Chuyên gia người Nhật (áo sọc đen trắng) luôn kiểm tra tỉ mỉ các lô hàng vải thiều tươi xuất khẩu - ẢNH NGUYỄN HIẾU
Vải thiều tươi Việt Nam xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản là dấu ấn nổi bật của mùa vải thiều năm nay. Đây cũng là thành quả sau 5 năm Bộ NN-PTNT đàm phán với Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản. Đặc biệt, để xuất khẩu vào Nhật Bản, các lô hàng phải được chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản giám sát trực tiếp. Khi đạt yêu cầu, chuyên gia Nhật Bản ký chứng thư xác nhận lô hàng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuyến bay quốc tế buộc phải đóng cửa khiến có nhiều thời điểm việc xuất khẩu vải thiều tươi Việt Nam sang Nhật Bản bị đóng băng. Sau nhiều nỗ lực đàm phán và trao đổi của Bộ NN-PTNT, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản quyết định cử 1 chuyên gia kiểm dịch thực vật sang Việt Nam nhưng trước khi làm việc, phải trải qua 14 ngày cách ly phòng dịch Covid-19.
Vải thiều tươi Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn giữ được màu sắc vỏ, chất lượng tươi ngon - ẢNH NGUYỄN HIẾU
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT), cho biết để mời được chuyên gia Nhật Bản, phía Việt Nam phải chịu toàn bộ chi phí quá trình đi lại, ăn ở, làm việc của chuyên gia.
Trước khi chuyên gia lên máy bay sang Việt Nam, phía Nhật Bản đã trao đổi chi tiết để thống nhất các khoản chi phí thực hiện theo đúng các chính sách, quy định của pháp luật Nhật Bản.
Cụ thể, chuyên gia Nhật Bản sẽ có 42 ngày ở Việt Nam bao gồm 14 ngày cách ly phòng dịch Covid-19 và 28 ngày giám sát xuất khẩu vải thiều. Theo đề xuất của Nhật Bản, mỗi ngày ở Việt Nam, vị chuyên gia này có công tác phí là 4.200 yên, tiền ăn là 5.800 yên, tiền khách sạn là 12.900 yên (1.000 yên tương đương khoảng 212.000 đồng).
Cũng theo ông Hiếu, phát sinh lớn nhất là khoản tiền làm thêm giờ. Theo quy định của Nhật Bản, chuyên gia này chỉ làm việc 7 giờ 30 phút/ngày. Sau đó, chuyên gia sẽ được hưởng 2.300 yên/giờ làm thêm.
Chưa hết, khi chuyên gia trở lại Nhật Bản tiếp tục cách ly trong 14 ngày thì phía Việt Nam phải chi trả số tiền "tiêu vặt" cho mỗi ngày là 1.100 yên, cùng số tiền 9.800 yên cho mỗi ngày cách ly tại cơ sở y tế. Ngoài ra là tiền cho chuyên gia đi lại ở Nhật Bản.
“Nếu theo dự toán kinh phí ban đầu theo yêu cầu của Nhật Bản, cơ quan phía Việt Nam sẽ chi khoảng 500 triệu đồng nhưng thực tế sẽ còn phát sinh thêm. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên mình phải thuyết phục chuyên gia làm thêm giờ rất nhiều để đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu”, ông Hiếu nói.
Ngồi ăn riêng, chỉ gặp nhau trên xưởng!
Chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản được bố trí ở tại khách sạn 4 sao trên địa bàn TP.Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), hàng ngày có xe đưa đón trên quãng đường 60 km lên xưởng xử lý vải thiều đặt tại H.Lục Ngạn. Cũng theo ông Hiếu, tác phong làm việc của chuyên gia người Nhật cực kỳ chuyên nghiệp và nguyên tắc.
Hàng ngày, vị chuyên gia này luôn có mặt ở xưởng trước giờ làm việc, cẩn thận kiểm tra tỉ mỉ từng công đoạn, quy trình làm việc của các công nhân tại xưởng. Chuyên gia chủ động lấy mẫu vải kiểm tra độc lập, chỉ khi lô hàng nào đạt chất lượng mới cùng các đồng nghiệp Việt Nam ký vào chứng thư đủ điều kiện xuất khẩu.
Chuyên gia Nhật Bản ký xác nhận cho các lô hàng đủ điều kiện xuất khẩu - ẢNH NGUYỄN HIẾU
Ngoài công việc, vị chuyên gia người Nhật cực kỳ giữ nguyên tắc trong sinh hoạt. Ông Nguyễn Quang Hiếu kể, dù làm việc ở xưởng với nhau cả tuần, phối hợp ăn ý trong công việc nhưng “có nhiệt tình mời gãy lưỡi” mà chưa khi nào vị chuyên gia Nhật Bản ngồi ăn cơm chung với các đồng nghiệp Việt Nam.
“Công việc vất vả, sau giờ anh em liên hoan muốn mời chuyên gia Nhật cùng dự, uống với nhau cốc bia nhưng dứt khoát họ từ chối với lý do “tiền ăn đã được phía Việt Nam chi trả” và cầm theo suất cơm hộp đã đặt trước, tự ngồi ăn ở một khu riêng”, ông Hiếu.
Cũng theo ông Hiếu, ngay cả những ngày cuối tuần không làm việc, vị chuyên gia Nhật Bản có về Hà Nội chơi, các đồng nghiệp Việt Nam ngỏ ý dẫn đi thăm thú đường phố, giới thiệu văn hoá thủ đô Việt Nam. Thế nhưng tất cả mọi lời mời, chuyên gia Nhật Bản đều khéo léo từ chối bởi lý do: "Chúng ta gặp nhau trên xưởng làm việc là được rồi".
Theo thanhnien