Châu Phi: 130 triệu trẻ em gái bị đẩy vào những vụ tảo hôn
Cập nhật lúc 07:19, Chủ nhật, 19/06/2022 (GMT+7)
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em gái ở các quốc gia châu Phi bị đẩy vào những vụ tảo hôn.
|
|
Xung đột, biến đổi khí hậu và COVID-19... khiến nhiều trẻ em gái ở châu Phi có nguy cơ bị đẩy vào những vụ tảo hôn |
Tảo hôn và cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ là vi phạm quyền trẻ em. Tuy nhiên, UNICEF cho biết, ở nhiều cộng đồng trên khắp châu Phi, ngày càng có nhiều trẻ em gái trở thành nạn nhân của một hoặc cả hai tình trạng này.
Tảo hôn diễn ra khắp châu lục, với tỷ lệ cao nhất ở Sahel, các nước Trung và Đông Phi. 9/10 quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất trên thế giới thuộc khu vực châu Phi cận Sahara, bao gồm Niger, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Mali, Mozambique, Burkina Faso, Nam Sudan, Guinea và Nigeria. Gần 140 triệu trẻ em gái và phụ nữ ở châu Phi đã trải qua quá trình cắt bỏ bộ phận sinh dục, trong đó hơn 40 triệu người cũng từng bị tảo hôn.
"Chấm dứt tình trạng tảo hôn là ưu tiên hàng đầu của UNICEF. Để đẩy nhanh các nỗ lực, chúng ta cần đầu tư vào các lĩnh vực có tác động cao, đặc biệt là xóa bỏ đói nghèo - một nguyên nhân chính của tảo hôn, đảm bảo trẻ em gái được tiếp cận với nền giáo dục và học tập có chất lượng trên phạm vi lớn, đồng thời thay đổi hành vi và xã hội theo hướng tạo điều kiện cho trẻ em gái và phụ nữ tham gia tích cực vào đời sống kinh tế xã hội.
Cần có các biện pháp can thiệp đa ngành và theo hoàn cảnh của từng địa phương, do tỷ lệ tảo hôn ở các vùng nông thôn, các hộ nghèo nhất và những người ít hoặc không được học hành ngày càng cao", bà Marie-Pierre Poirier - Giám đốc UNICEF khu vực Tây và Trung Phi - lên tiếng.
UNICEF cũng cho biết, một số quốc gia ở châu Phi đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, trong khi nhiều quốc gia khác lại có sự trì trệ. Xung đột, biến đổi khí hậu và COVID-19 đã làm gián đoạn giáo dục và tạo ra những cú sốc kinh tế, khiến ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực có nguy cơ bị đẩy vào những vụ tảo hôn. Ngoài ra, một số bậc cha mẹ lại muốn gả con sớm để đối phó với tác động của khủng hoảng.
Nếu tiến độ không được đẩy nhanh, sẽ có thêm 45 triệu trẻ em gái ở khu vực cận Sahara của châu Phi trở thành cô dâu "nhí" trong thập niên tới, UNICEF cảnh báo.
“Khi chính phủ ở các nước châu Phi đánh giá những gì đã làm được và những gì cần phải cải thiện nhằm xóa bỏ nạn tảo hôn và cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, thì việc tăng cường nguồn lực trong nước để giải quyết các hủ tục có hại là điều cấp thiết. Điều này sẽ mang lại cho trẻ em nơi đây cơ hội tốt hơn để có được tuổi thơ mà các em đáng được hưởng”, ông Mohamed M. Malick Fall - Giám đốc UNICEF khu vực Đông và Nam Phi - khuyến nghị.
Theo phunuonline