Mánh lừa đảo phổ biến nhất thời đại dịch

Mánh lừa đảo du lịch phổ biến nhất trong thời đại dịch liên quan tới các xét nghiệm Covid-19.

Ở nhiều nơi trên thế giới, khách du lịch phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi bay, song hàng loạt vụ bắt giữ gần đây cho thấy không phải mọi kết quả đều xác thực. Nhà chức trách ở Indonesia, Pháp và Anh cho biết, đã bắt giữ những kẻ cung cấp xét nghiệm Covid-19 giả mạo.

“Chừng nào việc hạn chế đi lại còn được áp dụng do tình hình Covid-19 thì việc chế và bán các chứng chỉ kiểm tra giả còn chiếm ưu thế”, cơ quan thực thi pháp luật của Liên minh châu Âu là Europol cho biết.

Các cáo buộc gian lận về kết quả xét nghiệm Covid-19 đã được nêu ở khắp nơi trên thế giới. Hồi cuối tháng 1, một nam giới đã bị nhà chức trách bắt ở sân bay Luton, London (Anh) vì có liên quan tới việc bán chứng chỉ kiểm tra Covid-19 dởm.

Tháng 11/2020, giới chức Pháp bắt giữ 7 người bán chứng chỉ giả cho du khách ở sân bay Charles de Gaulle, gần Paris. Cảnh sát lần đầu tiên biết đến hình thức lừa đảo này sau khi phát hiện một hành khách có chứng chỉ giả, đi trên chuyến bay tới Addis Ababa ở Ethiopia. Sau vụ bắt giữ, cảnh sát phát hiện trong điện thoại của nghi phạm có hơn 200 chứng chỉ giả. Tất cả đều là chứng chỉ cho phép người sở hữu nó được bay quốc tế, các công tố viên Pháp cho hay.

Cuối tháng 1 vừa qua, cảnh sát thủ đô Jakarta, Indonesia cũng cho biết, họ bắt được 8 người bị cáo buộc liên quan tới một vụ lừa đảo bán kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 giả cho du khách.

Các vụ bắt giữ liên quan tới chứng chỉ xét nghiệm Covid-19 giả cũng được phát hiện ở Philippines, Đài Loan, theo WSJ.

Nghìn lẻ một trò lừa đảo du lịch


Ron và Dore Mead, người Mỹ, là một trong số các nạn nhân của trò lừa đảo du lịch thời đại dịch. Do muốn bỏ hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ trong đại dịch, họ phải hứng chịu kết quả đau lòng. Ron và Dore đã trả 7.395 USD cho một chuyên gia về thoát chia sẻ kỳ nghỉ ở Branson, Missouri, Mỹ với hy vọng dừng sử dụng căn hộ đắt tiền của họ ở Mexico.

Trong suốt nhiều tháng trời, chuyên gia trên không làm gì, tờ Washington Post dẫn lời Dore Mead, một quan chức đã nghỉ hưu ở Minneapolis nói. Sau đó, anh ta chuyển vụ việc của họ cho một luật sư nhưng không người này cũng không có hành động gì.

Số các vụ lừa đảo trên mạng xã hội thời Covid-19 tăng vọt.

Cuối cùng, cặp đôi liên lạc trực tiếp với công ty bán sản phẩm chia sẻ kỳ nghỉ. Công ty này đề nghị thương lượng về việc họ rút lui với cái giá cao gấp 5 lần phí thường niên của họ, tương đương 5.000 USD. Nếu cam kết không dính líu tới luật sư, nhà Meads sẽ được giảm giá 10% phí huỷ hợp đồng của công ty chia sẻ kỳ nghỉ và họ có thể chia đều các khoản thanh toán trong 6 tháng, không bị tính lãi.

Mead nói: “Sau tất cả những gì đã nói và làm, việc kết thúc tư cách thành viên cũng sẽ tốn kém như mua chia sẻ kỳ nghỉ lúc đầu”.

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra, chi tiêu tuỳ ý biến mất, đặc biệt là đối với sản phẩm chia sẻ kỳ nghỉ mà ít người có thể sử dụng. Tuy nhiên, hàng loạt trò lừa đảo du lịch khác liên quan tới đại dịch đã xuất hiện, gồm cả hoàn tiền và bán vé, thẻ vắc xin, xét nghiệm Covid-19. Trong khi các trò lừa đảo khác nhau thì các giải pháp lại luôn giống nhau.

Chuyên gia về mô hình chia sẻ kỳ nghỉ Lisa Ann Schreier - tác giả của blog “The Word From Timeshare Crusader” nói, cô đã chứng kiến các vụ lừa đảo dừng hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ tăng mạnh trong thời đại dịch. “Tôi không thích suy rộng nhưng 99% trong số các vụ việc là họ không làm những gì đã hứa, hoặc tệ hơn, đó là những trò lừa đảo”.

Schreier cho hay: “Tôi nghe nói, một số công ty bán sản phẩm chia sẻ kỳ nghỉ cố gắng thuyết phục các chủ sở hữu kỳ nghỉ mua thêm điểm để giảm lãi suất cho khoản vay của họ. Việc này có thể bị coi là lừa đảo vì chủ sở hữu cuối cùng phải gánh nhiều nghĩa vụ chia sẻ kỳ nghỉ hơn trong khi họ thực sự muốn sở hữu ít hơn”.

Hạn chế đi lại được nới lỏng, nhiều người muốn đi du lịch giá rẻ đã sập bẫy lừa đảo

Zach Pardes, một phát ngôn viên của nền tảng đánh giá về các doanh nghiệp toàn cầu Trustpilot cho hay: “Đại dịch xảy ra chưa được bao lâu thì chúng tôi đã nhận thấy số các hoạt động kinh doanh gian lận và hành vì thao túng nhằm đánh lừa người tiêu dùng đã tăng vọt”.

Theo ông Pardes, Trustpilot nhận diện được ba loại lừa đảo chính trong đại dịch. Một trong những trò lừa đảo lớn nhất là liên quan tới vé máy bay giá rẻ. Một số vé quá rẻ để tin là nó có thật, Pardes nói. Những kẻ lừa đảo thường chào mời giá vé máy bay thấp quá mức vào thời điểm giá đã ở mức thấp trong lịch sử.

“Trong một số trường hợp, những công ty này chỉ thu phí và không làm bất cứ việc gì cho người tiêu dùng. Ở những nơi khác, họ lấy phí và tìm vé cho những người không có nhiều thời gian rảnh để tìm kiếm”.

Lừa đảo hoàn tiền cũng rất phổ biến trong thời kỳ đại dịch. Trustpilot nhận thấy rằng khi các du khách đấu tranh để đòi hoàn tiền từ các hãng hàng không, khách sạn và các công ty cho thuê kỳ nghỉ, những kẻ lừa đảo đã ra tay. “Đề nghị rất đơn giản. Trả cho họ một khoản phí nhỏ và họ sẽ lấy lại tiền cho bạn từ những kỳ nghỉ hiện đã bị huỷ của bạn. Ban đầu, họ rất nhiệt tình để thu phí, nhưng rồi mọi việc kết thúc ở đó”, Pardes nói.

Cách tránh sập bẫy của những kẻ lừa đảo

Theo các chuyên gia, bạn có thể tránh được hầu hết các trò gian lận này bằng một vài chiến lược đơn giản. Đầu tiên, đừng cố bẻ cong bất cứ quy tắc nào.

Tháng 11/2020, nhà chức trách Pháp bắt giữ 7 người bán chứng nhận không nhiễm Covid-19 cho các du khách tại sân bay. Ảnh: WSJ

Một báo cáo mới của nhà cung cấp dịch vụ mạng NordVPN cho thấy, kể từ khi việc tiêm vắc xin được triển khai, các truy vấn liên quan tới người bán vắc xin tăng đột biến. Cụm từ “mua vắc xin virus corona” trên mạng tăng 136% từ tháng 12/2020 tới tháng 1/2021.

“Một số người tìm kiếm các cụm từ này hầu như đều truy cập các trang web giả và trở thành nạn nhân của tin tặc”, Daniel Markuson, một chuyên gia của NordVPN cho hay.

Hãy đảm bảo rằng bạn đang giao dịch với một công ty hợp pháp. Việc tìm kiếm cấp tốc trên mạng có thể giúp bạn biết nhiều thông tin hữu ích. Ngoài ra, hãy đảm bảo biểu tượng ổ khoá có ở bên trái thanh địa chỉ của trình duyệt. Điều đó có nghĩa là nó là một trang web an toàn, có các biện pháp bảo vệ bổ sung để giữ cho thông tin của bạn được an toàn.

“Đừng cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin thanh toán qua email hay điện thoại trừ khi bạn chắc chắn 100% rằng người mà bạn đang tương tác có thể tin cậy”, Mason Miranda, một chuyên gia tín dụng thuộc trang đánh giá thẻ tín dụng Credit Card Insider nói.

Việc nghiên cứu thông tin cẩn thận cũng giúp bạn khỏi bị lừa, chuyên gia Johanna Baum, giám đốc điều hành của một công ty tư vấn về an toàn thông tin cho hay.

Nói tóm lại, lừa đảo du lịch mùa dịch còn lâu mới kết thúc. Hơn bao giờ hết, bạn phải luôn cảnh giác. Hãy tìm hiểu, tránh đi lối tắt và dùng lý trí. Trong cơn điên cuồng muốn đi du lịch sau đại dịch, quá nhiều du khách đã bỏ qua ba yếu tố trên.

Theo premium.vietnamnet