Mặt hàng khẩu trang sản xuất tại Việt Nam được đưa xuất khẩu sang châu Âu từ sân bay Nội Bài trong đầu tháng 5-2020 - Ảnh: CTV
Nhu cầu rất rõ ràng và rất lớn cùng với áp lực thời gian "dỡ bỏ phong tỏa" dần dần từ ngày 11-5: trước mắt là số nhân công quay lại làm việc ở các công xưởng, cơ quan; kế đến là số đông dân chúng khi quay lại học hành, buôn bán, làm dịch vụ...
Ông Patrick Martin - chủ tịch ủy quyền của Hiệp hội Giới chủ Pháp - từng thừa nhận với báo Le Monde rằng các doanh nghiệp nước này cũng đang trong cuộc chạy đua mua sắm khẩu trang y tế, dù hiện nay vẫn còn hiếm hoi và giá cả cao.
Họ phải chuẩn bị kịp cho lúc các doanh nghiệp quay lại làm việc đầy đủ. "Cứ nghĩ đến chuyện các nhân viên không chịu quay lại làm việc nếu không có khẩu trang để đeo thì cũng thấy kinh khủng. Cứ nhớ hồi bắt đầu thực hiện cách ly, không có khẩu trang để đeo thì không được đi làm khiến hoạt động bị giảm đến 90% trong vòng một tuần.
Những thỏa thuận làm việc trở lại ở các hãng như Airbus, Tập đoàn ôtô - xe máy PSA hay trong nhánh ngành luyện kim cũng đã nêu rõ là nếu không có đủ khẩu trang cho người lao động thì sẽ không có chuyện đi làm lại" - ông Martin cho biết.
Cảnh sát sân bay phải đeo súng bảo vệ mặt hàng y tế khi máy bay xuống sân bay Roissy CDG ở Paris. Đã xảy ra những vụ cướp bóc hàng bảo hộ y tế nên việc bảo vệ ngày càng cẩn mật hơn - Ảnh: AFP
Từ tháng 3, các tập đoàn lớn cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp cũng như các liên đoàn nghề nghiệp và các phòng thương mại đã phải hối hả tìm đến Trung Quốc đặt mua hàng. Khi đó đâu chỉ có họ, rất nhiều quốc gia nên chẳng khác một cuộc chạy đua chụp giật nguồn hàng bằng mọi giá.
Với Pháp thì nay họ đã kết nối được với Việt Nam cho nguồn khẩu trang vải kháng khuẩn, giặt ủi dùng lại cho số đông dân chúng. Thông tin từ truyền thông Pháp cho biết Pháp đã thiết lập "cầu hàng không" để vận chuyển hàng trăm triệu khẩu trang của các doanh nghiệp Việt đến cuối tháng 5 này.
Đài RTL cho biết các khẩu trang "made in Vietnam" sẽ được cấp cho học sinh trong trường học, nhân viên chính quyền, cảnh sát, nhân viên công vụ thực hiện đảm bảo trật tự xã hội hậu phong tỏa và cũng sẽ được bán cho dân chúng trong các hiệu thuốc.
Máy bay vận tải của hãng Qatar Airways được Bolloré Logistics thuê chuyển hàng khẩu trang từ Việt Nam sang Pháp - Ảnh: Bolloré Logistics
Nhờ có sự hiện diện lâu năm của Tập đoàn vận tải - logistics Bolloré Logistics "gốc Pháp" tại Việt Nam, nên việc thiết kế cách đưa nguồn hàng nhanh chóng về Pháp đã được giải quyết.
Để đạt yêu cầu khoảng 50 chuyến bay từ Việt Nam bay trực tiếp đến sân bay quốc tế Roissy-Charles de Gaulle ở Paris trong tháng 5, phía Công ty Bolloré Vietnam phải lo được với mức độ 2 chuyến bay chở hàng mỗi ngày.
Một nguồn tin cho biết trong thời gian cuối tháng 4 đầu tháng 5 này đã thực hiện được 4-5 chuyến mỗi tuần với các máy bay vận tải thuê của các hãng tại châu Á.
Ở phía đầu cầu phía bắc, nhiều chuyến hàng khẩu trang cũng đã được tổ chức đưa sang Đức và một số nước châu Âu khác.
Với cầu hàng không từ Trung Quốc, từ ngày 16-3 các chuyến bay vận tải cũng đáp xuống sân bay Roissy CDG để cung cấp các loại khẩu trang FFP2, khẩu trang y tế cũng như đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, găng tay và máy trợ thở. |
Theo tuoitre