Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách Top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia's Power Businesswomen 2020). Các đại diện năm nay đến từ nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… ở nhiều lĩnh vực từ công nghệ sinh học, fintech, bán lẻ, logistics…

2020 là năm các lãnh đạo liên tục trải qua hàng loạt thách thức vì đại dịch Covid-19. 25 doanh nhân được Forbes Asia vinh năm nay đã và đang vượt qua khó khăn, thể hiện được nhuệ khí trong thời kỳ hỗn loạn. Để góp mặt trong danh sách Asia's Power Businesswomen 2020 của Forbes, các nữ doanh nhân đều phải ghi dấu ấn thành công của mình trong quá trình điều hành một công ty với doanh thu lớn hoặc thành lập một công ty khởi nghiệp trị giá hơn 1 tỷ USD. Ngoài ra, các nữ doanh nhân cần phải chứng tỏ được bản lĩnh, vượt qua khó khăn trong thời điểm đại dịch COVID-19 này.

Nhà sản xuất game Hàn Quốc Jang In-a

 

Jang In-a là một trong số ít phụ nữ trên toàn thế giới điều hành một công ty trò chơi. Gia nhập Smilegate Entertainment với tư cách là một nhà phát triển trò chơi năm 2007 khi chỉ có 20 nhân viên, cô đã nhanh chóng trở thành Giám đốc điều hành năm 2015. Hiện cô ấy đang đứng đầu một trong những công ty game lớn nhất Hàn Quốc với doanh thu 451 triệu USD và khoảng 600 trò chơi.

CEO Ấn Độ Roshni Nadar Malhotra

 

Roshni Nadar Malhotra là CEO của công ty Ấn Độ HCL Enterprises - Tập đoàn trị giá 7 tỷ USD, bao gồm HCL Technologies Ltd. và HCL Infosystems Ltd. Cô đã có một thời gian làm biên tập viên tại Sky News Anh, năm 2008 trở về Ấn Độ và nhanh chóng vào vị trí điều hành công ty của cha, tỷ phú công nghệ Shiv Nadar.

Nữ tỷ phú Thái Lan Nualphan Lamsam

 

Bà Nualphan Lamsam (54 tuổi) giữ vai trò Giám đốc điều hành tập đoàn bảo hiểm Muangthai và công ty phân phối các sản phẩm hàng hiệu cao cấp tại Thái Lan. Bà Nualphan Lamsam còn là nữ chủ tịch đầu tiên của giải bóng đá chuyên nghiệp cao nhất Thái Lan khi trở thành Chủ tịch đội bóng Cảng Thái Lan (Port FC) kể từ mùa bóng 2015.

Doanh nhân Việt Trương Thị Lệ Khanh

 

Người Việt Nam đầu tiên được nhắc tới trong danh sách là bà Trương Thị Lệ Khanh. Suốt 23 năm qua, bà Khanh đã xây dựng Vĩnh Hoàn thành công ty thủy sản đã lên sàn có giá trị vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Năm 2019, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp gặt hái kết quả kinh doanh tốt nhất ngành thủy sản, với 50 triệu USD lợi nhuận ròng và 340 triệu USD doanh thu. Bà Khanh từng làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước trong 10 năm, sau đó thành lập Vĩnh Hoàn năm 1997. Ngày nay công ty có hơn 6.000 nhân viên và 6 nhà máy chế biến.  Chủ tịch Vĩnh Hoàn cho biết việc chủ yếu kinh doanh ở thị trường quốc tế, trong khi tình hình ảm đạm của ngành F&B toàn cầu sẽ khiến doanh thu công ty giảm 20% năm nay. Hiện bà đang tìm động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp bằng cách hướng tới mở rộng thị trường nội địa và bắt tay với các đối tác tại khu vực châu Âu.

Doanh nhân Nguyễn Bạch Điệp

Còn bà Nguyễn Bạch Điệp (48 tuổi) gia nhập FPT năm 1997 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Mở TP Hồ Chí Minh. Bà chuyển sang FPT Retail cách đây 8 năm và trở thành chủ tịch năm 2017. Bà đã góp phần đưa công ty trở thành hãng bán lẻ đồ điện tử lớn nhì Việt Nam, tính theo số cửa hàng với hơn 630 cơ sở trên cả nước. Năm 2017, FPT Retail bổ sung dược phẩm vào danh sách mảng kinh doanh, sau khi mua cổ phần lớn trong chuỗi hiệu thuốc Long Châu. Hiện tại, chuỗi này đã phát triển từ 4 lên 160 cửa hàng. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng trong mùa dịch, FPT Retail lên kế hoạch mở thêm 60 hiệu thuốc nữa trong năm nay.

Nhu Thụy (Theo Forbes)