|
|
Nhiều trường mẫu giáo ở châu Á gặp khó khăn lớn trong tuyển sinh, thậm chí phải đóng cửa trong bối cảnh tỉ lệ sinh thấp kỷ lục - Ảnh: SCMP |
Báo cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc công bố vào cuối tuần qua cho thấy, trong 5 năm qua, đất nước này đã có thêm 13.000 trung tâm phúc lợi dành cho người cao tuổi được thành lập, trong khi khoảng 10.000 trung tâm chăm sóc trẻ em đóng cửa.
Các con số này phản ánh tình trạng nhân khẩu học đang già đi và tỉ lệ sinh giảm mạnh ở Hàn Quốc. Theo số liệu năm 2022, quốc gia này có số cơ sở phúc lợi dành cho người cao tuổi là 89.643, chăm sóc 364.116 người. Kết quả này cao hơn đáng kể so với năm 2017: 76.371 cơ sở, chăm sóc 144.650 người. Các cơ sở phúc lợi này gồm viện dưỡng lão, trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc, bảo vệ người cao niên và các cơ quan tuyển dụng giúp tìm việc làm cho những người từ 65 tuổi trở lên.
Số người từ 65 tuổi trở lên ở Hàn Quốc đã tăng từ 7,35 triệu trong năm 2017 lên 9,26 triệu vào năm ngoái.
Đồng thời, quốc gia này đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể số trung tâm chăm sóc trẻ em do tỉ lệ sinh giảm. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế năm 2022 cho thấy, có đến 9.315 nhà trẻ đóng cửa, giảm số lượng trung tâm chăm sóc trẻ em trên cả nước xuống chỉ còn 30.923 (năm 2017 là 40.238).
Năm 2022, Hàn Quốc còn chứng kiến tỉ lệ sinh thấp kỷ lục với trung bình mỗi phụ nữ chỉ có 0,78 trẻ sơ sinh. Theo báo cáo dân số mới nhất của Cơ quan Thống kê quốc gia, năm 2022, có 372.800 người qua đời Hàn Quốc trong khi chỉ có 249.000 người sinh ra, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp dân số giảm.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Hàn Quốc mà cả ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc. Hồi tháng Tư, Chính phủ Nhật Bản cho biết, 450 trường ở nước này phải đóng cửa mỗi năm vì không có trẻ nhập học. Từ năm 2002-2020, gần 9.000 trường học đã phải đóng cửa vĩnh viễn. Với tình trạng này, theo dự báo đến năm 2030, sẽ có thêm 5.000 trường tiểu học và THCS trên khắp Nhật Bản sẽ phải đóng cửa, phần lớn là ở các vùng nông thôn. Dự báo đến năm 2040, nhiều khu vực ở Nhật Bản không còn trường học.
Hồi đầu năm 2023, tại Trung Quốc, nhiều trường mẫu giáo - nhất là các trường tư - cũng đã phải đóng cửa vì không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Ông Zheng Wei - hiệu trưởng một trường mẫu giáo tư thục ở Nam Dương (tỉnh Hà Nam) - cho biết: 90% trường mẫu giáo tư thục ở Trung Quốc đang gặp khó khăn và chỉ hoạt động với 60% công suất, thậm chí thấp hơn.
Bà Yuan Suyan - Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Thực nghiệm Huân ở TP Bảo Định, tỉnh Hà Bắc - cũng cho biết tỉ lệ sinh giảm sẽ khiến một số lớn trường mẫu giáo phải ngừng hoạt động sau 3 hay 5 năm nữa. Tại Hồng Kông, những năm qua đã có hàng chục trường mẫu giáo đóng cửa và dự báo trong những năm tới, số trường phải đóng cửa có thể lên đến 3 con số. Nguyên nhân vẫn là do tỉ lệ sinh thấp kỷ lục.
Số lượng trẻ em giảm khiến các trung tâm chăm sóc trẻ, trường học không tuyển sinh đủ và gặp nhiều khó khăn về tài chính. Các trường khó có thể duy trì hoạt động và cải thiện cơ sở vật chất, buộc phải sa thải giáo viên kể cả giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, khiến chất lượng giáo dục chung giảm xuống.
Trong khi đó, các trung tâm chăm sóc người cao tuổi đang tiếp tục được mở rộng ở nhiều nước tại châu Á. Lĩnh vực này đang được dự báo sẽ phát triển đầy hứa hẹn trong tương lai.
Theo phụ nữ TPHCM