leftcenterrightdel
 Người dân thu gom vật liệu tái chế được tại một bãi rác ở Guwahati, Ấn Độ - Ảnh: Getty Images

Nhóm nhà khoa học từ Ủy ban Trái đất, được dẫn dắt bởi các chuyên gia từ Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK) ở Đức, vừa công bố báo cáo chỉ ra rằng tương lai thịnh vượng, công bằng của nhân loại đang bị đe dọa bởi khủng hoảng khí hậu và suy thoái môi trường, theo báo The Guardian đưa tin ngày 13/9.
Báo cáo dài 62 trang của Ủy ban Trái đất, gồm 65 nhà khoa học chuyên về tự nhiên và xã hội từ khắp nơi trên thế giới, đã được công bố trên tạp chí khoa học Lancet vào ngày 11/9. Báo cáo cho biết, khi dân số thế giới được dự báo lên tới 9,7 tỉ người vào năm 2050, người dân ở nhiều nước sẽ phải chật vật chỉ để có được lượng thức ăn, nước uống, điện năng tối thiểu cho sinh hoạt.

Nghiên cứu của Ủy ban Trái đất chỉ ra các địa điểm trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm và thiếu nước. Trong đó có Ấn Độ, với hơn 1 tỉ người đang sống trên đất bị thoái hóa; Indonesia, nơi 194 triệu người tiếp xúc với mức nitơ không an toàn; Brazil, nơi 79 triệu người sống chung với ô nhiễm không khí. Tại Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, hơn 200 triệu người phải sống chung với nền nhiệt và độ ẩm cao.
Giáo sư Johan Rockström - đồng Chủ tịch Ủy ban Trái đất và Giám đốc PIK - cho biết rằng, có khoảng 9 triệu ca tử vong sớm hàng năm có liên quan đến việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí và nước; 3,2 tỉ người bị ảnh hưởng bởi sự thoái hóa đất và hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, nhiệt độ tăng cao và thời tiết khắc nghiệt.

Giáo sư Rockström trích dẫn số liệu từ WHO, ước tính rằng biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy dịch bệnh và gây ra thêm 250.000 ca tử vong mỗi năm, trong giai đoạn từ 2030 đến 2050. Các đồng nghiệp của ông Rockström cho rằng chỉ riêng số ca tử vong ở người lớn trong năm 2050 có thể lên tới 529.000 trường hợp, do thiếu lương thực.

Ông Rockström cảnh báo, Ấn Độ, Nam Á, Đông Nam Á, Tây Phi và Bán đảo Ả Rập sẽ có số lượng người phải tiếp xúc với nhiệt độ trung bình hàng năm cao hơn 290C nhiều nhất, nếu tình trạng Trái đất ấm lên vẫn tiếp diễn. Theo đó, khoảng 565 triệu người phải chịu ít nhất 1 ngày trong năm với nhiệt độ bầu ướt lớn hơn 320C, nghĩa là nhiệt độ mà da người cảm nhận được tới khoảng 550C.

Theo phụ nữ TPHCM