Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đều đang đặt cược vào vaccine trong nước. Dù các ứng viên khó lòng đáp ứng mục tiêu tiêm chủng trước mắt, nhà chức trách và các chuyên gia vẫn coi đây là khoản đầu tư dài hạn.
Giới khoa học cho rằng Covid-19 có thể lưu lại rất lâu trên trái đất. Điều này có nghĩa các biến thể làm giảm hiệu quả vaccine thế hệ đầu sẽ xuất hiện theo thời gian. Người dân cần thêm các liều bổ sung hoặc nhắc lại. Khi nguồn cung vượt nhu cầu nội địa, các quốc gia phát triển thành công vaccine có thể xuất khẩu sang những nước nghèo hơn, tạo cơ hội ngoại giao vaccine.
Jerome Kim, tổng giám đốc của Viện vắc xin quốc tế (IVI) ở Seoul, cho biết: "Giả sử Covid-19 kéo dài qua qua năm 2022, các nước đi sau trong cuộc chạy đua vaccine sẽ đạt được lợi ích kinh tế".
Theo ông Kim, thế hệ vaccine đầu tiên có thể trở nên kém hiệu quả do biến thể virus, lo ngại về vấn đề an toàn, thách thức chi phí và hậu cần.
"Ví dụ, tiêm liều vaccine Johnson & Johnson hoặc Moderna thứ ba có khiến tác dụng phụ trở nên nghiêm trọng hơn? Độ bảo vệ của chúng có giảm xuống? Liệu các ca đông máu có khiến vaccine từ vector virus bớt được ưa chuộng, khi đã có vaccine protein mới?", ông nói.
Ở Nhật Bản, ít nhất 4 hãng dược đã thực hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một hoặc hai với các ứng viên vaccine RNA và bất hoạt. Quá trình tiêm chủng của nước này bị chậm trễ do công tác mua bán và khâu tổ chức gặp trở ngại. Dù đã tăng tốc gần đây, hiện dưới 10% người dân Nhật được tiêm ít nhất một liều vaccine, phủ bóng đen lên Thế vận hội Olympic tháng 7 tới.
Ken Ishii, giám đốc Trung tâm Vaccine Quốc tế ở Tokyo, dự đoán ít nhất một loại vaccine nội địa sẽ được ra mắt vào cuối năm 2022. Dù ứng viên không giúp Nhật Bản đạt miễn dịch cộng đồng năm nay, Ishii cho rằng các nước nên đầu tư phát triển vaccine của riêng mình nhằm bảo vệ hệ thống y tế và nền kinh tế, đồng thời mở rộng kho vũ khí ngoại giao và quyền lực mềm.
"Nó sẽ tạo sự khác biệt nếu Covid-19 trở thành mầm bệnh theo mùa", ông nói.
Ishii cho biết các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan có thể phát triển vaccine, miễn là tuân thủ quy tắc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, theo dõi tác dụng phụ và hiệu quả trên lượng lớn tình nguyện viên.
Kentaro Iwata, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Đại học Kobe, cho biết đây có thể là thách thức với Nhật Bản bởi nước này vốn thiếu năng lực thử nghiệm lâm sàng.
"Nhật Bản không coi trọng các nghiên cứu lâm sàng. Giờ đây họ đang cố gắng bắt kịp", Iwata nhận định.
Ở Hàn Quốc, nơi 14% dân số đã tiêm phòng liều đầu tiên, ít nhất 5 hãng dược đang nghiên cứu vaccine. Ứng viên từ Genexine và SK Bioscience ở thử nghiệm giai đoạn hai.
Tháng 4, Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol cho biết, một đến hai vaccine sẽ được phê duyệt cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Cùng tháng, Bộ trưởng Khoa học Choi Ki-young bày tỏ sự tự tin rằng vaccine nội địa sẽ ra mắt trước năm 2022. GIới chức Seoul hy vọng thành phố đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.
"Một số nhà sản xuất sinh học Hàn Quốc từng được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt sản phẩm. Vì vậy, họ hiểu yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt của các cơ quan này. Với mục tiêu tự cung cấp vaccine vào năm 2025, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nghiên cứu phát triển và năng lực sản xuất trong vài năm qua", ông Jerome Kim nói.
Ấn Độ đã báo cáo gần 350.000 người chết vì Covid-19 trong làn sóng thứ hai. Nước này sử dụng hơn 12 triệu liều vaccine Covaxin do Bharat Biotech và Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ phát triển.
Bharat Biotech đặt mục tiêu cung cấp 80 triệu liều Covaxin mỗi tháng kể từ tháng 8 tới. Công ty cũng đang điều chế vaccine xịt mũi. Sau khi chính phủ mở rộng chương trình tiêm phòng cho tất cả người trưởng thành vào tháng trước, nguồn cung bị thiếu hụt. Một số trung tâm tiêm chủng phải đóng cửa.
Biological-E, hãng dược có trụ sở ở Hyderabad, đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và giai đoạn hai cho vaccine dựa trên protein. Tháng trước, chính phủ chấp thuận cho hãng thử nghiệm giai đoạn ba.
Công ty công nghệ sinh học Gennova Biopharmaceuticals, trụ sở tại Pune, hồi tháng 4 đã đăng ký thử nghiệm giai đoạn một và hai cho vaccine mRNA, tên gọi HGCO19.
Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam và Indonesia đều đầu tư phát triển vaccine trong nước.
Tại Thái Lan, các nhà nghiên cứu Đại học Chulalongkorn của Bangkok dự kiến khởi động thử nghiệm giai đoạn 1 với vaccine mRNA đầu tiên trong tháng này. Kiat Ruxrungtham, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết ứng viên có thể bước vào khâu sản xuất đầu năm 2022. Nhóm đã lên kế hoạch dùng vaccine để tiêm liều bổ sung, chống biến thể mới nổi ở người đã sử dụng sản phẩm của AstraZeneca và Sinovac trước đó.
"Nó không cạnh tranh với vaccine thế hệ đầu. Với chúng tôi, điều quan trọng là tính bền vững và lâu dài", ông Kiat nói. Ông cho biết Thái Lan cũng có thể xuất khẩu vaccine sang các nước kém phát triển hơn trong khu vực như Lào, Campuchia.
Giới chức Indonesia cho biết vaccine Merah Putih, do Đại học Indonesia và Viện Khoa học Indonesia nghiên cứu, có thể hoàn thành thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay, bắt đầu sản xuất hàng loạt đầu năm 2022.
Tháng 4, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm nước này gây tranh cãi khi phê duyệt thử nghiệm giai đoạn hai đối với vaccine Nusantara, sau khi xác định nó không đáp ứng tiêu chí của thử nghiệm giai đoạn một.
Tại Việt Nam, Công ty Công nghệ sinh học Dược phẩm Nanogen và Viện Vaccine - Sinh phẩm Y tế (IVAC) bắt đầu thử nghiệm vaccine Nanocovax và Covivac hồi đầu năm nay.
Theo Bộ Y tế, Nanocovax sẽ ra mắt vào tháng 9 nếu thuận lợi. IVAC cho biết Covivac sẽ có mặt trên thị trường vào quý đầu năm 2022.
Dù đã chống dịch thành công trong năm 2020, Việt Nam trải qua làn sóng Covid-19 thứ 4. Số vaccine AstraZeneca trong sáng kiến Covax đến chậm hơn dự kiến. Đến nay, 1% dân số Việt Nam đã tiêm phòng.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc chi nhánh Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, Trường Đại học Sydney, cho biết quá trình phát triển vaccine trong nước rất quan trọng.
"Đất nước không thể và không muốn gặp bất cứ rủi ro nào khi sử dụng vaccine từ nước khác như những gì chúng ta đang chứng kiến trên toàn cầu", bà nói.