Ảnh minh họa

Để làm đám cưới với cô vợ kém 10 tuổi, gia đình anh Chu đã phải đi vay 60.000 tệ (khoảng 210 triệu đồng) làm quà cho cô dâu, 40.000 tệ (140 triệu đồng) mua vàng và bày cỗ.

Trước khi cưới, họ có ba tháng trò chuyện qua mạng nhưng những tin nhắn gửi nhau không thường xuyên. Người đàn ông chỉ biết vợ sắp cưới phải uống thuốc hàng ngày, không biết cô mắc bệnh gì.

Cưới nhau không được bao lâu, anh Chu thấy vợ có những biểu hiện bất thường. Anh kiểm tra lọ thuốc thì biết vợ mắc bệnh tâm thần nặng và vẫn đang điều trị.

Anh Chu liên lạc với mẹ vợ để hỏi thăm bệnh tình, nhưng gia đình cô chỉ nói "bệnh không nghiêm trọng, chỉ cần uống thuốc". Người đàn ông không muốn chịu đựng thêm và quyết định kết thúc mọi chuyện bằng một vụ kiện.

Năm ngoái, tòa án quận Đại Túc, Trùng Khánh bác đơn của anh chồng bởi trước tòa, người vợ trả lời các câu hỏi rất mạch lạc. Tuy nhiên, đầu năm nay, tòa án hủy bỏ phán quyết ban đầu. Mẹ anh Chu xác nhận với tòa, cha mẹ cô gái không thông báo cho họ về tình trạng của con gái trước khi kết hôn. Tòa án cũng cho rằng, mặc dù cô Hoàng có thể nói năng lưu loát khi bị thẩm phán chất vấn, nhưng cô có bệnh và vẫn cần theo dõi và điều trị.

Đây là lần thứ hai anh Chu bị lừa dối trong chuyện tình cảm. Trước đó ba năm, anh quen biết một phụ nữ qua mạng xã hội. Chu rời Trùng Khánh đến Nam Kinh, mang 50.000 tệ vay mượn của người thân, bạn bè để cùng bạn gái kinh doanh. Tuy nhiên, cô gái này đã lợi dụng tình yêu của Chu để lừa dối anh. Sau hơn một năm, chàng trai trở về quê, đến vé xe cũng phải nhờ người nhà mua giúp.

Do chính sách một con kéo dài nhiều thập niên cùng với tình trạng mất cân bằng giới tính, hiện có hàng chục triệu nam giới ở các vùng nông thôn Trung Quốc đứng trước nguy cơ "ế vợ". Những chàng trai muốn có vợ thường phải nhờ dịch vụ mai mối với chi phí rất cao hoặc "nhắm mắt đưa chân" cưới bất kỳ một phụ nữ nào chỉ để có gia đình và duy trì nòi giống.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tình trạng mất cân bằng giới tính trở nên nghiêm trọng ở nhóm trẻ tuổi. Ở nhóm tuổi 30-34, có 101 nam/100 nữ, so với 107 nam/100 nữ ở nhóm 25-29. Đối với những người trong độ tuổi từ 20-24, tỷ lệ này thậm chí còn chênh lệch hơn, với 115 nam/100 nữ và cao nhất ở những người từ 15-19 tuổi, với 118 nam/100 nữ.

Một báo cáo mới đây của Tân Hoa Xã cho hay, đàn ông ở các vùng nông thôn các tỉnh Sơn Tây, Hà Nam và Hồ Nam, thuộc miền trung Trung Quốc thường phải đưa một triệu tệ (155.000 USD) khi cầu hôn. Khoản tiền này giúp cô dâu mua nhà và xe hơi cho bố mẹ đẻ.

Theo vnexpress