Các lãnh đạo đại sứ quán, thương vụ Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại siêu thị Nhật Bản - Ảnh: Bộ Công thương
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay đã và đang phối hợp với một số đầu mối nhập khẩu của Việt Nam như AEON, VIENT Corporation, Yufruit, Sunrise Farm… và đầu mối xuất khẩu như Công ty Red Dragon, Chánh Thu, Ameii… để xúc tiến xuất khẩu các lô hàng vải thiều sang Nhật Bản trong vụ mùa năm nay.
Đến nay, các lô vải được xuất sang Nhật Bản đã được đóng hộp nhỏ 200 gram và bày bán tại siêu thị với giá khuyến mãi là 489 yen (giá gốc là 537 yen) - tương đương hơn 100.000 đồng. Như vậy, mỗi ký vải thiều Việt Nam được bán tại Nhật Bản có giá khoảng 500.000 đồng.
Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát khiến chuyên gia nông nghiệp Nhật gặp khó khăn trong việc sang Việt Nam giám sát khâu đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng, song Thương vụ cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã trao đổi, phối hợp với Bộ Nông nghiệp của hai nước nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam vào ngày 3-6-2020.
Mỗi hộp được đóng gói khoảng 200 gram với giá 500 yen Nhật - Ảnh: Bộ Công thương
Thực hiện cách ly 2 tuần theo quy định, ngày 18-6 chuyên gia nông nghiệp Nhật phối hợp với các chuyên gia Việt Nam đã bắt đầu công tác giám sát khâu xử lý tại các cơ sở xử lý xông hơi khử trùng.
Theo đó, ngay trong ngày 18-6 đã có gần 5 tấn vải thiều được xử lý xông hơi và được chuyên gia Nhật xác nhận kết quả đạt chuẩn. Trong ngày 19-6, 1 tấn vải đầu tiên đã xuất đi Nhật bằng đường hàng không.
Gần 4 tấn vải còn lại (trong tổng số 5 tấn của ngày 18-6) sẽ đi bằng đường biển. Dự kiến khoảng gần 200 tấn vải thiều tươi sẽ xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật trong năm nay.
Cơ quan Thương vụ cho hay có được kết quả này là quá trình vất vả, kỳ công của các cơ quan chức năng của Việt Nam từ năm 2014, khi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) bắt đầu đàm phán với Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản nhằm xúc tiến mở cửa thị trường Nhật cho quả vải thiều Việt Nam.
Nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt đã được thực hiện để đảm bảo diệt trừ triệt để các loại vi sinh vật (là đối tượng kiểm dịch thực vật) có khả năng tồn tại trên quả vải.
Thương vụ đã thu xếp đưa đối tác Nhật về Bắc Giang tìm hiểu khả năng nhập khẩu quả vải thiều Lục Ngạn và giới thiệu công nghệ bảo quản vải tươi của Nhật Bản: 3 lần (tháng 11-2018), (tháng 5-2019), (tháng 11-2019).
Ngày 15-12-2019, sau hơn 5 năm đàm phán giữa hai bên, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản gửi thư cho Cục Bảo vệ thực vật, thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch.
Quả vải để được xuất vào Nhật Bản phải đáp ứng những yêu cầu như được trồng tại các vườn được kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.
Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được cấp phép, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản. Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Tại Nhật Bản, quả vải được Hiệp hội nhập khẩu hoa quả của Nhật Bản giới thiệu là một loại quả có giá trị. Hiện nước này nhập khẩu vải từ 5 quốc gia và lãnh thổ, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc khoảng 256 tấn (chiếm khoảng 60%); Đài Loan khoảng 127 tấn (chiếm khoảng 30%); Mexico là 29,7 tấn; Hoa Kỳ khoảng 1,3 tấn. Sản lượng quả vải sản xuất tại Nhật rất ít, năm 2014 sản lượng đạt khoảng 13 tấn được trồng trên diện tích khoảng 11ha... |
Theo tuoitre