Theo ước tính của Tổ chức Di cư quốc tế, ước tính 80% phụ nữ Nigeria đã tìm cách đến châu Âu bằng đường bộ, sau đó vượt biển băng qua Địa Trung Hải. Và họ thường trở thành nạn nhân của các nhóm buôn bán phụ nữ để cung cấp cho các đường dây kinh doanh tình dục ở châu Âu.
|
Một góc khu phố "đèn đỏ" ở Copenhagen, Đan Mạch |
Jewel (tên của nhân vật đã được thay đổi) - một cô gái người Nigeria đã chọn cách đi bằng đường hàng không từ sân bay Lagos để đến Đan Mạch, theo mai mối của một nhóm buôn người, với hy vọng sẽ tìm được việc làm với những người quen biết cũ.
Tại Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch, Jewel đã được gặp một người phụ nữ Nigeria, người đã đưa cô đến Vesterbro - khu “đèn đỏ” của thành phố này, ngay ngày hôm sau. Và người phụ nữ này đã cho Jewel biết đây chính là “nơi làm việc” của cô, với công việc chính là bán dâm.
Theo số liệu gần đây nhất do Liên minh châu Âu (EU) công bố, hơn 14.000 nạn nhân buôn người đã được ghi nhận trong giai đoạn 2017-2018, nhưng đây chỉ mới là “phần nổi của một tảng băng chìm”, vì con số này chỉ phản ảnh các trường hợp đã được xác định. Một nửa số này đến từ các nước bên ngoài EU, trong đó Nigeria là một trong 5 quốc gia có nhiều nạn nhân nhất.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), mục đích chính của các đường dây buôn người là kinh doanh tình dục - một hoạt động đem về cho các băng nhóm này một nguồn thu nhập phi pháp lên đến 14 tỷ euro (khoảng 16 tỷ USD) mỗi năm.
|
Các thành viên của Reden Intercontinental - một tổ chức phi chính phủ ở Đan Mạch chuyên hỗ trợ phụ nữ bị lạm dụng trong lĩnh vực kinh doanh tình dục |
Nhưng những phụ nữ như Jewel phải dùng phần lớn số tiền mà họ kiếm được để trả nợ cho những kẻ buôn người - những người đã thu xếp việc đi lại và ăn ở cho họ.
“Họ luôn bị kẹt trong nợ nần. Trong số đó, phụ nữ Nigeria là một trong những nhóm lao động tình dục nhập cư bị mắc nợ nhiều nhất. Mỗi người có thể đang bị nợ từ 10.000 đến 60.000 euro, khiến họ phải kiếm thật nhiều tiền để trả nợ. Và do không có giấy tờ để làm việc hợp pháp, cách nhanh nhất để họ kiếm tiền là làm việc trong lĩnh vực kinh doanh tình dục”, Sine Plambech - một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu quốc tế Đan Mạch thuộc Bộ Di trú của nước này - cho biết.
Jewel cũng mắc nợ những kẻ buôn người 42.000 euro, và cô phải trả cho chúng theo hình thức trả góp đều đặn. Trước ngày bay khỏi Nigeria, cô đã được chúng đã dẫn đến một nghĩa trang để “thề thốt” việc trả nợ sau này. Trong khi Jewel đang ở Đan Mạch, gia đình cô ở Nigeria cũng luôn bị bọn buôn người hành hung, đe dọa để gây áp lực cho cô.
“Áp lực đó khiến tôi không còn lựa chọn nào khác là phải nhận lời từ mọi loại khách mua dâm. Bởi, ngoài tôi, cũng còn nhiều phụ nữ khác cũng đang là nạn nhân của bọn buôn người và muốn làm việc này”, Jewel chia sẻ.
|
Jewel trong ngày cưới sau khi may mắn thoát khỏi đường dây buôn người |
Vào tháng 4 năm nay, khi công bố một chiến lược mới để chống lại nạn buôn người, EC đã thừa nhận rằng 10 năm nỗ lực để giải quyết vấn nạn này hầu như chưa đem lại kết quả gì.
“Số lượng các vụ truy tố và kết án những kẻ buôn người vẫn còn ở mức thấp, khiến cho vấn nạn này trở thành một loại tội phạm có mức độ rủi ro thấp nhưng đem lại lợi nhuận cao”, EC nhận định và cho biết thêm các nỗ lực nhằm giảm nhu cầu thỏa mãn tình dục từ các nạn nhân bị bóc lột cũng đã thất bại.
Chính phủ Anh cho biết trong năm tính đến tháng 3/2020, cảnh sát nước này đã ghi nhận 7.779 vụ phạm tội nô lệ hiện đại (bao gồm bóc lột lao động và khai thác tình dục), nhưng có chưa đến 250 người bị buộc tội trong năm 2019.
Tại Đan Mạch, việc bán dâm là hợp pháp với điều kiện người hành nghề phải có giấy phép lao động. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ nhập cư bất hợp pháp và bán dâm ở Copenhagen khó có được giấy phép này và là đối tượng rất dễ bị tổn thương. Khi bị lạm dụng hoặc bạo lực, họ thường không dám trình báo cho cảnh sát.
Theo phunuonline.com.vn