Bệnh nhân được thở ô-xy bên ngoài bệnh viện ở Yaba, Lagos. Tình trạng này được một quan chức ở Kenya mô tả trên Twitter rằng: “Mọi người đang chờ những người khác chết để có được một chiếc giường” - Ảnh: Reuters

 

Theo WHO, số ca mắc COVID-19 đang tăng và đe dọa tính mạng con người ở ít nhất 12 quốc gia của châu Phi, bao gồm Cameroon, Ethiopia, Kenya và Guinea.   

Các quốc gia châu Phi ngày càng lo sợ khi có nhiều ca tử vong do COVID-19 trước khi bắt đầu tiêm chủng. Trên khắp châu lục, các bác sĩ, y tá và nhân viên chăm sóc sức khỏe kiệt sức khi tổng số ca nhiễm SARS-Cov-2 đã tăng trên 4,2 triệu với hơn 130.000 ca tử vong, tăng mạnh so với 2,7 triệu ca được ghi nhận vào cuối năm 2020. Nam Phi dẫn đầu với hơn 1,6 triệu ca và gần 55.000 người chết. WHO cho biết, hiện chỉ có hơn 7 triệu người được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở lục địa hơn 1 tỷ người này. 

Theo một nghiên cứu mới nhất trên tạp chí y khoa Lancet, đợt thứ hai của COVID-19 bắt đầu vào cuối năm 2020, tấn công các nước châu Phi mạnh mẽ với tỷ lệ nhiễm vi-rút tăng 30% so với đợt đầu tiên nhưng rất ít biện pháp y tế công cộng được sử dụng so với đợt đầu tiên.  

Chính phủ và các nhân viên y tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo người dân về một thời gian khó khăn phía trước. Bộ Y tế Kenya cảnh báo: “Chúng ta đang trong làn sóng thứ ba của dịch và đó là một làn sóng đe dọa sẽ xóa tất cả những lợi ích, thành quả mà chúng ta đã thực hiện trong cuộc chiến chống đại dịch cả 
năm ngoái”.

Hiện tại, các giường bệnh trong phòng chăm sóc đặc biệt ở châu Phi đầy các bệnh nhân COVID-19 và các bác sĩ cũng ngã bệnh do nhiễm vi-rút. Alfred Mutua -  Thống đốc hạt Machakos, Kenya - thông tin, tất cả phòng hồi sức và các giường bệnh nước này đã hết từ rất lâu: “Mọi người đang đợi những người khác chết để có được một chiếc giường”.

WHO cho biết, châu Phi không có đủ cơ sở vật chất để xét nghiệm, cách ly và đội ngũ nhân viên y tế hiện đang phải chịu gánh nặng của đại dịch do “công việc quá tải, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm kém”. Số ca nhiễm của nhân viên y tế chiếm 3,5% tổng số ca nhiễm COVID-19 ở châu Phi. “COVID-19 đã làm xáo trộn lực lượng lao động y tế vốn nghèo nàn và thiếu thốn ở đây. Kể từ khi đại dịch xảy ra, trung bình có 267 nhân viên y tế nhiễm bệnh mỗi ngày, 11 ca nhiễm mới mỗi giờ” - WHO báo cáo.

Liên minh các bác sĩ, dược sĩ và nha sĩ Kenya khuyến cáo, người dân nên thận trọng khi đến các cơ sở y tế. Ngoài ra, tình hình nhiễm bệnh càng trở nên trầm trọng hơn ở châu Phi do một số nhân viên y tế không muốn tiêm vắc-xin. 

Theo phunuonline