Một vài tuần sau khi dịch Covid-19 bùng phát hồi năm 2020, bác sĩ Soren Brostrom thu hút sự chú ý khi thảo luận về một chủ đề mà các quan chức y tế ít đề cập: Tình dục “thoáng” và nCoV.

Ông Brostrom, lãnh đạo Ủy ban Y tế Quốc gia Đan Mạch, không ngần ngại chỉ ra những rủi ro đến từ các "mối quan hệ thoáng qua", song không phản đối những người độc thân tìm kiếm sự gần gũi, theo Bloomberg.

Chủ trương thẳng thắn


Sự thẳng thắn của bác sĩ 56 tuổi đã giúp cơ quan của ông duy trì mức độ ủng hộ từ phía công chúng ở mức cao trong thời gian dài, ngay cả khi Đan Mạch phải đưa ra những quyết định khó khăn, như việc ngưng sử dụng một loại vaccine Covid-19.

Người dân Đan Mạch đang tận hưởng trái ngọt từ sự tin tưởng đó, với tỷ lệ tiêm chủng cao thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) chỉ sau Malta. Thành quả này giúp Đan Mạch khống chế số ca mắc Covid-19 ở mức thấp mà không cần áp đặt quá nhiều quy định hạn chế.

                                                             Bác sĩ Soren Brostrom, lãnh đạo Cơ quan Y tế Đan Mạch. Ảnh: WHO.


Bác sĩ Brostrom vẫn duy trì cách truyền đạt thẳng thắn và rõ ràng khi ông cảnh báo về khả năng gia tăng số bệnh nhân Covid-19 trong mùa đông sắp tới.

Ví dụ, để cải thiện tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng Hồi giáo ở Copenhagen, ông gửi thông điệp đến ba nhà thờ Hồi giáo.

“Ngay sau buổi cầu nguyện vào ngày 3/9 ở nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Đan Mạch, vị giáo chủ đã đưa cho tôi chiếc micro và tôi có cơ hội nói chuyện với mọi người”, ông Brostrom kể lại. “Điều đó chưa bao giờ xảy ra ở đất nước chúng tôi trước đây”.

Trong tháng 8, Đan Mạch ghi nhận trung bình dưới 900 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, và con số tử vong chỉ ở ngưỡng 200 trong 6 tháng qua.

Từ cuối tháng 4, Đan Mạch đã dần cho phép các nhà hàng và nhà thi đấu thể thao hoạt động trở lại. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang cũng được dỡ bỏ vào tháng 6.

Kể từ ngày 3/9, người dân Đan Mạch không cần phải xuất trình “hộ chiếu Covid-19” khi tham gia các sự kiện ở nơi công cộng. Đây cũng là quy định hạn chế cuối cùng được dỡ bỏ, theo Bloomberg.

                                                             Người dân Đan Mạch xếp hàng chờ tiêm vaccine ở Copenhagen. Ảnh: AFP.


Minh bạch triệt để


Cách tiếp cận của Đan Mạch là một bước tiến tích cực cho nhiều quốc gia đang tăng cường tiêm chủng với hy vọng đưa cuộc sống trở lại bình thường, bất chấp sự xuất hiện của biến chủng Delta với độc lực cao hơn. Chủng này cũng chiếm đa số trong các ca nhiễm ở Đan Mạch.

“Đan Mạch là một hình mẫu tuyệt vời”, Catherine Bennett, chủ nhiệm khoa dịch tễ học của Đại học Deakin, Australia, nhận xét. “Họ đã khống chế số ca nhiễm một cách ổn định ngay cả khi bắt đầu nới lỏng các quy định giãn cách xã hội”.

Kristian Andersen, giáo sư miễn dịch học và vi sinh học tại Viện nghiên cứu Scripps ở California, cho rằng Đan Mạch đã trải qua một “khởi đầu khó khăn” trong việc phản ứng với đại dịch.

Người nước ngoài ở Đan Mạch từng chỉ trích cách tiếp cận ban đầu của quốc gia này vì họ đã “không phong tỏa, không xét nghiệm rộng rãi, không bắt buộc đeo khẩu trang và không thực hiện các biện pháp khống chế số ca nhiễm”, theo vị giáo sư.

Giáo sư Andersen nhận xét: “Giờ đây, với chương trình tiêm chủng áp dụng rộng rãi, họ đang trên đà tiến triển tốt, nhưng tình hình có thể khó khăn hơn trong vài tháng tới”.



Từ video buổi trình bày của ông Kristian Andersen, giáo sư miễn dịch học và vi sinh học tại Viện nghiên cứu Scripps ở California trên kênh YouTube đơn vị.


Đan Mạch là quốc gia đầu tiên ở EU ngừng sử dụng một số loại vaccine. Ông Brostrom cho biết cơ quan của mình chọn cách tiếp cận với “tính minh bạch triệt để” để cung cấp thông tin cho công chúng thông qua các trang web, biên bản, ấn phẩm và các cuộc họp báo về quyết định nhạy cảm nói trên.

“Điều đó cho phép chúng tôi duy trì sự tin tưởng từ phía người dân về việc triển khai vaccine”, ông Brostrom nói.

Sự thẳng thắn và minh bạch của ông Brostrom lần đầu được đề cập trên các mặt báo vào tháng 4/2020, khi ông được hỏi trong một cuộc họp báo về việc liệu mọi người có thể quan hệ tình dục “qua đường” trong bối cảnh đại dịch hay không.

“Tất nhiên câu trả lời của tôi là có. Tình dục không có gì là sai cả”, ông Brostrom nói. “Cơ quan Y tế Đan Mạch ủng hộ việc quan hệ tình dục”.

Ông Brostrom, vốn là một bác sĩ phụ khoa trước khi tham gia vào chính phủ Đan Mạch cách đây 10 năm, giải thích rằng SARS-CoV-2 không lây qua đường tinh dịch hoặc dịch âm đạo, song việc tiếp xúc gần gũi có nguy cơ làm lây lan virus.

Ông Brostrom sau đó nhận ra Cơ quan Y tế Đan Mạch là một trong số ít những đơn vị đưa ra khuyến cáo về việc quan hệ tình dục trong bối cảnh đại dịch.

“Hầu như không cơ quan nào đưa ra lời khuyên về tình dục an toàn giữa đại dịch Covid-19. Điều này khiến tôi ngạc nhiên vì tình dục là một vấn đề sức khỏe con người”, bác sĩ 56 tuổi nói. “Tất nhiên chúng ta nên tư vấn về cách chăm sóc con cái, cách chăm sóc người bệnh và cả cách quan hệ tình dục”.

Theo bác sĩ Brostrom, giới chức Đan Mạch đã bắt đầu hợp tác với các nhà nghiên cứu hành vi khi đại dịch bùng phát và sử dụng dữ liệu hàng tuần để theo dõi sự tin tưởng của các nhóm nhân khẩu học khác nhau đối với những khuyến cáo y tế mà chính phủ đưa ra.

“Phương pháp này cho phép chúng tôi định hướng giao tiếp và các chủ trương của mình một cách tập trung”, ông Brostrom nói.

“Thông thường, trong công tác tuyên truyền sức khỏe cộng đồng, người ta tập trung vào đối tượng nữ giới được giáo dục bài bản và ít chú trọng vào những người trẻ tuổi hoặc nam giới trình độ thấp. Tuy nhiên, chúng tôi đã khắc phục được điều này trong đại dịch. Tôi rất tự hào về điều đó”, vị bác sĩ nói.

Theo Zing