Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao vì Covid-19, số người Hong Kong (Trung Quốc) rơi vào bẫy lừa tiền lại càng tăng mạnh.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm, tổng số tiền thiệt hại đã lên đến 6,4 triệu HKD (823.000 USD), theo South China Morning Post.
|
Chiêu trò brush scam nhằm dụ dỗ nạn nhân mua hàng online để chiếm đoạt số tiền giao dịch đó. Ảnh:Pixel-Shot. |
Bên cạnh đánh cắp dữ liệu để đăng ký khoản vay, các tay lừa đảo còn thực hiện chiêu trò brush scam - dụ dỗ nạn nhân đặt mua hàng online nhằm nâng khống mức uy tín giả mạo của các kênh bán hàng trực tuyến, đồng thời chiếm đoạt số tiền giao dịch.
Nạn nhân được hứa hẹn sẽ “hoàn trả tiền đầy đủ cộng thêm 10% hoa hồng” sau khi thực hiện vài thao tác mua bán đơn giản, nhưng đó chỉ là một lời nói dối.
Chan Yat-wai, chánh thanh tra của Cục Tội phạm Thương mại, cho biết: “Kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân cài đặt một ứng dụng ‘ma’, rồi đăng ký tài khoản, nạp tiền vào đó. Sau đấy, chúng tự chỉnh sửa số dư tài khoản để họ tin rằng mình thực sự đang kiếm lời. Cho đến khi nạn nhân muốn rút tiền, chúng liền xóa ứng dụng và tẩu thoát”.
Tổng cộng có 86 người đã bị lừa 6,4 triệu HKD trong 2 tháng đầu năm thông qua các trò gian lận, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Các mánh khóe lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, khó truy vết. Ảnh:Dreamstime. |
Trong số đó, nạn nhân nhỏ tuổi nhất mới chỉ lên 16. Còn nạn nhân chịu thiệt hại lớn nhất là một cô gái thất nghiệp 21 tuổi - người đã liên lạc với cảnh sát hồi tháng 1 sau khi mất 730.000 HKD trong một vụ brush scam.
Cô được “thuê” từ tháng 12 để mua túi xách và phục trang xa xỉ từ một số cửa hàng online để ăn 5% hoa hồng cho mỗi giao dịch. Cô sẵn sàng sử dụng hết thẻ tín dụng của mình với niềm tin rằng sẽ kiếm được thu nhập.
Chỉ đến khi bị mất liên lạc với “sếp” sau 1 tháng hoạt động, nạn nhân trẻ tuổi mới nghi ngờ rằng mình bị lừa đảo và không thể lấy lại được số tiền đã giao dịch.
Một thủ thuật khác mà những kẻ lừa đảo sử dụng đó là thuê nạn nhân vào làm ở một vị trí liên quan đến thực hiện giao dịch với ngân hàng.
Sau đó, chúng dùng thông tin cá nhân được khai trên sơ yếu lý lịch của nạn nhân để điền vào hồ sơ vay nợ mà nạn nhân không hề hay biết.
Khi khoản vay được chuyển vào tài khoản của nạn nhân, thường là khoản tiền rất lớn, những tay lừa đảo yêu cầu nạn nhân chuyển cho chúng sang một tài khoản khác. Chúng cũng hứa hẹn tặng nạn nhân khoản hoa hồng tương đương 10% tổng số tiền đã chuyển khoản.
|
Mọi người cần thẩn trọng trước khi tiết lộ chi tiết thông tin cá nhân hoặc thực hiện giao dịch online. Ảnh:Jonathan Erasmus/iStock. |
Tuy nhiên, sau khi giao dịch hoàn thành, chúng biến mất không dấu vết. Còn nạn nhân mắc kẹt với khoản nợ khổng lồ và cả tiền lãi.
Tháng 1, một nhân viên bảo vệ 60 tuổi mất 600.000 HKD vì trò lừa đảo trên. Mãi đến khi công ty cho vay gọi vào tháng 2, ông mới biết mình bị lừa.
Tình trạng thất nghiệp ở Hong Kong có xu hướng trầm trọng hơn, chạm mốc 7% vào tháng 1 - gần với mức cao nhất trong 17 năm qua.
Law Chi-kwong, Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, đổ lỗi rằng làn sóng Covid-19 thứ 4 bùng phát hồi cuối tháng 11/2020 là tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường lao động.
Kelly Cheng Lai-kei, quyền Cục trưởng Cục Tội phạm Thương mại, cho biết những người đang tìm việc, khao khát có việc làm hoặc tiền tiêu xài, thường là con mồi hấp dẫn cho những kẻ lừa đảo.
“Nhiều khi, dù chưa tìm hiểu kỹ nội dung công việc hoặc đến tận mấy nơi tự xưng là công ty này, các nạn nhân đã cung cấp thông tin cá nhân cho những kẻ lừa đảo rồi”, bà Kelly nói.
Theo Zing