Rừng Amazon chứng kiến một năm hỏa hoạn kỷ lục - Ảnh: Michael Dantas
Theo thống kê, đến nay số vụ cháy rừng ở Amazon đã tăng đến 83% so với cùng kỳ năm 2018 và là kỷ lục trong nửa thế kỷ trở lại đây.
Hầu hết các đám cháy xảy ra ở khu vực đồng bằng Amazon, nơi sinh sống của khoảng 3 triệu loài động thực vật, trong đó có khoảng 1 triệu loài bản địa đặc trưng cho vùng rừng rậm Nam Mỹ.
WWF cảnh báo các đám cháy trong năm nay hiện gây nguy hiểm đến hàng ngàn loài động vật, trong đó 265 loài nằm trong danh sách những động vật nguy cấp của thế giới, bao gồm tatu chín đai khổng lồ, lợn lồi mõm trắng, thú ăn kiến khổng lồ… Trong đó, 124 động vật duy nhất chỉ có ở rừng mưa Amazon đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Hơn 80.000 vụ cháy từ đầu năm đã lấy đi nơi sống, thức ăn… của nhiều loài động vật và khiến không ít loài phải bỏ mạng trong biển lửa.
Thay đổi nhịp sống cũng là mối nguy hại đến những loài động vật đáng thương này khi phải vắt kiệt sức thoát khỏi các đám cháy trong đêm. Mùa giao phối của một số loài cũng bị ảnh hưởng.
Thú ăn kiến khổng lồ khu vực Amazon - Ảnh: WWF
Ông Mauricio Voivodic - giám đốc điều hành WWF khu vực Brazil, cho rằng Brazil nói riêng và những nước Nam Mỹ nói chung cần đưa vấn đề bảo vệ rừng lên hàng đầu trong chương trình hành động hàng năm.
"Chính phủ Brazil cần quản lý nghiêm khắc tình trạng khai thác rừng trái phép, vì Amazon là một tài sản chung cho tất cả các thế hệ" - ông Voivodic nói.
Theo Viện không gian quốc gia Brazil (INPE), số lượng "khủng" các đám cháy năm nay không chỉ là do thời tiết khô nóng mà phần lớn là do hoạt động của con người.
"Thời tiết rừng mưa Nam Mỹ năm nay không có gì khác thường. Sự khô nóng chỉ tạo điều kiện cho các hoạt động phá rừng cố ý hoặc vô ý của con người bùng phát thành thảm họa" - Alberto Setzer, nhà khoa học của INPE, cho biết.
Rái cá khổng lồ đặc trưng ở Amazon - Ảnh: WWF
Theo WWF, tình trạng cháy rừng sẽ còn tiếp diễn ở Brazil trong thời gian tới và có thể để lại tác động lên toàn cầu. "Chúng ta không thể ngăn chặn những thảm họa môi trường trong tương lai mà không có Amazon", ông Voivodic nói.
Hiện nay, các tổ chức WWF ở nhiều quốc gia đang nỗ lực vận động nhiều chương trình bảo vệ rừng trên thế giới. Chẳng hạn ở Anh, WWF vận động chính phủ giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm có được từ khai thác rừng tự nhiên.
"WWF thường làm việc với các chính phủ toàn cầu để chung tay đấu tranh với tình trạng phá rừng trái phép. Vấn đề này luôn được nêu lên trong các cuộc họp của Liên Hiệp Quốc về bảo tồn thiên nhiên", Sarah Hutchison, làm việc cho WFF Anh, chia sẻ.
Theo tuoitre