Nhân viên y tế làm việc tại một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 19/7, Thái Lan ghi nhận 11.784 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua.
Đây là ngày thứ 4 liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ khi dịch bùng phát.
Thái Lan cũng ghi nhận thêm 81 ca tử vong do mắc COVID-19. Như vậy, tính đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 415.170 ca mắc, trong đó có 3.422 ca tử vong.
Kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit Rajabhat thực hiện được công bố ngày 18/7 cho thấy phần lớn người dân Thái Lan cho rằng tình hình COVID-19 hiện nay ở nước này là cực kỳ nghiêm trọng và sẽ mất ít nhất 2 năm để vượt qua.
Cuộc thăm dò được tiến hành trực tuyến đối với 1.702 người trong cả nước trong thời gian từ ngày 5-15/7, trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong đang tăng lên nhưng việc tiêm chủng diễn ra chậm chạp.
Về mức độ nghiêm trọng của tình hình COVID-19 hiện tại, 60,93% người được hỏi cho rằng cực kỳ nghiêm trọng, 24,12% nói rất nghiêm trọng và 14,95% nhận xét khá nghiêm trọng.
Khi được hỏi khi nào Thái Lan có thể vượt qua khủng hoảng, 36,74% cho rằng sẽ mất hơn 2 năm; 27,60% cho rằng mất 1 năm và 9,73% cho rằng mất 6 tháng.
Đối với câu hỏi về những khía cạnh nghiêm trọng nhất của tình hình dịch bệnh hiện nay, 89,24% đề cập số ca nhiễm và tử vong đang gia tăng; 81,08% đề cập tình trạng nhiều nhân viên y tế đã nhiễm bệnh, gây ra tình trạng thiếu nhân sự; 77,71% nêu vấn đề đóng cửa doanh nghiệp dẫn đến thất nghiệp; 75,75% chỉ ra việc vaccine chậm được triển khai và 73,75% cho rằng đại dịch vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.
Khi được hỏi chính phủ nên làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19, 76,70% cho rằng nhân viên y tế cần được tiêm vaccine càng sớm càng tốt; 75,04% cho rằng nên mua vaccine của nhiều hãng khác nhau để tiêm cho người dân, 74,69% cho rằng phải chủ động phát hiện ca lây nhiễm hơn và phong tỏa các điểm có nguy cơ cao.
Về tiêm chủng, 49,35% số người được hỏi cho biết họ chưa được tiêm vaccine, 38,84% đã tiêm 1 mũi và 11,81% đã tiêm 2 mũi.
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia đã phê duyệt có điều kiện việc nhập khẩu và phân phối 2 bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19, cho phép bán tại các hiệu thuốc cộng đồng hoặc trung tâm y tế đã đăng ký.
Hai bộ dụng cụ này gồm bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 Salixium do hãng Reszon Diagnostic (Malaysia) sản xuất và bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 Gmate của công ty Philosys (Hàn Quốc).
Salixium xét nghiệm hỗn hợp nước bọt và dịch mũi, trong khi Gmater xét nghiệm nước bọt. Bộ Y tế Malaysia nêu rõ hai bộ dụng cụ nói trên đã được phép nhập khẩu và bán ở Malaysia có điều kiện, đồng thời cho biết danh sách các bộ tự xét nghiệm nhanh COVID-19 được cấp phép sẽ được cập nhật theo thời gian.
Trước đó, Cục Quản lý thiết bị y tế (MDA) thuộc Bộ Y tế Malaysia đã đồng ý phê duyệt có điều kiện việc nhập khẩu và phân phối bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19.
Giám đốc điều hành MDA Ahmad Shariff cho biết 2 bộ dụng cụ đã vượt qua đánh giá kỹ thuật và thử nghiệm hiệu quả, ngoài ra còn có 15 bộ dụng cụ khác vẫn đang được kiểm tra trong phòng thí nghiệm.
Tại Singapore, Bộ Y tế nước này khuyến cáo những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt người cao tuổi, nên ở trong nhà nhiều nhất có thể trong vài tuần tới, trong bối cảnh gia tăng quan ngại về nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Trong một tuyên bố, bộ trên nêu rõ: "Chúng tôi quan ngại các chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn gốc có thể tiếp tục lây lan trong cộng đồng."
Singapore ngày 18/7 ghi nhận 88 ca mắc mới COVID-19, con số thống kê theo ngày cao nhất kể từ tháng 8/2020, với các cụm lây nhiễm tăng liên quan tới quán bar karaoke và một cảng cá.
Khoảng 73% trong tổng số 5,7 triệu dân ở Singapore đã được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, tuy nhiên chính phủ nước này đang đẩy mạnh việc tiêm chủng cho người cao tuổi.
Theo Vietnamplus