Làn sóng đấu tranh chống bất bình đẳng giới đã được giới truyền thông quốc tế nhấn mạnh trước ngày khởi tranh World Cup bóng đá nữ 2023.
Dư luận cho rằng bóng đá nữ đã bị đối xử bất công. Nhiều ý kiến nhận định trình độ chuyên môn cũng như sức hút của các giải bóng đá nữ chưa thể so sánh với các giải bóng đá nam. Đó cũng là nguyên nhân bóng đá nam được ưu đãi hơn bóng đá nữ nhiều mặt, đặc biệt là về thu nhập của cầu thủ.
Là người trong cuộc, nên các cô gái Việt Nam đến với bóng đá đã hiểu, đã quen với hoàn cảnh: thu nhập thấp thậm chí không đủ sống; giải vô địch quốc gia chỉ có 7 đội tham dự và cũng chỉ đại diện cho 5 tỉnh, thành (Hà Nội, TPHCM còn cử thêm đội trẻ dự tranh), khán giả đến sân thưa thớt, truyền thông đưa tin nghèo nàn, không nhiều và dồn dập như với bóng đá nam... Thậm chí khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành được tấm vé tham dự World Cup 2023, dù truyền thông đồng loạt đưa tin làm nức lòng người hâm mộ nhưng chiến tích ngoài mong đợi này vẫn không được tung hô, hồ hởi, chúc mừng rầm rộ như lúc đội bóng nam giành chiến thắng, cho dù đó chỉ là một giải giao hữu.
Đừng quên, bóng đá nam còn khiến người dân xuống đường ăn mừng dù thành tích còn kém xa các đồng nghiệp nữ. Còn bóng đá nữ thì sao? Không thể phủ nhận sự quan tâm của xã hội Việt Nam với bóng đá nữ ngày càng tăng nhưng vẫn còn thấp.
Bất bình đẳng giới trong lĩnh vực bóng đá không chỉ là thu nhập mà còn là quấy rối tình dục, sự phân biệt đối xử về nhiều mặt. Tuy nhiên, ngoại trừ yếu tố thu nhập, những vấn đề bất công còn lại không tồn tại ở bóng đá nữ Việt Nam.
Các chính sách phát triển thể thao ở Việt Nam giữa nam và nữ như nhau, không có phân biệt. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng làm rất tốt khi quan tâm, chăm sóc đầu tư cho đội tuyển bóng đá nam và đội tuyển nữ cũng gần như nhau. Tóm lại, các quan chức, lãnh đạo bóng đá Việt Nam từ các ban ngành nhà nước cho đến tổ chức xã hội không chỉ quan tâm mà còn bình đẳng, công bằng với thể thao nữ nói chung và bóng đá nữ nói riêng.
|
|
Sân Cẩm Phả như muốn nổ tung sau bàn thắng của Huỳnh Như trong trận gặp Thái Lan tại SEA Games 31 - Ảnh: VFF |
Rõ nhất là quá trình chuẩn bị về mọi mặt cho World Cup 2023 của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam là không thể chê trách. Những chuyến tập huấn chất lượng chuyên môn cao ở Nhật, Đức, New Zealand; những trận đấu giao hữu, những giải tham gia đều được tính toán kỹ lưỡng, khoa học. Chế độ dinh dưỡng cũng cao với tiêu chuẩn 1 triệu đồng/người/ngày; lương, thưởng, tài trợ rõ ràng, công minh...
Tất nhiên vẫn còn những nghịch lý giữa bóng đá nam và nữ nhưng đó là hoàn cảnh chung của toàn thế giới: bóng đá nữ đang ngày càng phổ biến cả chiều rộng lẫn chiều sâu nhưng chắc chắn vẫn phải tiếp tục đấu tranh để tồn tại và phát triển.
Đó cũng là cách mà các cô gái Việt Nam đá bóng đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi. Họ đã cống hiến mà không đòi hỏi để rồi giờ đây bóng đá nữ Việt Nam đã có được một vị thế khác, khác hơn rất nhiều và khác tích cực hơn hẳn cho dù vẫn còn đó những khoảng cách không dễ cân bằng với bóng đá nam.
Thủ quân đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam Huỳnh Như từng tâm sự: “Bóng đá nữ không được nhiều khán giả xem như bóng đá nam. Điều đó khiến các vận động viên chạnh lòng, nhưng chúng tôi luôn tự nhủ cố gắng hơn nữa để mọi người nhận thấy không có sự phân biệt bóng đá nam với bóng đá nữ”.
Tiếng nói của thủ quân Huỳnh Như đã cho thấy các tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam hiểu rõ vị thế của mình và đấu tranh bằng chính sức lực, tài năng để xã hội thấy, hiểu và từ đó dần thay đổi quan điểm.
Theo phụ nữ TPHCM