Tuần trước, chính phủ Mỹ bổ sung 38 chi nhánh mới của Huawei vào "danh sách đen" nhằm hạn chế công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip qua bên thứ ba. Các chuyên gia đánh giá, động thái này có thể gây nguy hiểm cho các mạng viễn thông chính tại châu Âu, khi làm tăng chi phí xây dựng, cũng như tạo ra sự chậm trễ trong việc triển khai 5G.
Kế hoạch tiến lên 5G bị ảnh hưởng nặng
Hầu hết nhà khai thác viễn thông tại châu Âu đang đối mặt với tình huống khó xử: nên duy trì hợp đồng 5G với Huawei trong tương lai, hay từ bỏ nhà cung cấp này và chọn giải pháp thay thế "an toàn" hơn.
Các hạn chế của Mỹ đang khiến Huawei khó đáp ứng được việc triển khai nhanh hệ thống 5G, khiến các dự án về mạng di động thế hệ mới của châu Âu có nguy cơ bị chậm lại. Chỉ một số ít có động thái sớm, như tháng trước, chính phủ Anh lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Huawei vào năm 2027.
Với những bất ổn xung quanh Huawei, các nhà khai thác viễn thông châu Âu đang đứng trước sự lựa chọn thay thế: Nokia của Phần Lan hay Ericsson của Thụy Điển. Tuy vậy, đến nay, nhiều quốc gia vẫn không muốn nghĩ đến viễn cảnh đẩy Huawei ra khỏi quy trình đấu thầu hợp đồng 5G, do lo ngại chi phí xây dựng mạng thế hệ mới tăng vọt.
Các chuyên gia đánh giá, trong thời gian chờ đợi, các nhà khai thác viễn thông sẽ có thêm thời gian xem xét liệu Huawei có thể tái cấu trúc chuỗi cung ứng của mình nhanh như thế nào. Đây cũng là thời gian để công ty Trung Quốc tìm đối tác sản xuất chip mới không có nguồn gốc Mỹ để phục vụ các nhà mạng châu Âu.
Janka Oertel, thành viên Viện nghiên cứu quan hệ đối ngoại của Hội đồng châu Âu, cho rằng các biện pháp cấm vận của Mỹ sẽ gây tác động lớn tới tất cả khách hàng của Huawei, trong đó có cả ở châu Âu. "Kho dự trữ của Huawei có thể cho phép công ty tiếp tục hoạt động trong vài tháng, cho đến khi các chính sách của Mỹ thay đổi", Oertel nhận xét. "Nhưng nếu Huawei không thể cung cấp đủ sẽ tạo thành rủi ro kinh tế đáng kể cho khách hàng của họ".
Hosuk Lee-Makiyama, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu, cho rằng Huawei thậm chí có thể phải lựa chọn loại bớt đối tác 5G tại châu Âu khi nguồn cung linh kiện cạn kiệt.
"Huawei sẽ phải đưa ra quyết định giữ hợp đồng nào trong số các hợp đồng 5G đã ký để phục vụ trước", ông Hosuk nhận định. "Huawei hiện cam kết cung cấp nửa triệu thiết bị viễn thông cho các nhà mạng Trung Quốc, khiến nguồn dự trữ vốn đã có hạn lại càng cạn kiệt sớm hơn".
Huawei hiện diện khắp châu Âu
Châu Âu là một trong những khu vực có sự hiện diện đáng kể của Huawei. Chẳng hạn, theo thống kê của công ty nghiên cứu Strand, Deutsche Telekom - nhà cung cấp viễn thông lớn nhất châu Âu, hiện sử dụng linh kiện Huawei cho các hệ thống mạng đặt tại Áo, Croatia, Czech, Đức, Hà Lan và Ba Lan. Năm ngoái, Deutsche Telekom ký thỏa thuận với Huawei, trong đó yêu cầu công ty Trung Quốc trữ linh kiện trong trường hợp thiếu hụt.
Cùng với Deutsche Telekom, Telefónica của Tây Ban Nha và Orange của Pháp cũng phụ thuộc nhiều vào thiết bị mạng của Huawei. Tập đoàn viễn thông Vodafone của Anh dùng thiết bị Huawei ở các hệ thống mạng đặt tại Czech, Đức, Hy Lạp, Hà Lan, Hungary, Italy, Malta, Cyprus, Romania, Tây Ban Nha và Anh. Công ty này cho biết sẽ xem xét cách thức hoạt động của mình trong bối cảnh Huawei chịu sức ép từ các lệnh cấm của Mỹ.
Trong khi Mỹ công khai ngăn chặn Huawei, châu Âu có thái độ khá dè chừng. EU từng thông qua việc giảm sự phụ thuộc của các nhà mạng vào thiết bị viễn thông từ Trung Quốc, đặc biệt là hạ tầng 5G. Tuy nhiên, các quốc gia trong khối lại thực hiện theo cách khác nhau.
Bên cạnh Anh dự kiến cấm Huawei vào 2027, một số nước như Czech hay Ba Lan cũng hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của công ty Trung Quốc. Trong khi đó, Pháp cho biết sẽ loại thiết bị của hãng viễn thông này trong thập kỷ tới. Đức và Tây Ban Nha hiện chưa có quan điểm rõ ràng.
Một số chính phủ khác thuộc EU lại hy vọng Joe Biden sẽ là Tổng thống tiếp theo của Mỹ và các lệnh cấm nhằm vào Huawei sẽ được nới lỏng. Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo, không có gì đảm bảo điều này sẽ xảy ra, nhất là khi Mỹ vẫn đang theo đuổi chính sách thương mại cứng rắn.
Hiện các nhà khai thác viễn thông châu Âu vẫn phụ thuộc vào Huawei, đặc biệt là mạng 4G. Theo ước tính của Strand Consulting, Huawei đang có hợp đồng cung cấp thiết bị viễn thông ở hầu hết các quốc gia EU, trừ một số nước như Slovakia.
Nếu lệnh cấm của Mỹ khiến Huawei lâm vào thế khó, một số chuyên gia dự đoán châu Âu "có rất nhiều thứ sẽ mất".
Theo vnexpress