leftcenterrightdel
 

"Họ đang kiệt sức - 58% Gen Z cảm thấy mệt mỏi với công việc", ông Micah Remley, CEO tập đoàn sản xuất phần mềm quản lý Robin Powered, cho biết.

Khảo sát đầu năm 2022 của Deloitte cho thấy 44% Gen Z và 43% Millennials quyết định rời bỏ công ty vì áp lực công việc. 26% Gen Z và 31% Millennials lo lắng về chế độ hưu trí; 29% Gen Z và 36% Millennials bận tâm đến chi phí sinh hoạt.

Trong khi đó, 46% Gen Z và 43% Millennials cho biết cảm thấy kiệt sức do cường độ và yêu cầu quá cao của công ty.

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2025, Gen Z trở thành lực lượng lao động chính trên toàn cầu, trong khi Millennials chiếm khoảng 37%.

Vì vậy, để tạo môi trường làm việc ổn định, các công ty cần thấu hiểu và thích ứng với một số nguyện vọng của 2 thế hệ này.

Làm việc từ xa

 Deloitte nhận định khi Gen Z tiếp tục gia nhập lực lượng lao động, tính linh hoạt sẽ trở thành ưu tiên số một.

Sau đại dịch Covid-19, làm việc từ xa trở thành xu hướng mới của người lao động. 49% Gen Z và 45% Millennials thường xuyên làm việc tại nhà hoặc bên ngoài văn phòng, trong đó 3/4 khẳng định mô hình này là phương thức làm việc yêu thích của mình.

Deloitte còn nhận thấy một tỷ lệ nhỏ nhưng ngày càng tăng số lượng người lao động chuyển về sinh sống tại những thành phố ít tốn kém. Cụ thể, vào đầu năm 2022, khoảng 15% Gen Z và Millennials tại Mỹ có dự định rời khỏi các thành phố lớn, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này càng khẳng định nhân sự trẻ ngày nay không còn thích bó buộc với văn phòng. Họ thích làm việc linh hoạt ở bất cứ đâu mình muốn.

Thay đổi lịch làm việc

 Không chỉ yêu cầu không gian linh hoạt, Gen Z và Millennials còn kỳ vọng thay đổi thời gian làm việc.

Theo khảo sát của Deloitte, 36% Gen Z và Millennials cho biết thích làm việc từ thứ 2 đến hết thứ 6. Trong khi đó, 28% mong muốn thời gian biểu nén với một tuần chỉ 4 ngày làm việc. Điều này giúp họ có thể gói gọn công việc văn phòng và dành nhiều thời gian nhiều hơn cho đam mê cá nhân, gia đình và bạn bè.

Tuy nhiên, lịch làm việc nén vẫn còn gây nhiều tranh cãi về lợi ích và tác hại đối với người lao động.

leftcenterrightdel
 Gen Z và Millennials không còn muốn bó buộc với văn phòng. Họ yêu cầu chế độ làm việc từ xa. Ảnh minh họa: Standsome Worklifestyle/Pexels.

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Các cuộc khảo sát của Deloitte và Robin đều cho thấy Gen Z và Millennials hướng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Trong công việc, họ mong muốn có cơ hội học tập và phát triển, cải thiện sức khỏe tinh thần, thể chất. Nhiều người còn yêu cầu doanh nghiệp có cam kết lớn hơn để tạo ra tác động xã hội tích cực.

Chăm sóc sức khỏe

Chế độ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần chính là yếu tố hàng đầu để một Gen Z và Millennials lựa chọn gắn bó với doanh nghiệp.

Computerworld dẫn lời ông Remley: "Nếu chúng tôi nói chuyện với Baby Boomer hoặc Gen X về sức khỏe tinh thần, họ sẽ nói rằng đó chuyện cá nhân. Trong khi đó, với Gen Z, đó lại là vấn đề chung của nhà tuyển dụng".

Thu nhập hậu hĩnh

 Như nhiều thế hệ trước đây, Gen Z và Millennials cũng yêu cầu một mức lương tốt, hoặc ít nhất là điều kiện để có thu nhập tốt.

Theo báo cáo từ Robin đầu năm 2022, 44% Gen Z lựa chọn ở lại công ty dù không hài lòng - miễn là được trả lương cao. Tuy nhiên, có 47% cho biết sẽ chọn niềm vui hơn là tiền bạc.

Thay vì phụ thuộc vào một nguồn thu cố định, nhiều Gen Z và Millennials đang xác định lại mô hình làm việc của họ. 43% Gen Z và 33% Millennials làm thêm công việc phụ nhằm kiếm thêm thu nhập.

"Những thế hệ trước không có nhiều cơ hội làm việc như hiện nay. Gen Z và Millennials trưởng thành khi nền kinh tế phát triển rất mạnh mẽ. Đây là thời điểm quyền lực được chuyển sang tay người lao động", ông Remley nói.

Theo lifestyle.zingnews