Châu Á đón nhận mô hình làm việc hybrid để thu hút nhân tài
Cập nhật lúc 21:32, Chủ nhật, 20/11/2022 (GMT+7)
Số lượng doanh nghiệp châu Á kỳ vọng nhân viên dành toàn bộ thời gian làm việc của họ tại văn phòng đang giảm mạnh. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp trong khu vực đang xem mô hình làm việc từ xa kết hợp với văn phòng (hybrid) là yếu tố thứ hai để thu hút nhân tài, chỉ đứng sau vấn đề phúc lợi.
|
|
Các nhà quản lý doanh nghiệp châu Á ngày càng đón nhân mô hình làm việc văn phòng kết hợp với từ xa khi họ xem đây là một trong những yếu tố để thu hút nhân tài. Ảnh: Manatal |
Trước đại dịch Covid-19, hơn 50% doanh nghiệp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC) mong muốn nhân viên của họ làm việc toàn thời gian tại văn phòng. Nhưng con số này hiện đã giảm xuống còn 13%, theo một báo cáo khảo sát 2.170 lãnh đạo doanh nghiệp ở 13 nước trong khu vực, do Trung tâm Lãnh đạo sáng tạo (CCL), một tổ chức phi lợi nhuận về phát triển năng lực lãnh đạo, có trụ sở tại Mỹ, thực hiện.
Cuộc khảo sát được tiến hành thông qua sự hợp tác với 15 tổ chức bao gồm Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore và Hiệp hội Giám đốc nhân sự Nhật Bản trong khoảng thời gian 10 tuần từ tháng 6 đến tháng 8.
Với tiêu đề “Công việc 3.0: Hình dung lại vai trò lãnh đạo trong một thế giới hybrid”, báo cáo kháo sát đưa ra cái nhìn toàn diện về sự phát triển của công việc và nơi làm việc trong khu vực.
Báo cáo ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp ở APAC đón nhận mô hình làm việc hybrid đã tăng từ 41% trước đại dịch Covid-19 lên 80% ở thời kỳ hậu đại dịch.
Tuy nhiên, có hơn một nửa (56%) lãnh đạo doanh nghiệp ở APAC thừa nhận họ không có tầm nhìn dài hạn về mô hình làm việc hybrid sẽ phát triển như thế nào trong tổ chức của họ.
Quan điểm của doanh nghiệp về vấn đề làm việc từ xa có sự khác biệt lớn giữa các nước trong các khu vực. Cuộc khảo sát cho thấy Singapore, Úc và New Zealand là những nơi doanh nghiệp có nhiều khả năng áp dụng hình thức làm việc hybrid nhất.
Singapore dẫn đầu với tư cách là một trong những nước đi đầu về việc đón nhận mô hình làm việc linh hoạt. Theo cuộc khảo sát, các lãnh đạo doanh nghiệp ở đảo quốc sư tử ít kỳ vọng nhân viên có mặt toàn thời gian tại văn phòng (1%) và cởi mở nhất trong việc cho phép nhân viên hoàn toàn linh hoạt để có thể àm việc mọi lúc, mọi nơi (31%).
Doanh nghiệp ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ ít đón nhận mô hình làm việc linh hoạt nhất.
Theo cuộc khảo sát, chỉ có 7% nhà quản lý doanh nghiệp ở APAC mong muốn nhân viên làm việc hoàn toàn từ xa, tăng nhẹ so với mức dưới 5% trước khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Trên khắp thế giới, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với phản ứng chống đối từ nhân viên khi họ tìm cách rút lại quy định cho phép làm việc tại nhà được đưa ra trong thời kỳ đại dịch Covid-19 lan rộng. Đặc biệt, những người lao động trẻ tuổi ở phương Tây có xu hướng ủng hộ mô hình làm việc linh hoạt mạnh mẽ nhất.
Trong khảo sát của CCL với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận rằng chỉ 34% nhân viên của họ mong muốn dành hơn 3/4 thời gian ở văn phòng, giảm so với mức 79% hồi trước đại dịch Covid-19.
Thu hút nhân tài được 42% lãnh đạo doanh nghiệp trong cuộc khảo sát ghi nhận là lý do quan trọng thứ hai để áp dụng mô hình làm việc hybrid, sau vấn đề đảm bảo phúc lợi cho nhân viên. Điều đó cũng phản ánh qua thông tin tuyển dụng ở khu vực APAC. Số lượng tin tuyển dụng công việc từ xa trên mạng xã hội việc làm Linkedin đã tăng từ mức gần zero vào tháng 1-2020 lên trên 20% ở Ấn Độ và 10% ở Úc, tính đến tháng 9-2022.
Theo Elisa Mallis, Phó chủ tịch khu vực APAC của CCL, các sở thích của nhân viên đang được giới lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn bao giờ hết trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Bà nói thêm rằng nhân viên sẵn sàng chấp nhận giảm 20% lương cho các vai trò có thể làm việc từ xa. “Mọi thứ sẽ không trở lại như trước đây”, bà quả quyết.
Theo bà, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực đang xác định tầm nhìn mới cho mô hình làm việc hybrid và trang bị những kỹ năng lãnh đạo phù hợp cho “công việc 3.0”.
“Điều rõ ràng là sự thành công của mô hình làm việc hybrid phụ thuộc vào con người và văn hóa, hơn là công nghệ”, bà nói.
Các giới hạn liên quan đến mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp châu Á đối với những thay đổi văn hóa rộng lớn hơn vẫn tồn tại. Trong khi ngày càng có nhiều nước và doanh nghiệp trên thế giới ủng hộ tuần làm việc 4 ngày, chỉ có 2% nhà quản lý doanh nghiệp ở APAC xem mô hình này như sự lựa chọn ưa thích của họ trong 5 năm tới, theo khảo sát của CCL.
Theo thesaigontimes