Xác định được các vấn đề bình đẳng giới trọng tâm
Kết thúc 10 năm thực hiện chiến lược bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, với sự nỗ lực của các cấp các ngành, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật chính sách theo hướng bình đẳng giới thông qua những nỗ lực lồng ghép giới trong các văn bản quy phạm pháp luật ở các lĩnh vực chủ chốt. Cán bộ các cấp đều nhận thức được rằng lồng ghép bình đẳng giới là nhiệm vụ chính trị của ngành/địa phương mình. Từ đó mang lại những thay đổi tích cực, tạo những dấu ấn quan trọng và đặt nền móng vững chắc cho các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong những giai đoạn tiếp theo.
Tháng 3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Chiến lược được xây dựng trên cơ sở kế thừa Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, duy trì, phát huy các chỉ tiêu đã đạt được, điều chỉnh các chỉ tiêu chưa phù hợp với thực tiễn, xây dựng các chỉ tiêu mới nhằm góp phần thực hiện thành công "Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững".
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 hướng đến mục tiêu tổng quát: Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Chiến lược gồm 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực: Chính trị; Kinh tế và lao động; Đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Y tế; Giáo dục và đào tạo; Thông tin và truyền thông.
Hướng đến sự phát triển bền vững
Tích cực triển khai các mục tiêu của chiến lược trong 10 năm tới chính là hướng đến sự phát triển bền vững. Qua đó, mọi người và mọi cộng đồng xã hội được tiếp cận những nguồn lực chung, được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho thế hệ mai sau. Sự nỗ lực này tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu Phát triển bền vững số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Trong lĩnh vực chính trị, Chiến lược giai đoạn 10 năm tới đặt ra chỉ tiêu là năm 2025 sẽ có 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, các chỉ tiêu trong 10 năm tới không còn đơn thuần là tăng công ăn việc làm, tăng tiền lương cho phụ nữ, mà tập trung hơn vào việc tăng vị thế, quyền năng cho phụ nữ. Đó mới chính là bản chất của bình đẳng giới giữa phụ nữ và nam giới, tạo nên sự phát triển bền vững. Do đó, chiến lược xây dựng các chỉ tiêu tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương, giảm tỷ trọng nữ làm việc ở khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã. Chỉ tiêu đề ra tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030. Bên cạnh đó là giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030. Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Chiến lược giai đoạn 2021-2030 hướng đến việc giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.
Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vẫn là một nội dung quan trọng của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong 10 năm tới. Điểm khác biệt của chiến lược lần này ở chỗ không chỉ là có các giải pháp dành cho nạn nhân, mà còn hướng tới đối tượng gây bạo lực để giải quyết gốc rễ của vấn đề. Ngay cả với đối tượng gây bạo lực, không tập trung vào việc buộc tội, xử phạt, mà là tăng nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới. Chiến lược hướng đến năm 2030, 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản. Đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn. Từ năm 2025 trở đi, 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng. Đến năm 2025 có 70% và năm 2030 có 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Những điểm mới cần nhân rộng
Về y tế, Chiến lược đưa ra những chỉ tiêu mới là các vấn đề cần quan tâm, chú trọng giải quyết trong đời sống hiện đại như mang thai ở trẻ vị thành niên. Việt Nam phấn đấu tiếp tục giảm sự chênh lệch về tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái, tiếp tục giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản.
Bên cạnh đó, Việt Nam luôn ủng hộ quyền những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) với các bước cải cách cụ thể về chính sách, thúc đẩy để Việt Nam trở thành một quốc gia hòa nhập hơn cho mọi thành phần. Chiến lược hướng đến tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dành cho người LGBT đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.
Nội dung về giới, bình đẳng giới sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt khoảng 99%; cấp trung học cơ sở đạt 90% vào năm 2030. Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 35% vào năm 2030.
Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và được đánh giá là một động lực và mục tiêu phát triển Quốc gia. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới giúp cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức và công dân thấy rõ nguy cơ, thực trạng của vấn đề bất bình đẳng giới đang ngăn cản sự phát triển của đất nước. Từ đó có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển xã hội, cộng đồng. Trong công cuộc đổi mới, công tác này góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của phụ nữ theo hướng tiến bộ về vị trí, vai trò của họ và giúp họ khẳng định được bản thân mình trong xã hội.
Với định hướng đó, trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, Chiến lược giai đoạn 10 năm tới đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đạt 60% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030 dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới. Duy trì đạt 100% đài phát thanh và đài truyền hình ở Trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới hàng tháng.
Ngự Bình