Thế giới ghi nhận thêm 7.467 ca tử vong do Covid-19 hôm 16/11, nâng số người chết vì đại dịch lên 1.331.345. Tổng số ca nhiễm hiện là 55.302.552, tăng 513.350 ca, trong khi 38.400.006 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 11.518.670 ca nhiễm và 252.534 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 163.509 và 722 trường hợp. California và Texas trở thành hai bang đầu tiên ghi nhận hơn một triệu ca nhiễm tại Mỹ. Giới chức cũng đang lo ngại về nguy cơ lan rộng của cụm dịch mới tại Nhà Trắng khi hàng chục nhân viên Mật vụ Mỹ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Donald Trump được cho là đã nhiễm nCoV.
Moncef Slaoui, đồng lãnh đạo chiến dịch nghiên cứu vaccine thần tốc chính phủ Mỹ, hôm 13/11 thông báo khoảng 20 triệu người có thể được tiêm vaccine Covid-19 vào tháng sau. Tuy nhiên, Reuters đã đưa ra phân tích cho thấy nước này có thể ghi nhận thêm 13 triệu ca nhiễm nCoV cho tới khi tân tổng thống nhậm chức ngày 20/1 năm sau.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 28.377 ca nhiễm và 443 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 8.873.994 và 130.552.
Trong khi số ca nhiễm mới hàng ngày ở các khu vực khác của Ấn Độ đã giảm đáng kể từ đỉnh dịch giữa tháng 9, thủ đô New Delhi với 20 triệu dân đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Nhiều bệnh viện tại đây đã rơi vào tình trạng quá tải.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 203 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 166.014. Số người nhiễm nCoV tăng 13.371 ca trong 24 giờ qua, lên 5.876.464.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc điều trị thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.
Pháp báo cáo 1.991.223 ca nhiễm và 45.054 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 9.406 ca nhiễm và 506 ca tử vong. Dữ liệu của Bộ Y tế Pháp tuần trước cho thấy số ca nhiễm mới và ca nhập viện vì Covid-19 ở nước này đã giảm mạnh.
Cảnh sát Paris hôm 14/11 thông báo đang điều tra một bữa tiệc bất hợp pháp diễn ra tại Joinville-Le-Pont, gần thủ đô, có tới 400 người tham dự bất chấp các lệnh cấm nhằm ngăn Covid-19. Cảnh sát nói thêm họ đã phát hiện ít nhất một người có mặt tại buổi tiệc nhiễm nCoV và kêu gọi những người khác tham dự nhanh chóng làm xét nghiệm.
Anh báo cáo thêm 21.363 ca nhiễm và 213 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.390.681 và 52.157. Anh đang là một trong những vùng dịch lớn nhất châu Âu cũng như thế giới, khiến chính phủ tái áp đặt phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, đánh dấu một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất từ sau Thế chiến II.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang tự cách ly sau khi tiếp xúc một người được xác nhận dương tính nCoV, khẳng định ông vẫn "khỏe như vâm" và kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách.
Đức ghi nhận 14.582 ca nhiễm mới và 199 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 817.526 và 12.891. Từ ngày 2/11 đến 30/11, người Đức không bị giới hạn trong nhà, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì "mục đích phi du lịch".
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết nước này có thể kéo dài các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 trong 4-5 tháng nữa. Tuyên bố của ông Altmaier được đưa ra trước cuộc họp ngày 16/11 của chính phủ Đức về việc có nên gia hạn các biện pháp hạn chế hay không.
Lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Đức khi khoảng 600 người thuộc phong trào Querdenker, tổ chức phản đối những biện pháp kiểm soát đại dịch của chính phủ, xuống đường biểu tình hôm 14/11 tại thành phố Frankfurt.
Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 752.269 ca nhiễm và 20.314 ca tử vong, tăng lần lượt 1.245 và 73 ca.
Nam Phi bắt đầu nới lỏng hạn chế xuống mức thấp nhất hồi tháng 9, sau khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm, đồng thời mở cửa biên giới cho hành khách quốc tế từ đầu tháng 10 sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng. Tình trạng đóng cửa khiến Nam Phi mất hơn 2 triệu việc làm trong quý II, nền kinh tế sụt giảm kỷ lục.
Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 41.979 người chết, tăng 486, trong tổng số 775.121 ca nhiễm, tăng 13.053. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.
Bộ Y tế Iran hôm 15/11 cho biết giới chức nước này đang xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn Covid-19 trên toàn quốc từ ngày 21/11 sau khi ca nhiễm nCoV hàng ngày liên tục tăng cao.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 470.684 ca nhiễm, tăng 3.535 so với hôm trước, trong đó người chết là 15.296, tăng 85 ca. Tổng thống Indonesia Widodo cho biết nước này đã xin cấp phép khẩn cấp cho chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 hàng loạt để đối phó đại dịch.
Philippines báo cáo 409.574 ca nhiễm và 7.839 ca tử vong, tăng lần lượt 1.738 và 5 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực. Quá trình chống Covid-19 tại nước này đang gặp nhiều khó khăn do bão lớn liên tiếp đổ bộ, khiến người dân phải đi sơ tán tại các địa điểm đông người và thiếu biện pháp an toàn ngăn virus lây lan.
"Chúng ta vẫn tiếp tục đón nhận các tin tức đáng mừng về vaccine Covid-19, nhưng vẫn lạc quan một cách cẩn trọng về tiềm năng của những công cụ mới có thể xuất hiện trong những tháng tới. Tuy nhiên, đây không phải lúc chủ quan, chỉ mình vaccine không đủ chặn đứng đại dịch", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hôm 15/11.
Phát biểu được đưa ra sau khi hãng dược phẩm Moderna tuyên bố vaccine Covid-19 của họ đạt hiệu quả 94,5%, dựa trên dữ liệu sơ bộ thử nghiệm giai đoạn cuối, trở thành nhà sản xuất thứ hai ở Mỹ báo cáo kết quả vaccine vượt xa mong đợi. Mỹ hiện có hai loại vaccine Covid-19 đạt hiệu quả trên 90% trong thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, dự kiến được phê duyệt khẩn cấp tháng 12 năm nay.
Theo vnexpress