leftcenterrightdel
 Công việc của Ross cho phép cô thỏa mãn sự sáng tạo và lý tưởng của mình. Ảnh: New York Times.

Danielle Ross (26 tuổi, sống tại New York, Mỹ) miêu tả bản thân là người yêu nghệ thuật và sáng tạo. Thuộc cộng đồng LGBTQ+, Ross không muốn một công việc hạ thấp bản sắc hay kỹ năng của mình.

Vì vậy, Ross vui mừng khi tham gia xây dựng mô hình Lego tại công viên giải trí Legoland New York Resort bởi nó giúp cô tận dụng khả năng nghệ thuật cũng như thỏa mãn mong muốn thúc đẩy sự đa dạng.

"Tôi muốn tạo nên những mô hình người thuộc đa dạng chủng tộc, quốc gia và tôn giáo, bởi tôi tin rằng hình ảnh của tất cả cần được đại diện", cô nói.

Sự tự do sáng tạo giúp Ross yêu thích công việc của mình. Trong năm qua, Legoland New York cùng một số công ty khác đang cố gắng tạo ra môi trường hấp dẫn, tạo động lực cho nhân viên trẻ, theo New York Times.

Thế hệ lao động mới

 Khi tuyển dụng Gen Z (thế hệ sinh năm 1995 đến 2012), các công ty mong muốn khai thác nguồn năng lượng sáng tạo mới và bù đắp sự thiếu hụt lao động trầm trọng hiện nay, với 11 triệu vị trí còn trống, theo Cục Thống kê Lao động.

Mùa thu năm 2021, Legoland cho phép nhân viên xỏ khuyên, xăm hình và nhuộm tóc. Một công ty dịch vụ khách sạn thí điểm tuần làm việc 4 ngày. Công ty chăm sóc sức khỏe GoodRx đang cho phép nhân viên làm việc từ xa ở mọi nơi trên nước Mỹ. Một số công ty khác vạch rõ lộ trình sự nghiệp cho nhân viên, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần và tư vấn tài chính.

Mục tiêu của nhiều nhà tuyển dụng là thu hút và giữ chân người trẻ. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng, bởi theo nhiều khảo sát, nhân viên trẻ dễ nhảy việc hơn các thế hệ khác. Nhưng nhờ những nỗ lực này, nhiều công ty tránh được tình trạng thiếu hụt lao động.

“Chúng tôi hiện có khoảng 1.500 nhân viên, trong đó hơn một nửa thuộc thế hệ Z”, Jessica Woodson, người đứng đầu bộ phận nhân sự ở Legoland, cho biết.

Tại tập đoàn Sage Hospitality, nơi vận hành hơn 100 khách sạn, nhà hàng và quán bar khắp nước Mỹ, 20% nhân viên là Gen Z.

"Nhận thức rằng Gen Z có những mục tiêu khác các thế hệ trước đây, chúng tôi đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu đó”, Daniel del Olmo, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành bộ phận quản lý khách sạn, cho biết.

leftcenterrightdel
Các công ty nỗ lực để thích ứng với nhu cầu mới của Gen Z. Ảnh: Newsweek. 

Sau đại dịch, các công ty hiểu rằng nhân viên trẻ muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trên thực tế, một nghiên cứu thực hiện bởi Viện ADP cho thấy nhiều người sẽ nghỉ việc nếu phải quay lại văn phòng toàn thời gian.

Sage Hospitality đang thí điểm tuần làm việc 4 ngày với vị trí đầu bếp, lau dọn và lễ tân tại một số khách sạn. Đây là những công việc bị thiếu hụt nhân sự trầm trọng nhất trong đại dịch.

Theo ông Olmo, tuần làm việc 4 ngày rất hiệu quả. Thay vì cảm thấy mệt mỏi, người lao động có thái độ tích cực hơn khi cân bằng được công việc và cuộc sống.

Mason Mills (26 tuổi), giám đốc marketing của một trong những khách sạn trực thuộc tập đoàn, nói rằng đại dịch đã thay đổi góc nhìn của thế hệ cô.

"Chúng tôi nhận ra rằng cuộc sống bên ngoài cũng quan trọng không kém sự nghiệp. Công ty tôi hiểu điều đó và đã cải thiện rất nhiều", cô nói.

Phúc lợi hấp dẫn

 Theo Roberta Katz, nhà nhân chủng học tại Stanford, chuyên nghiên cứu về Gen Z, giới trẻ có cách nhìn khá khác biệt về nơi làm việc so với các thế hệ trước.

“Gen Z tại Mỹ hầu hết lớn lên trong thế giới kết nối Internet. Họ đã quen dùng những nền tảng cho phép người dùng cộng tác qua mạng. Vì vậy, nhân viên trẻ không còn coi công việc chỉ là ngồi từ 9h sáng đến 5h chiều ở văn phòng”, tiến sĩ Katz cho biết.

Theo Andrew Barrett Weiss, giám đốc trải nghiệm làm việc của công ty chăm sóc sức khỏe GoodRx, việc trao nhân viên sự tự chủ và linh hoạt mang lại rất nhiều lợi ích. Hiện, GoodRx cho phép nhân viên làm việc hoàn toàn từ xa ở mọi nơi trên nước Mỹ.

GoodRx cũng cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và tổ chức đào tạo chuyên môn cho nhân viên, đồng thời cho họ hưởng nhiều phúc lợi khi nghỉ thai sản.

Công ty dịch vụ ăn uống Kencko tập trung chăm sóc sức khỏe tinh thần của người lao động. Cụ thể, mỗi nhân viên và người nhà của họ nhận được 6 buổi trị liệu với chuyên viên tâm lý. Đây là một quyền lợi đặc biệt bởi giá dịch vụ này tại nhiều vùng ở Mỹ đã tăng lên 400 USD/giờ.

leftcenterrightdel
Nhiều công ty để tâm và chăm sóc đến sức khỏe tinh thần của nhân viên. Ảnh: WebMD. 

Một số công ty khác cố gắng đáp ứng mong muốn phát triển sự nghiệp của nhân viên trẻ. Trong một khảo sát trên LinkedIn, 40% lao động trẻ cho biết họ sẵn sàng chấp nhận giảm 5% lương nếu được làm công việc mang lại cơ hội phát triển sự nghiệp.

Hiểu được điều này, Blank Street Coffee, thương hiệu cà phê có 40 chi nhánh ở Mỹ và Anh, ưu tiên việc phát triển sự nghiệp cho người trẻ. Theo ông Issam Freiha, giám đốc điều hành công ty, nhân viên được chỉ rõ lộ trình thăng tiến trong công việc của họ.

Sau khi Alex Cwiok (27 tuổi), nhân viên pha chế tại cửa hàng Blank Street ở Brooklyn (Mỹ), chia sẻ với quản lý về niềm đam mê lập trình của mình, cô đã được đưa vào trụ sở chính. Hiện, Cwiok xử lý email và đánh giá từ khách hàng, đồng thời làm việc để cập nhật ứng dụng của thương hiệu.

Hiểu rằng nhiều nhân viên pha chế chỉ coi công việc tại Blank Street là nghề tay trái, công ty sẵn sàng giúp họ thực hiện bước tiếp theo trong sự nghiệp.

"Chúng tôi sử dụng mạng lưới cựu sinh viên và nhà đầu tư để đưa mọi người đến công việc mơ ước của họ", giám đốc điều hành Freiha cho biết

Blank Street cũng thường xuyên để tâm đến nguyện vọng của nhân viên trẻ.

"Chúng tôi phải tiếp tục đổi mới. Thế hệ này không muốn làm việc cho những thứ lỗi thời", ông Freiha nói.

Theo zingnews