Ảnh: Reuters

Chính sách 1 con nghiêm ngặt

Lihong Shi, nhà nhân chủng học tại Đại học Case Western Reserve (Hoa Kỳ) đã phỏng vấn hơn 100 bậc cha mẹ Trung Quốc bắt đầu lập gia đình trong thời kỳ từ năm 1980 đến năm 2015 – giai đoạn Trung Quốc thực thi nghiêm ngặt chính sách một con. Họ là những người mất đi đứa con duy nhất vì nhiều nguyên do như bệnh tật, tai nạn... Đã qua tuổi sinh sản vào thời điểm con qua đời, những cặp vợ chồng này không thể sinh thêm con nữa.

Những bậc cha mẹ mất con được phỏng vấn cho biết họ cảm thấy bị lãng quên khi chính phủ ngày càng thay đổi chính sách sinh sản so với nhiều năm trước. Điều này khiến họ phải sống trong cô đơn, bấp bênh khi về già, đặc biệt ở một đất nước mà con cái vẫn là chỗ dựa vững chắc cho cha mẹ ở tuổi xế chiều.

"Lúc đó, chúng tôi muốn có thêm con. Cha mẹ tôi thậm chí còn khó chấp nhận rằng chúng tôi chỉ được phép có một con", một người mẹ 60 tuổi đã mất đứa con duy nhất nói trong cuộc phỏng vấn. 

Để thực thi chính sách một con, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm cả biện pháp tránh thai bắt buộc và buộc phải phá thai trong trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Những người vi phạm sẽ bị phạt tiền. Trẻ sinh ra trái phép thường không được hưởng đầy đủ các quyền lợi như những đứa trẻ bình thường khác. 

Vì vậy, những người làm công ăn lương khi đó hầu hết chỉ sinh một con vì sợ nguy cơ mất việc nếu vi phạm chính sách dân số. Một số người mẹ cho biết họ đã mang thai con thứ hai hoặc thứ ba vào những năm 1980 và 1990 nhưng đã phá thai vì sợ mất việc làm.

Những người già hiu quạnh do chính sách một con ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Chính sách một con của Trung Quốc nhằm làm chậm tốc độ tăng dân số và giúp nỗ lực phát triển kinh tế. Ảnh: AFP

Mất con, mất chỗ dựa về già

"Các gia đình có một con đang gặp phải nhiều rủi ro. Họ có thể rơi vào tình cảnh không con cái nếu họ mất đi đứa con duy nhất của mình. Chúng tôi là những người không may mắn đó", một người mẹ đã mất con cho biết.

Ở Trung Quốc, nơi hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe không ổn định và phân tầng cao. Vì vậy, con cái trưởng thành vẫn là chỗ dựa an toàn cho cha mẹ khi về già.

Tính đến năm 2010, ước tính có 1 triệu gia đình Trung Quốc đã mất đứa con duy nhất. Những bậc cha mẹ không con, hiện ở độ tuổi 60 đang phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.

Do truyền thống coi trọng hệ giá trị gia đình và hiếu thảo được xem là đức tính quan trọng nhất ở Trung Quốc, con cái luôn phải có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ già tuổi già. Chăm sóc cha mẹ thực sự là trách nhiệm pháp lý của con cái ở Trung Quốc, điều này được ghi trong Hiến pháp. Những người được Lihong Shi phỏng vấn cho biết họ đã hoàn thành nghĩa vụ công dân bằng cách tuân thủ chính sách một con và cảm thấy chính phủ phải có trách nhiệm chăm sóc họ khi về già.

Trong thập kỷ qua, nhiều nhóm vận động đã đề nghị chính quyền Trung Quốc, yêu cầu hỗ trợ tài chính và tiếp cận các cơ sở chăm sóc người cao tuổi với giá cả phải chăng. Theo đó, bắt đầu từ năm 2013, chính phủ đã khởi xướng nhiều chương trình cho những gia đình mất con, đáng chú ý nhất là trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm chăm sóc tại bệnh viện và ở một số vùng được trợ cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà dưỡng lão.

Tuy nhiên, nhiều người cho biết rằng các chương trình này không đủ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc người già. Ví dụ, con cái trưởng thành thường chăm sóc cha mẹ khi nằm viện, tắm rửa và mua thức ăn. Trong khi đó, các nhân viên chăm sóc có thể tính phí lên đến 46 USD (hơn 1 triệu đồng) một ngày để thực hiện những công việc này.

Được biết, ở các địa phương đã cung cấp bảo hiểm chăm sóc tại bệnh viện do chính phủ chi trả cho các bậc cha mẹ không có con. Hầu hết các chương trình bảo hiểm từ 15,5 USD đến 31 USD (khoảng 350.000 đến hơn 700.000 đồng) một ngày cho một người chăm sóc.

Những người già hiu quạnh do chính sách một con ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Với truyền thống hiếu thảo, con cái được coi là chỗ dựa cho cha mẹ lúc về già. Ảnh: AFP

Trong số những người được Lihong Shi phỏng vấn, nhiều người lo lắng về chi phí cao và chất lượng dịch vụ hạn chế của các viện dưỡng lão ở nhiều vùng. Hệ thống cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Trung Quốc không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng do tình trạng già hóa dân số và nhiều chi phí không được bảo hiểm chi trả. 

Sau 35 áp dụng chính sách một con, năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã nâng giới hạn sinh lên hai với nỗ lực nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh và trẻ hóa dân số già. Tháng 5 năm 2021, chính phủ ra chính sách mới, cho phép các gia đình Trung Quốc có thể có tối đa 3 con. 

Tuy nhiên, chính sách ba con cũng không được nhiều người dân đón nhận ở Trung Quốc. Nhiều cặp vợ chồng cho biết họ không muốn sinh nhiều con do chi phí nuôi dạy con tăng cao, điều này ảnh hưởng đến khiến triển vọng nghề nghiệp, nhất là đối với phụ nữ.

Kim Ngọc (Theo CNA)