Lưu Thị Mỹ Lil (TP Thủ Đức, phải) và Cao Thị Thanh Thảo (quận Gò Vấp, trái) mặc đồ bảo hộ để đi phun khử khuẩn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cứ 8h sáng, đội phản ứng nhanh lại tập hợp, người chuẩn bị dung dịch, người vác máy phun, ai nấy đều khoác lên mình đồ bảo hộ kỹ càng để vào những nơi có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm, phun khử khuẩn miễn phí cho người dân. Thành viên không chỉ có nam mà còn có những "bóng hồng" rất trẻ.
Chọn ở lại vì “đã yêu TP.HCM”
Là sinh viên năm cuối chuyên ngành kinh tế của Trường đại học Hoa Sen, Cao Thị Thanh Thảo (23 tuổi, quận Gò Vấp) không chọn về quê tránh dịch mà quyết ở lại TP.HCM.
Trong lần thấy các group tình nguyện đang cần người, cô gái nhỏ không hề sợ sệt mà quyết định đăng ký vào đội phun khử khuẩn.
Cao Thị Thanh Thảo (quận Gò Vấp) được đồng đội hỗ trợ đeo tai giả để đỡ đau tai trong quá trình làm việc - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thảo cho biết, những hoạt động khác có nhiều bạn đăng ký, riêng phun khử khuẩn thời gian đó chưa có ai nhận nên Thảo quyết định chọn hoạt động này, vì cảm thấy thể trạng của mình có thể giúp được các anh.
Thảo nói: “Dẫu biết nguy hiểm, nhưng ai cũng sợ thì sẽ không có ai làm, nên mình muốn góp sức nhỏ của mình vào trong cuộc chiến này”.
“Mình rất yêu TP.HCM, từ lúc nhỏ đã nhiều lần lên đây chơi và rất là thích, lớn lên càng thích hơn nữa. Cảm giác nơi này dạy cho mình nhiều điều, mang đến cho mình nhiều thứ, nhiều cơ hội nên không muốn bỏ TP về trong thời gian này. Vì đã yêu rồi, khi mà người ta yếu đuối và cần mình nhất thì sao có thể bỏ đi được, phải ở lại để cùng TP chống dịch”, Thảo bộc bạch.
Thanh Thảo chọn ở lại làm tình nguyện vì "đã yêu TP.HCM rồi" - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cũng là sinh viên năm cuối Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Lưu Thị Mỹ Lil (23 tuổi, TP Thủ Đức) từng tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho biết, khi đội thiếu người, thấy thể trạng mình tốt nên quyết định vào đội phun khử khuẩn.
"Mình thích đi phun khử khuẩn, vừa tập thể dục, vừa có sức khỏe và hỗ trợ được cho người dân. Chắc do mình hơi lì nên không thấy sợ. Tham gia lâu mình thấy vui, vì đi phun gặp người dân mến cho tụi mình nước, rồi còn cho đồ ăn nữa. Ngoài ra còn quen được nhiều bạn bè mới", Mỹ Lil nói.
Bộ đồ quá cỡ được đồng đội buộc lại bằng thun cho Mỹ Lil - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cố gắng vì luôn có người cạnh bên ủng hộ
Đi tình nguyện nhưng vì sợ gia đình lo nên không dám nói, đến khi đã quen việc, các cô gái mới dám tâm sự cùng ba mẹ.
Cao Thị Thanh Thảo chia sẻ: “Trăn trở lớn nhất vẫn là gia đình, lúc đầu lén đi, vì biết ba mẹ sẽ lo nên không dám nói. Xong sau này ba mẹ biết và hiểu nên đã ủng hộ mình hết sức và mong mỏi mình được bình an trở về”.
Các cô gái lên xe để bắt đầu ngày làm việc - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Mỹ Lil vác trên vai bình phun khử khuẩn 25 lít - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Anh Lê Văn Cường (đội trưởng đội khử khuẩn phản ứng nhanh) cho biết, khi tuyển tình nguyện viên có cả nam và nữ, ban đầu chỉ tính cho các bạn nữ làm hậu cần. Nhưng khi đi thực tế, các bạn rất nhiệt huyết và muốn được trực tiếp tham gia phun khử khuẩn như nam, nên anh em cũng hỗ trợ chỉ dẫn cách sử dụng máy móc.
Mỹ Lil phun khử khuẩn trong tháp 25 tầng một tòa nhà tại TP Thủ Đức - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Bị cận, nước phun khử khuẩn che mờ cả kính, Mỹ Lil vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ vì luôn có đồng đội kề bên - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thanh Thảo hỗ trợ châm dung dịch phun cho đồng đội - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
"Thời gian đầu mình cho các bạn nữ đi thử, mang bình ít dung dịch để xem thể trạng các bạn như thế nào, nếu ổn và muốn tiếp tục đi phun thì anh em sẽ sẵn sàng.
Các đội mỗi lần đi sẽ có 5 bạn, bao gồm tình nguyện phun và lái xe. Các bạn thay phiên nhau làm, sáng 8h bắt đầu và chiều 5h kết thúc" - anh Cường nói.
Nhìn các anh cố gắng, các cô gái trẻ cũng chạnh lòng và quyết tâm hơn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Xong nhiệm vụ, mồ hôi làm ướt cả tóc các cô gái trẻ nhưng họ chưa bao giờ muốn từ bỏ công việc tình nguyện này khi TP.HCM chưa hết dịch - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thanh Thảo phơi ủng của mình và đồng đội để ủng nhanh ráo, không bị trơn trượt - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thả tim vì TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo tuoitre