Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại họp báo ngày 6-2 - Ảnh: MAI THƯƠNG

Câu hỏi được đặt ra tại họp báo: Được biết có 1 công dân Việt Nam ở Trung Quốc dương tính với virus corona, có thể thông tin thêm về công dân này? Bộ Ngoại giao có kế hoạch đưa các công dân ở Hồ Bắc về nước hay không?

Trả lời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết tên của công dân này không được công bố vì tôn trọng riêng tư cá nhân. Công dân nói trên đang được điều trị tích cực tại bệnh viện số 5 tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.

Về việc đưa công dân Việt Nam về nước, bà Hằng cho biết Bộ Ngoại giao đang phối hợp với cơ quan liên quan, sẵn sàng đưa công dân Việt Nam về nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam trên cơ sở nguyện vọng của công dân.

"Việt Nam sẽ thực hiện nghĩa vụ thành viên và đảm nhiệm tốt trách nhiệm với ASEAN trong năm 2020. Việt Nam đang tích cực triển khai ứng phó kiểm soát dịch, đề xuất phối hợp ứng phó với dịch bệnh. Việt Nam tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của dịch và đảm bảo năm ASEAN diễn ra an toàn và được đảm bảo an ninh cao nhất", bà Lê Thị Thu Hằng nói thêm.

Sẵn sàng đưa công dân ở vùng dịch về nước nếu có nguyện vọng

Với câu hỏi về công tác bảo hộ công dân ở các nơi có dịch bệnh, bà Hằng cho biết: Ngay từ khi có thông tin, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật tin tức, nguyện vọng của công dân, sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết.

"Các cơ quan ngoại giao đang giữ liên lạc với 400 công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, du lịch tại Trung Quốc, không bao gồm các trường hợp sang nước này ngắn hạn mà không đăng ký bảo hộ công dân, qua đó hỗ trợ họ nếu có khó khăn về lưu trú khi xảy ra dịch bệnh. Nhìn chung tình hình sức khỏe của các công dân Việt Nam hiện đều ổn định", bà Hằng cho biết.

Với câu hỏi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có nhận được trường hợp công dân nào mong muốn về Việt Nam chưa, người phát ngôn cho hay đến nay Đại sứ quán đã tiếp nhận 29 yêu cầu của công dân Việt Nam tại khu vực có dịch là tỉnh Hồ Bắc có nguyện vọng trở về Việt Nam. 

"Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các bộ ngành liên quan để đưa các công dân tại vùng có dịch có nguyện vọng về nước. Chúng tôi nỗ lực cao nhất để thực hiện việc này trong thời gian sớm nhất", bà Hằng nói.

Trước đó, từ khi bắt đầu có dịch đến nay, Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh quan điểm cuộc sống và sự an toàn của lưu học sinh Việt Nam tại Vũ Hán là một trong những vấn đề ưu tiên của công tác bảo hộ công dân Việt Nam. 

Được biết, theo số liệu ngày 3-2, số lưu học sinh Việt Nam và người nhà còn ở thành phố Vũ Hán - trung tâm của dịch virus corona - là 25 người. 

Tại cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 4-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tạo thuận lợi cho du học sinh Việt Nam từ Trung Quốc, đặc biệt là từ Vũ Hán, về nước, phối hợp chặt chẽ các bộ ngành đón người Việt về nước để thực hiện cách ly, có phương án xử lý phù hợp trong chống dịch với đường sắt, tương tự với đường bộ và hàng không.

Thủ tướng cũng nêu rõ việc cấp phép chuyến bay sang Vũ Hán, Trung Quốc đón người Việt Nam không cần phải xin ý kiến Thủ tướng.

Hỗ trợ nhân đạo cho Trung Quốc

Câu hỏi đặt ra: Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã, đang và sẽ có biện pháp thế nào để hợp tác với Trung Quốc trong phòng chống dịch bệnh? Việt Nam đánh giá công tác đối phó với dịch bệnh của Trung Quốc thế nào?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đã và đang tích cực hợp tác trong trao đổi thông tin và bảo hộ công dân, trong việc ngăn chặn dịch bệnh từ cả hai bên. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho Trung Quốc, trong đó có việc triển khai hàng hóa vật dụng y tế. Hội Chữ thập đỏ các tỉnh biên giới phía Bắc cũng có chính sách hỗ trợ phù hợp cho nhân dân Trung Quốc.

"Với mục tiêu phòng chống không để dịch lan rộng, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác, phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc. Việt Nam luôn quan tâm và theo dõi sát tình hình dịch bệnh, đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc trong ngăn chặn và kiểm soát tình hình. Việt Nam hi vọng tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc và các nước sẽ sớm được kiểm soát", bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Về phản hồi của phía Trung Quốc với gói hỗ trợ trị giá 500.000 USD của Việt Nam, bà Hằng cho biết "qua theo dõi một số báo Việt Nam thì đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã có lời cảm ơn đến Việt Nam".

Trước đó, ngày 31-1, Chính phủ Việt Nam thông báo đã quyết định viện trợ hàng hóa và vật dụng y tế với giá trị tương đương 500.000 USD để chia sẻ đối phó với virus corona của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng vận động viện trợ hàng hóa giá trị 100.000 USD. Bảy tỉnh biên giới phía Bắc cũng có các hình thức phù hợp hỗ trợ giúp đỡ cho nhân dân Trung Quốc, nhất là các tỉnh ven biên giới hai nước.

Ngày 27-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện thăm hỏi tới Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, khẳng định trong khả năng của mình Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc tích cực hợp tác trong cuộc đấu tranh chống lại dịch bệnh này.

* Việt Nam mới ghi nhận 10 trường hợp nhiễm bệnh, tại sao có kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến cho hàng nghìn người?

Bà Lê Thị Thu Hằng: Tất nhiên không ai mong muốn dịch bệnh lây lan, tuy nhiên với diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên diện rộng, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, cùng các cơ quan liên quan, các địa phương thực hiện phòng chống dịch trên cả nước.

Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt không để dịch lây lan nhanh và kiểm soát được dịch ở nước mình, như cách ly, hạn chế xuất nhập cảnh cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất. Việc này là kịp thời trong diễn biến dịch hiện nay.

Cũng cần phải nói thêm rằng, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với WHO cũng như các nước khác trên thế giới trong việc chia sẻ các kinh nghiệm kiểm soát dịch.

* Hành khách Trung Quốc không được nhập cảnh vào Việt Nam có bao gồm người Hong Kong và Macau không? Nếu họ được cấp visa rồi thì có bị cách ly không?

Bà Lê Thị Thu Hằng: Thông tin về việc tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài là từ các vùng có dịch của Trung Quốc (31 vùng có dịch), đã được công báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hi vọng các khách nước ngoài khi đến Việt Nam sẽ nhận thức được các thông báo này để không có trường hợp nào đáng tiếc khi nhập cảnh Việt Nam mà bị từ chối. 


Theo tuoitre