Bloomberg: Du lịch Việt Nam 'thoát bẫy' dịch Covid-19
Cập nhật lúc 15:33, Thứ hai, 08/06/2020 (GMT+7)
"Khách du lịch đã trở lại, và phần lớn là người dân bản địa. Việt Nam có thể là mô hình để ngành du lịch thế giới học hỏi", Bloomberg nhận định.
Theo đánh giá của Bloomberg, Việt Nam đang đi đầu trong cuộc đua mở cửa trở lại Đông Nam Á để đón khách du lịch. Lượng khách quốc tế giảm 98% trong tháng 5 so với con số kỷ lục của cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc Việt Nam đã khởi động lại du lịch trong nước.
Để so sánh, Thái Lan vẫn đang duy trì tình trạng khẩn cấp trong khi các nước khác ở khu vực Đông Nam Á mới đang dần nới lỏng lệnh giãn cách xã hội. Bloomberg cho rằng việc mở cửa sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng hồi phục và và tìm những phương pháp mới thúc đẩy ngành du lịch, giải trí.
Một trong những nước đầu tiên mở cửa du lịch trở lại
Việt Nam được đánh giá là trường hợp đặc biệt trên thế giới khi dịch Covid-19 bùng nổ. Dù ở bên cạnh Trung Quốc, đến nay Việt Nam mới chỉ có 329 ca nhiễm Covid-19 và không có ca tử vong. Đó là kết quả của quyết định đóng cửa biên giới nhanh chóng, cách ly hàng chục nghìn người, truy vết các tiếp xúc của bệnh nhân và tốc độ xét nghiệm ấn tượng.
Các biện pháp chỉ đạo rõ ràng, những bộ xét nghiệm và thiết bị bảo hộ sản xuất trong nước phát huy hiệu quả lớn. Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội một tháng và kể từ tháng 4, mọi ca nhiễm mới đều là người đi từ nước ngoài về.
Khách du lịch Việt Nam bắt đầu đi du lịch trong các kì nghỉ lễ. Ảnh: Getty Images.
Ngược lại, Thái Lan có khoảng 3.100 trường hợp nhiễm Covid-19, Philippines hơn 20.000 ca và Singapore hơn 37.000 ca, chủ yếu đều là lao động nhập cư sống tại các ký túc xá. Kết quả là Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới mở cửa trở lại ngành du lịch trong nước.
Du lịch chỉ chiếm khoảng 9% trong nền kinh tế 260 tỷ USD của Việt Nam, tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với Thái Lan. Ngành du lịch Thái Lan chiếm 1/5 tổng sản phẩm quốc nội. Dù vậy, ngành du lịch Việt Nam vẫn tạo ra 5 triệu việc làm. Chiến dịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" được phát động ngay khi ngành hàng không nối lại lịch bay bình thường.
Năm 2019, Việt Nam có 85 triệu lượt du khách trong nước, chiếm hơn 80% tổng lượng khách du lịch. Đây là một con số khổng lồ, dù khách trong nước chi tiêu ít hơn khách quốc tế.
Tương lai du lịch hậu Covid-19
Bloomberg cho rằng những gì diễn ra ở Việt Nam phần nào cho thấy tương lai của ngành du lịch toàn cầu thời hậu dịch Covid-19. Đó là một phiên bản thận trọng hơn so với một số khu vực phụ thuộc vào du lịch ở châu Âu.
Vậy bao giờ du khách quốc tế sẽ trở lại? Có thể sẽ phải vài tháng nữa, dù các hãng hàng không đang chuẩn bị nối lại những chuyến bay quốc tế. Nhìn vào Việt Nam, có thể đánh giá được bao lâu nữa ngành công nghiệp du lịch toàn cầu 9.000 tỷ USD mới hoạt động trở lại, khi các nước đang tìm cách thúc đẩy các thỏa thuận du lịch song phương, khởi đầu là ưu tiên doanh nhân quốc tế.
Các quốc gia kiểm soát dịch tốt như Hàn Quốc và New Zealand có khả năng sẽ là những nước đầu tiên khôi phục du lịch. Vấn đề tiếp theo là các nước nơi du khách khởi hành. Du khách Trung Quốc, đối tượng chủ chốt của thị trường Đông Nam Á, sẽ bắt đầu kỳ nghỉ "Tuần lễ vàng" vào đầu tháng 10.
Chuyên gia Steven Schipani, nhà nghiên cứu du lịch khu vực Mekong của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đánh giá các địa điểm nghỉ dưỡng của Việt Nam như Phú Quốc có thể sẽ sớm đón lại du khách quốc tế. Khách nước ngoài sẽ không chấp nhận bị cách ly dài ngày, nhưng việc xét nghiệm khi nhập cảnh và xuất cảnh có thể sẽ trở thành điều kiện bắt buộc.
Theo Bloomberg, với Việt Nam và cả Đông Nam Á, việc mở cửa trở lại một cách từ từ có thể là điều cần thiết. Khu vực trở thành "nạn nhân" của chính tốc độ phát triển du lịch vũ bão. Việc vịnh Maya Bay (Thái Lan) và Boracay (Philippines) bị đóng cửa năm 2018 phản ánh rõ những tác hại môi trường do du khách gây ra.
Việc mở cửa thận trọng, bảo vệ sinh thái và tập trung vào khách du lịch cao cấp có thể giúp xây dựng một tương lai du lịch bền vững hơn.
Theo Zing