này là rất nhanh.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở London, Anh.(Ảnh: AFP/TTXVN)

 

Hiện tại, theo số liệu của WHO, biến thể Delta đã xuất hiện tại hơn 80 quốc gia/vùng lãnh thổ và ngày càng trở nên phổ biến khắp thế giới. Riêng châu Âu, khu vực đang hy vọng có thể "mở cửa" hoàn toàn trong mùa Hè này, đặc biệt là khôi phục ngành du lịch nhờ những thành quả đạt được của chiến dịch tiêm chủng vaccine, loại biến thể nguy hiểm này đang đe dọa "đảo ngược" tất cả và nguy cơ làn sóng lây nhiễm mới có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Tại Vương quốc Anh, biến thể này đã lây lan nhanh chóng khi chỉ trong 1 tuần đầu tháng 6, số lượng người nhiễm đã lên tới hơn 33.000 trường hợp.

Theo dữ liệu của Cơ quan Y tế England (PHE), hơn 96% bệnh nhân COVID-19 tại đây hiện nhiễm biến thể Delta, tỷ lệ số ca nhiễm mới hiện đã tăng 79% và đạt 85 ca/100.000 dân trong vòng 7 ngày, gấp đôi so với đầu tháng 6.

Ngày 22/6, nước này ghi nhận 11.625 ca nhiễm mới - con số cao nhất kể từ giữa tháng 2, khiến chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson phải hoãn việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vốn được lên kế hoạch vào ngày 21/6 và gia hạn các biện pháp này đến ngày 19/7 tới.

Tại Bồ Đào Nha, biến thể Delta cũng đang không ngừng lan rộng, hiện chiếm hơn 60% tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này. Tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày qua ở thủ đô Lisbon đã tăng lên 180/100.000 dân, khiến chính quyền phải thực hiện lệnh phong tỏa trở lại từ cuối tuần trước.

Dự kiến biện pháp phong tỏa sẽ tiếp tục được thực hiện vào cuối tuần này, thậm chí các hạn chế có thể sẽ được mở rộng hơn nếu tình hình không tiến triển.

Tình hình dịch bệnh cũng diễn ra tương tự ở Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ. Tại địa điểm du lịch nổi tiếng Mallorca của Tây Ban Nha, chính quyền địa phương cho biết biến thể Delta đang lây lan mạnh và hiện đã chiếm 10% tổng số ca mắc mới. Tại vùng Catalonia, cứ 5 ca nhiễm mới thì có 1 ca là biến thể Delta.

Xa hơn về phía Đông, Nga cũng đang trở thành một điểm nóng lây lan loại biến thể nguy hiểm này, đặc biệt là tại thủ đô Moskva. Biến thể Delta chiếm tới gần 90% số ca mắc mới ở thủ đô.

Dịch bệnh có xu hướng vượt ngoài tầm kiểm soát buộc chính quyền phải triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, nhất là việc tuyên truyền tới những người dân còn hoài nghi về hiệu quả của vaccine. Nhiều doanh nghiệp buộc phải thực hiện quy định tỷ lệ tiêm chủng đạt ít nhất 60% số nhân viên.

Tại Đức, biến thể Delta đã được phát hiện ở cả 16 bang với tỷ lệ tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI), tỷ lệ nhiễm biến thể này là 6,2% trong tuần đầu tháng 6, tăng từ 3,7% của tuần trước đó.

Mặc dù số liệu hiện tại chưa được công bố, nhưng theo chuyên gia về virus Christian Drosten, tỷ lệ mắc biến thể Delta ở Đức có thể đã lên tới 20%. Trong khi đó, chuyên gia y tế Đức Karl Lauterbach cũng cảnh báo biến thể Delta ngày càng xuất hiện nhiều hơn và có thể sẽ là biến thế chính ở Đức trong mùa Thu tới.

Hiện chưa có đủ dữ liệu khoa học cho thấy biến thể Delta có khả năng gây ra nhiều ca tử vong hơn các biến thể khác. Tuy nhiên, tại Anh, PHE đã xác nhận 7 người tử vong do mắc biến thể Delta dù đã được tiêm liều vaccine đầu tiên và 12 người đã tiêm đủ 2 liều.

Tại Anh, so với biến thể Alpha, số lượng bệnh nhân phải nhập viện vì biến thể Delta cao hơn hẳn. Ở England, chỉ trong 1 tuần từ ngày 7 đến 13/6, hơn 1.300 bệnh nhân COVID đã phải nhập viện, tăng 43% so với một tuần trước đó. Tại Scotland, số ca nhập viện vì biến thể Delta cao gấp đôi số ca nhập viện do biến thể Alpha.

Các chuyên gia cho rằng các loại vaccine hiện có vẫn có tác dụng với loại biến thể này, mặc dù khả năng bảo vệ trước biến thể Delta không được như các biến thể trước đó.

Nghiên cứu của PHE cho thấy những người đã tiêm đủ hai liều vaccine có khả năng cao tránh được nguy cơ bệnh tiến triển nặng phải nhập viện khi mắc COVID-19.

Những người đã tiêm 1 mũi vaccine của BioNTech/Pfizer được cho là có thể tránh bệnh tiến triển nặng ở mức 94%, tỷ lệ này thậm chí đạt 96% khi tiêm đủ 2 liều. Trong khi đó, tỷ lệ tránh được bệnh tiến triển nặng ở những người tiêm vaccine của AstraZeneca là 71% sau liều thứ nhất và 92% sau liều thứ hai.

Chuyên gia Frank Ulrich Montgomery nhận định chừng nào chưa đạt đủ tỷ lệ số lượng người được tiêm chủng đầy đủ, người dân cần phải chủ động phòng tránh để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Một trong các biện pháp phòng dịch hiệu quả là đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong các cửa hàng và các khu vực trong nhà khác. Ông Montgomery cũng cho rằng trên bình diện quốc tế, các nước cần cân nhắc việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch nếu số ca nhiễm biến thể Delta tiếp tục gia tăng.

Việc biến thể Delta bùng phát mạnh một lần nữa đe dọa cuộc sống bình thường của người dân các nước châu Âu, sau khi họ đã phải trải qua thời gian dài thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và mới chỉ trở lại "cuộc sống thường nhật" được một thời gian rất ngắn.

Hy vọng về một mùa Hè tự do, thoải mái giờ đây có nguy cơ phải nhường chỗ cho những lo ngại về một làn sóng bùng phát dịch bệnh mới ở nhiều nước mà hệ lụy của nó chưa thể đo đếm được.

Trước mắt, các nước châu Âu một mặt phải tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, mặt khác vẫn triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch và mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình hơn nữa.

Theo Vietnamplus