Các nước dần mở cửa lại dù đại dịch Covid-19 chưa qua
Cập nhật lúc 18:25, Thứ hai, 27/04/2020 (GMT+7)
Nhiều quốc gia từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế giữa lúc dịch bệnh Covid-19 đến nay vẫn chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị.
Cha mẹ dẫn con đi bộ ở TP.Bilbao, Tây Ban Nha ngày 26.4 - ẢNH: REUTERS
Tính đến tối qua, đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 2,9 triệu người trên toàn cầu với hơn 200.000 trường hợp tử vong. Trong lúc cuộc chiến chống dịch vẫn tiếp diễn, các nước từ châu Á tới châu Âu dần nới lỏng lệnh phong tỏa, bắt đầu mở cửa lại một phần nền kinh tế, theo AFP.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hôm qua tuyên bố nước này sẽ bắt đầu cho phép ngành công nghiệp sản xuất hoạt động trở lại từ ngày 4.5 trong kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa và mở cửa trường học vào tháng 9. Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes công bố kế hoạch mở lại các doanh nghiệp và trường học giữa tháng 5 và nhà hàng là từ ngày 8.6, theo Reuters. Tuy vậy, bà Wilmes cảnh báo vi rút vẫn chưa biến mất.
Tây Ban Nha thì hôm qua bước đầu nới lỏng lệnh phong tỏa, cho phép trẻ em dưới 14 tuổi cùng cha mẹ ra ngoài một lần/ngày. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanche thông báo tất cả người dân sẽ được phép tập thể dục và đi dạo bên ngoài từ cuối tuần này.
Còn Ấn Độ, Iran, Israel khởi động lại các doanh nghiệp tại những khu vực có nguy cơ bùng phát Covid-19 thấp. Chính phủ Úc, New Zealand lên kế hoạch sử dụng ứng dụng điện thoại truy vết Covid-19, cùng lúc chuẩn bị mở cửa dần nền kinh tế và một số địa phương thận trọng nới lỏng lệnh phong tỏa.
Tại Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới, chính quyền một số bang như Georgia phớt lờ cảnh báo của giới chuyên gia y tế, quyết định mở cửa do áp lực phải khôi phục nền kinh tế và người dân bức xúc trước lệnh buộc phải ở nhà. Tại miền nam bang California, hàng ngàn người phớt lờ lệnh buộc ở nhà, đổ xô đến các bãi biển.
Còn cảnh sát Đức hôm 25.4 bắt giữ hàng chục người trong số khoảng 1.000 người biểu tình phản đối lệnh phong tỏa tại thủ đô Berlin. Tại Bangladesh, bất chấp lệnh phong tỏa của chính quyền, hàng trăm nhà máy dệt may ở nước này mở cửa trở lại vào ngày 26.4 để đáp ứng thời hạn xuất khẩu và lo ngại hợp đồng với thương hiệu lớn bị chuyển sang nước khác.
Nỗ lực hợp tác quốc tế chống đại dịch Sau hơn 1 tháng tranh cãi giữa các thành viên thường trực, HĐBA LHQ dự kiến chuẩn bị thông qua nghị quyết đầu tiên về dịch Covid-19 trong vài ngày tới. Dự thảo nghị quyết do Tunisia và Pháp đồng đề xuất, kêu gọi “củng cố quan hệ hợp tác giữa các nước”, “chấm dứt các hành động thù địch” và “thực hiện lệnh ngừng bắn” tại các điểm nóng xung đột. Nội dung của dự thảo nhằm ủng hộ nỗ lực của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và một số cơ quan trực thuộc tổ chức này trong việc ngăn chặn những hậu quả tàn khốc về chính trị, kinh tế và xã hội do dịch Covid-19 gây ra cho toàn cầu. Dự thảo nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh một số điều khoản trước khi đưa ra bỏ phiếu trước HĐBA, theo AFP hôm 26.4. Cùng ngày, nhóm G20 đã triển khai sáng kiến toàn cầu nhằm đẩy nhanh tốc độ tiếp cận các thiết bị y tế cần thiết trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Xê Út Mohammed al-Jadaan, đang giữ chức Chủ tịch G20, cho hay nhóm vẫn đang tìm cách bù đắp khoản thiếu hụt dự kiến 8 tỉ USD cho công tác phòng chống Covid-19. Hồi đầu tháng, Ả Rập Xê Út đi đầu khi góp 500 triệu USD cho sáng kiến này. H.G |
Theo thanhnien