Cái chết của Byun Hee Soo, một cựu binh sĩ Hàn Quốc 23 tuổi buộc phải giải ngũ vào năm ngoái sau khi chuyển giới, lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về quyền lợi của cộng đồng người LGBT ở xứ kim chi, theo Korea Times.
"Giới tính không phải vấn đề"
Ngày 3/3, thi thể Byun được tìm thấy tại nhà riêng ở Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong, sau khi nhân viên tư vấn sức khỏe tâm thần không liên lạc được với cô kể từ ngày 28/2.
Năm ngoái, Byun bị trục xuất khỏi quân ngũ sau khi cô thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nam thành nữ. Lý do quân đội Hàn Quốc đưa ra là việc thiếu đi bộ phận sinh dục nam bị coi là khuyết tật về thể chất và tinh thần ở mức độ 3 theo quy định.
|
Binh sĩ chuyển giới đầu tiên tại Hàn Quốc, người từng bị buộc phải giải ngũ sau khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính, được phát hiện tử vong ở nhà riêng hôm 3/3. Ảnh:Korea Times. |
Byun sau đó đệ đơn phản đối. Cuối tháng 6 năm ngoái, quân đội Hàn tổ chức phiên họp bàn, giải quyết về vụ việc. Tuy nhiên, quyết định vẫn được giữ nguyên.
Nữ quân nhân sau đó tiếp tục kiện lên cấp cao hơn, khẳng định cô quyết tâm theo đuổi đến cùng để được phục hồi chức vụ. Khi phiên tranh luận đầu tiên tại tòa án dự kiến được tổ chức vào tháng tới, cái chết đột ngột của Byun trở thành cú sốc đối với xã hội Hàn.
Các thành viên, tổ chức ủng hộ quyền của giới LGBT ở Hàn Quốc đã tổ chức các buổi lễ tưởng niệm, tôn vinh cho Byun vì dám công khai giới tính thật và đấu tranh cho nhóm người đồng tính vốn chịu nhiều dị nghị, thiệt thòi tại Hàn Quốc.
Đảng Công lý Hàn Quốc, một đảng thiểu số trong Quốc hội Hàn, lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ quân đội vì không chấp nhận khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia về việc rút lại quyết định đuổi nữ binh sĩ.
Đây là một trong số ít đảng phái tại Hàn Quốc theo tư tưởng tiến bộ và đang cố hiện thực hóa luật cấm mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính và khuynh hướng tình dục.
|
Đồng tính vốn bị coi là tội lỗi, đi ngược quy luật tự nhiên trong mắt nhiều người dân Hàn Quốc. Ảnh:AP. |
"Giới tính của một người không liên quan đến khả năng của họ dưới tư cách một binh sĩ phục vụ cho quân đội. Việc Byun là người chuyển giới chưa bao giờ là vấn đề. Sự phân biệt đối xử với cô ấy mới là vấn đề", dân biểu Jang Hye-young, lãnh đạo Đảng Công lý Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố của đảng được đưa ra 2 ngày sau khi thi thể cựu nữ quân nhân được tìm thấy.
"Những quan điểm khuyến khích sự bất công với người chuyển giới đã tước đi cơ hội chính đáng thể hiện khả năng của một người lính", Jang nói, đồng thời chỉ trích các chính đảng và chính trị gia khác tại Hàn Quốc đã "quay lưng" lại với Byun.
Nhà lập pháp cho biết một số chính trị gia thậm chí còn lợi dụng thành kiến và sự thù hận sẵn có với nhóm người LGBT như một công cụ để củng cố lợi ích, câu kéo sự ủng hộ. Mặt khác, nhiều người không dám công khai thể hiện sự ủng hộ vì sợ mất đi các lá phiếu bầu đến từ nhóm người phản đối đồng tính luyến ái.
Chỉ một số nhóm chính trị theo tư tưởng tiến bộ mới hoạt động để thúc đẩy quyền của nhóm người đồng tính, chuyển giới.
Thúc giục thay đổi
Tại xứ kim chi, đồng tính vẫn là điều khó có thể chấp nhận và cộng đồng LGBT vẫn bị nhìn bởi ánh mắt dị nghị, không có thiện cảm. Bên cạnh áp lực xã hội, nhóm người này còn đối mặt với khả năng bị tước đi quyền lợi căn bản.
Theo Khảo sát hội nhập xã hội Hàn Quốc, gần một nửa người dân xứ kim chi không muốn có bạn bè, hàng xóm hoặc đồng nghiệp đồng tính. Còn cuộc thăm dò của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cho thấy 92,6% LGBT lo lắng trở thành mục tiêu của tội phạm trả thù.
|
Các nỗ lực về mặt luật pháp để dành nhiều quyền lợi hơn cho nhóm người đồng tính tại Hàn Quốc được thực hiện trong các năm gần đây, song chưa đem lại kết quả khả quan. Ảnh:Yonhap. |
Cuộc khảo sát với những người dưới 18 tuổi trong cộng đồng LGBT cho thấy gần một nửa (khoảng 45%) đã cố gắng tự tử. Hơn một nửa (53%) tự làm hại mình.
Theo bác sĩ Park Jae Wan, người đang tham gia dịch vụ hỗ trợ cộng đồng LGBT Connecting Hearts, người đồng tính thường nói về cảm giác bị xa lánh, cô lập và thấy bản thân là gánh nặng với người khác.
Trong trường hợp tệ hơn, khi tiết lộ giới tính, họ khó có khả năng gặp được sự đồng cảm, bảo vệ mà ngược lại, bị xa lánh, đánh đập và thậm chí bị ép đi chữa trị "bệnh đồng tính".
Tháng 11/2019, các chính trị gia bảo thủ kêu gọi loại bỏ các yếu tố liên quan đến người đồng tính và người chuyển giới ra khỏi một đạo luật về chống phân biệt đối xử. Một nhà lãnh đạo đảng đối lập Hàn Quốc từng nhấn mạnh rằng ông phản đối đồng tính luyến ái và nước này cần "bảo vệ những giá trị gia đình tốt đẹp".
Các nhà hoạt động vì quyền của giới LGBT cho biết trường hợp bị đuổi khỏi quân ngũ vì phẫu thuật chuyển giới như nữ quân nhân quá cố chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp người đồng tính phải chịu sự ác cảm, kỳ thị của xã hội.
Tuy vậy, chính phủ Hàn Quốc đang phải đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng tăng từ trong và ngoài nước nhằm tiến hành những thay đổi để cải thiện tình hình.
Tháng 4 năm ngoái, cựu Thị trưởng thành phố Seoul bị phản ứng sau khi công khai thể hiện quan điểm kỳ thị đồng tính trên sóng truyền hình, dẫn đến kết quả thua cuộc trong cuộc tổng tuyển cử.
Tháng 7, một hội đồng chuyên gia thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã gửi một lá thư tới chính phủ Hàn Quốc, nêu rõ quyết định buộc Byun dừng phục vụ cho nhà nước là vi phạm luật nhân quyền quốc tế, trong đó cấm phân biệt đối xử dựa trên nhân dạng, giới tính.
Đến tháng 12, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cũng đánh giá rằng quyết định của quân đội đối với Byun vi phạm quyền con người. Ủy ban gửi thông điệp của mình tới quân đội, đề nghị hủy bỏ quyết định trước đó nhưng không đạt kết quả.
Theo Zing