AI giúp nhà tuyển dụng tiết kiệm thời gian, nhưng không phải là công cụ tuyệt đối không có sự thiên vị hay định kiến - Ảnh minh họa của SCMP

Gần 4 năm sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai 27 tuổi Kevin Carballo có đầy kinh nghiệm với việc gởi đơn xin việc qua mạng và bị từ chối.

Các thuật toán được phát triển để phân loại và đánh giá ứng viên tốt nhất cho nhà tuyển dụng khiến Carballo bị mất nhiều cơ hội. Theo Hãng tin Reuters, nhiều người trẻ rơi vào hoàn cảnh tương tự Carballo khi nhà tuyển dụng sử dụng AI sàng lọc các ứng viên thích hợp.

"Không có cách nào nộp đơn xin việc trong thời đại ngày nay mà thoát được hệ thống phân tích và phân loại tự động - Carballo chia sẻ với Hãng tin Reuters - Tôi không thể nào kể đầy đủ câu chuyện của mình với một cái máy được".

AI được sử dụng để ghi nhận khuôn mặt ứng viên trong các cuộc phỏng vấn qua video, đánh giá biểu cảm và dự đoán hiệu suất công việc khi vào làm. Ngành phát triển công cụ hỗ trợ tuyển dụng có sử dụng AI ước tính có quy mô vào khoảng 500 triệu USD và đang ngày một mở rộng.

Khảo sát của tập đoàn chuyên về tuyển dụng Mercer cho thấy có 55% quản lý nhân sự ở Mỹ sử dụng phần mềm tuyển dụng có AI.

HireVue, một công ty chuyên xây dựng công cụ AI chấm điểm câu trả lời của ứng viên khi phỏng vấn qua video, cho biết nhu cầu sử dụng đã tăng 46% trong nửa đầu năm 2021. Nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 khiến nhiều người phải làm việc và xin việc từ nhà.

Các nhà tuyển dụng tin rằng việc sử dụng công cụ AI có thể giúp họ tránh được việc thiên vị, nghiêng về cảm xúc hay tình trạng "gửi gắm" người quen. Điều này nghe rất lý tưởng, đặc biệt với những công ty chú trọng hiệu suất công việc thay vì màu da hay giới tính.

Ông Kevin Parker, giám đốc điều hành của HireVue, cho biết việc đưa tất cả các ứng viên vào cùng một cuộc phỏng vấn, được đánh giá bằng cùng một thuật toán, giúp loại bỏ tính chủ quan và định kiến xã hội trong lúc đánh giá.

Tuy nhiên, theo ông Alex Enger (Viện Brookings, Mỹ), ngay cả máy cũng có thể thiên vị theo cách con người rất khó phát hiện. Vì dựa vào quá trình học máy (machine learning) nên những công cụ này chỉ "làm quen" với những cái tên phổ biến trong xã hội. Điều này dẫn tới những người có tên lạ sẽ bị loại bỏ.

Amazon đã phải bỏ hệ thống sàng lọc hồ sơ tuyển dụng sử dụng AI vào năm 2017 vì phát hiện nó phân biệt đối xử nữ giới. Các ứng viên tốt nghiệp từ những trường đại học nữ sinh đều bị hạ bằng cấp vì lỗi này - Ảnh chụp màn hình

Carballo là một ví dụ điển hình, theo Reuters. Cái tên lạ và hiếm gặp được cho là nguyên nhân khiến hồ sơ của cậu bị loại từ... "vòng gửi xe", do công cụ không được cung cấp những cái tên lạ.

"Tôi là người đầu tiên trong nhà học tới cao đẳng. Tôi là người gốc Latin và tôi không theo học trường danh tiếng gì cả. Vì thế mỗi khi bị từ chối, tôi luôn tự hỏi mình phải chăng hệ thống này được thiết kế để loại người như tôi?", Carballo tâm sự với Reuters.

Chính quyền một số nước và thành phố ở Mỹ đã để tâm đến việc sử dụng AI trong tuyển dụng. Hội đồng thành phố New York (Mỹ) đang xem xét một đạo luật yêu cầu các công ty sử dụng công cụ AI phải tự kiểm tra, bảo đảm không có lỗi thiên vị nào trong thuật toán.

Nghị viện châu Âu cũng xem xét gắn mác việc sử dụng công cụ AI trong tuyển dụng là hành động tạo ra "nguy cơ cao", yêu cầu các công ty đưa những công cụ này vào cơ sở dữ liệu công khai.

"Chiều dài mũi, cách nói chuyện, cách cử động miệng... không nên là dữ liệu đầu vào cho những suy luận về hiệu suất công việc của một ai đó", chuyên gia Daniel Leufer thuộc nhóm bảo vệ quyền kỹ thuật số Access Now nêu quan điểm.

Theo congnghe.tuoitre