Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, tính đến ngày 30/8, 57% người dân sinh sống tại các nước thu nhập cao được tiêm ít nhất một liều vaccine. Trái lại, con số này chỉ vỏn vẹn 2% tại các quốc gia có thu nhập thấp.

Khi chế phẩm được phát triển, một số quốc gia giàu có, điển hình như Mỹ, đã nhanh tay ký kết hợp đồng với các hãng dược. Không chỉ đóng góp vào chương trình phát triển vaccine trị giá hàng tỷ USD, Mỹ cũng là nước yêu cầu các nhà sản xuất ưu tiên giao vaccine sớm nhất.

Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga và châu Âu hiện có nhiều lợi thế khi sở hữu hàng loạt công ty sáng chế vaccine và dây chuyền sản xuất trong nước.

Đối với giới ủng hộ sức khỏe cộng đồng, kế hoạch tiêm nhắc lại cho đối tượng đã tiêm chủng đầy đủ tại các nước giàu đang đe dọa sự cân bằng vaccine trên thế giới. Theo các nhà khoa học, sự phân bổ vaccine không đồng đều có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Covax không làm tốt nhiệm vụ


Trước làn sóng bùng phát mới, các quốc gia có thu nhập trung bình như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Serbia, El Salvador đang cố gắng thu mua vaccine để tiêm cho người dân. Tuy nhiên, đối với một số quốc gia kém phát triển, những gì họ có thể trông đợi là nguồn cung vaccine từ Covax.

Covax là sáng kiến được phát triển với nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung vaccine công bằng cho mọi quốc gia. Phần lớn nguồn kinh phí mua vaccine của Covax xuất phát từ các chính phủ cũng như nhà tài trợ như Quỹ Bill & Melinda Gates.

Mặc dù vậy, theo Bloomberg, Covax đang không hoàn thành tốt sứ mệnh đề ra.

Sau khi làn sóng nhiễm Covid-19 tăng cao, Ấn Độ, nơi đặt nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới Serum Institute, buộc giảm tỉ lệ xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu chữa trị trong nước, khiến Covax gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối liều lượng trên khắp thế giới.

Mục đích ban đầu của Covax là phân phối ít nhất 2 tỷ liều thuốc, 2/3 trong số đó cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn, vào cuối năm 2021. Nhưng, tính đến ngày 30/8, Covax mới hoàn thành 11% mục tiêu ban đầu.

                                                             Các nước giàu đã bắt đầu tiêm vaccine nhắc lại mũi thứ 3. Ảnh: AFP.


Liệu các quốc gia dồi dào vaccine sẽ chia sẻ?


Trung Quốc và Nga đã sớm xuất khẩu vaccine như một công cụ ngoại giao. Tháng 8, Trung Quốc cam kết mở rộng khả năng xuất khẩu lên 2 tỷ liều trong năm nay. Đại diện 7 nước thành viên của G7 cũng cam kết cung cấp 2,3 tỷ liều cho những quốc gia đang phát triển trong năm 2022.

Tuy nhiên, những đóng góp thực tế cho đến nay vẫn còn rất nhỏ. Các chuyên gia ước tính cần có thêm hàng tỷ liều nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, tốc độ quyên góp cũng là yếu tố quan trọng không kém số lượng.

Đáng nói, nhiều lo ngại cho rằng khả năng cung cấp vaccine đến những quốc gia cần nhất sẽ bị gián đoạn khi những quốc gia có thu nhập cao đang tính tới kế hoạch tiêm bổ sung.

Nguy cơ xuất hiện đại dịch mới


Sự xuất hiện của hàng loạt biến thể Covid-19 mới gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, việc chậm trễ kiểm soát đại dịch có thể khiến các chủng virus tiếp theo bùng phát.

Trong khi các quốc gia giàu có bắt đầu mở lại một số hoạt động, phần lớn quốc gia thiếu vaccine hiện nay phải duy trì tình trạng đóng cửa, giãn cách xã hội để ngăn chặn đà lây lan.

Ngay cả châu Phi, khu vực được dự báo chịu tác động thấp hơn đáng kể từ Covid-19, vẫn phải vật lộn chống lại những mối đe dọa sức khỏe khác.

Việc sớm triển khai vaccine đang trở thành mối bận tâm hàng đầu của các chuyên gia y tế châu Phi. Dù có dân số trẻ và tỉ lệ người cao tuổi thấp, không gì đảm bảo đại dịch mới sẽ không nhắm đến nhóm đối tượng trẻ tuổi ở châu Phi.

                                              Nhiều biến chủng mới của Covid-19 sẽ xuất hiện nếu thế giới không thể kiểm soát đại dịch. Ảnh: Reuters.


Cần mở rộng quy mô sản xuất


Một nhóm các quốc gia, dẫn đầu bởi Nam Phi và Ấn Độ, đã kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới nâng cao biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà sản xuất vaccine. Đề xuất này có thể giúp những nhà máy khác tham gia vào hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, các công ty sản xuất vaccine lập luận bản thân họ cũng đang triển khai quá trình mở rộng, đồng thời cho rằng đề xuất này không thực sự hiệu quả. Ngay cả khi có công thức, rất ít quốc gia có đội ngũ nhân viên đủ trình độ để tham gia sản xuất vaccine.

Một số ý kiến cho rằng nên để các công ty dược phẩm tự nguyện chia sẻ chuyên môn. WHO có thể là bên điều phối cho quá trình chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện đào tạo và giúp xây dựng nhà máy.

Những người ủng hộ sức khỏe toàn cầu cho rằng điều quan trọng nhất là mở rộng hoạt động sản xuất vaccine vượt ra ngoài biên giới của Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc.

Tháng 4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Liên minh châu Phi đã công bố kế hoạch thành lập các nhà máy sản xuất vaccine với mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu của lục địa này từ 99% xuống còn 40% vào năm 2040.

Theo Zing