"Tôi thấy người dân ở Qom không sợ dịch lắm, họ vẫn rất chủ quan", Nguyễn Minh Trí, một người đang sống ở thành phố Qom, phía bắc Iran, nói với VnExpress về cách ứng phó với Covid-19 của người dân bản địa nơi anh sống.
Qom là một trong hai ổ dịch Covid-19 lớn ở Iran, cùng với thủ đô Tehran. Minh Trí, có mẹ là người Việt, bố người Pakistan, đang học năm thứ ba chuyên ngành Luật Hồi giáo tại Đại học quốc tế Al Mustafa.
Iran đang là nước ghi nhận số ca nhiễm nCoV nhiều thứ tư thế giới, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, và Italy, với hơn 5.800 ca nhiễm, trong đó 145 người đã tử vong. Iran hôm 6/3 ghi nhận thêm hơn 1.200 ca nhiễm mới, mức tăng kỷ lục kể từ khi Covid-19 bùng phát ở nước này.
|
Nguyễn Minh Trí tại Qom, Iran. Ảnh:Nhân vật cung cấp. |
Trí cho biết chính phủ Iran khuyến cáo người dân hạn chế ra đường vì dịch bùng phát ở mức độ cao, nhưng nhiều người vẫn duy trì các hoạt động vui chơi giải trí bình thường như đi dạo phố, ăn nhà hàng..., hầu hết đều không đeo khẩu trang.
"Một vài lần đi chợ và siêu thị, tôi nghe một số người Iran nói với nhau rằng họ khoẻ mạnh và có sức đề kháng cao, nên không cần lo ngại về nCoV. Điều đó khiến tôi rất khó hiểu", Trí nói.
Chia sẻ thắc mắc với một số thầy giáo trong trường và bạn học là người Iran, Trí cũng nhận được sự đồng cảm. Họ đều cho rằng đa phần người dân Iran chưa quan tâm đến việc phòng chống Covid-19 một cách đúng mức.
Khi dịch mới xuất hiện tại Qom vào giữa tháng 2, Trí khá hoảng sợ vì số người tử vong tăng nhanh, từ vài người lên vài chục trong một ngày. Trong ký túc xá của Đại học Al Mustafa, Trí ở chung phòng với 5 người khác. Là người Việt duy nhất trong trường, anh từng phải đối diện với thái độ "kỳ thị người châu Á" của một số cá nhân.
Từ giữa tháng 2, Trí rời ký túc xá của Đại học Al Mustafa khi trường đóng cửa để đề phòng dịch lây lan. Anh đến ở nhà cậu tại khu Shah rek Mahdi, cách trường khoảng 15 phút lái xe. Cậu của Trí kết hôn với người vợ Thái Lan và có một con nhỏ. Mọi người trong gia đình cùng thống nhất quy tắc rửa tay bằng xà phòng khi đi ra ngoài về, rửa kỹ rau quả, thực phẩm trước khi ăn.
Ở nhà cậu, Trí tập trung vào việc học, vì còn ba năm nữa mới hoàn thành chương trình. Anh hạn chế đến nơi đông người, giữ khoảng cách với người lạ, đeo khẩu trang và mang găng tay mỗi khi ra đường.
Trí cho biết một số người Iran có mua lương thực tích trữ khi dịch bùng phát, nhưng đây không phải tình trạng phổ biến. Dù vậy, thành phố Qom đã lâm vào tình cảnh khan hiếm khẩu trang và các thiết bị y tế.
|
Người dân Tehran xếp hàng nhận chất khử trùng của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo hôm 5/3. Ảnh:EFE. |
Tất cả các chuyến bay từ Iran về Việt Nam hiện đều bị hoãn, nên Trí thường xuyên liên lạc với bố mẹ đang sống ở TP HCM để cập nhật thông tin và cho biết mình thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ bản thân.
Trí cho rằng chiến dịch phòng chống Covid-19 của Iran chưa ở đúng mức, các phương tiện truyền thông đại chúng chưa tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống ở quy mô như các nước khác. "Tôi vẫn cảnh giác cao độ với nguy cơ mình bị nhiễm bệnh", anh nói.
Chỉ có hai cậu cháu là người Việt ở Qom, Trí thường xuyên liên lạc với đại diện đại sứ quán Việt Nam tại Iran để cập nhật thông tin. Anh hy vọng khi mùa hè đến, nhiệt độ tăng cao, Covid-19 sẽ bị đẩy lùi.
Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán từ tháng 12/2019, đến nay đã xuất hiện tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 106.000 người nhiễm, trong đó ít nhất 3.600 người đã tử vong. Số ca nhiễm và tử vong do nCoV trong các ngày qua giảm xuống ở Trung Quốc nhưng tăng nhanh tại Hàn Quốc, Italy và Iran.
Nhiều quan chức Iran đã tử vong vì nCoV, trong đó có nhà ngoại giao Hossein Sheikholeslam, 68 tuổi, và Mohammad Mirmohammadi, 71 tuổi, thành viên hội đồng cố vấn của lãnh tụ tinh thần tối cao. Một số quan chức cấp cao nước này cũng nhiễm nCoV, trong đó có Phó tổng thống Masoumeh Ebtekar và Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi.
Theo vnexpress