Mỹ đã chứng kiến làn sóng bạo lực nhắm vào người gốc Á tăng mạnh trong năm qua. Tổ chức Ngừng thù ghét cộng đồng người Mỹ gốc Á và quốc đảo Thái Bình Dương (AAPI) cho biết xu hướng thù ghét người gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất Mỹ đã tăng gần 150%, với khoảng 3.800 vụ "bài Á" từ tháng 3/2020 tới cuối tháng 2/2021, trong đó nhiều nhất ở New York và Los Angeles.
Vụ xả súng vào ba spa ở thành phố Atlanta, bang Georgia tuần trước, khiến 8 người chết, gồm 6 người gốc Á, là vụ tấn công nghiêm trọng và mới nhất nhắm vào cộng đồng AAPI ở Mỹ
Nhiều nhà hoạt động nhận định một trong những nguyên nhân chính dẫn tới xu hướng này là do tình hình chính trị nhiều biến động sau khi Covid-19 bùng phát. Giới nghiên cứu cho rằng nhiều bài đăng Twitter của cựu tổng thống Donald Trump, trong đó đề cập tới "virus Trung Quốc" hay "kung flu" là tác nhân khiến làn sóng thù ghét gốc Á trên mạng tăng mạnh. Ngoài ra, sự đối đầu gay gắt của chính quyền Trump với Bắc Kinh cũng có thể làm vấn đề thêm trầm trọng.
"Trước đại dịch, những phát ngôn của Trump về Trung Quốc thường xem cả đất nước này và 1,4 tỷ dân của họ như kẻ thù, nhưng hiếm khi phân biệt rạch ròi giữa chính quyền Trung Quốc với các công ty hay người dân nước này", Bethany Allen-Ebrahimian và Shawna Chen, biên tập viên của Axios, nhận định.
Sự kỳ thị này đã khiến những người gốc Á bình thường ở Mỹ trở thành mục tiêu, theo các nhà lập pháp tranh luận tại phiên điều trần Hạ viện tuần trước.
"Tôi thực sự bị sốc với nỗi giận dữ hiện nay ở đất nước chúng ta", nghị sĩ Dân chủ Doris Matsui của bang California, nói. "Luận điệu gay gắt ở cấp cao nhất trong chính phủ không thể tách biệt với tình trạng bạo lực bùng phát sau đó trong các cộng đồng của chúng ta".
"Khi Mỹ công kích Trung Quốc, người Trung Quốc sẽ hứng đòn và những ai có ngoại hình giống người Trung Quốc cũng vạ lây. Chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á cũng chính là chính sách đối nội với người gốc Á", Russell Jeung, giáo sư sử học tại Đại học bang San Francisco, người từng giúp thành lập tổ chức chống thù ghét AAPI, nói. "Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung, đặc biệt là chiến lược của đảng Cộng hòa công kích, đổ lỗi cho Trung Quốc vì nCoV, đã kích động làn sóng phân biệt chủng tộc và thù ghét người Mỹ gốc Á".
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi nếu Trump và đồng minh có giọng điệu khác, liệu những vụ tấn công thù ghét nhắm vào người gốc Á có giảm hay không? Ishaan Tharoor, biên tập viên của Washington Post, cho rằng phong cách chính trị theo chủ nghĩa bài ngoại của Trump vẫn xuất hiện trong hàng loạt vụ xả súng và người Mỹ gốc Á đã từng cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn trong các thông điệp của Trump.
"Người Mỹ gốc Á phản đối Trump và nhiều người khác sử dụng khái niệm 'virus Trung Quốc', bởi họ sợ rằng những điều đó sẽ gây ra hậu quả thực tế", nhà sử học Jeff Chang nói.
Tuy nhiên, làn sóng thù ghét người gốc Á ở Mỹ tồn tại từ trước chính quyền Trump, theo giới quan sát. Mỹ có lịch sử kỳ thị và coi thường người nhập cư từ châu Á, từ thuật ngữ "hiểm dọa da vàng" nhắm vào người đến từ châu Á một thế kỷ, cho tới các cuộc tấn công vào người Sikh, người Nam Á và người theo đạo Hồi sau vụ khủng bố 11/9.
Một số nhà phân tích cho rằng bối cảnh chính trị hiện tại ở Washington, nơi cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đồng thuận trong lập trường chống Trung Quốc, rủi ro với cộng đồng gốc Á sẽ tăng lên.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã lên án bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á, trong khi tránh sử dụng thuật ngữ "virus Trung Quốc" và thuyết âm mưu rằng đại dịch được cố tình tạo ra trong một phòng thí nghiệm Trung Quốc.
"Nhưng Biden đã làm rất ít về mặt chính sách thực tế để giảm làn sóng thù ghét gốc Á mà Trump kích động", Mae Ngai, nhà sử học tại Đại học Columbia, nói.
Ngai đề xuất Biden dừng coi Bắc Kinh là đối thủ, nhưng đây là động thái gây tranh cãi mà ít người theo đuổi ở Washington, nơi hầu hết chính trị gia hiện nay đều xem Trung Quốc là "mối đe dọa hiện hữu và thách thức mang tính lịch sử" của Mỹ.
Nhiều nhà bình luận phản bác ý kiến cho rằng việc gây sức ép với Trung Quốc trong các vấn đề như Hong Kong, Đài Loan, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương... có liên quan tới làn sóng thù ghét người gốc Á ở Mỹ.
Giới chính trị gia Washington "phải phân biệt rõ ràng giữa mối lo ngại thực sự về các hành động của Bắc Kinh với làn sóng thù ghét người Mỹ gốc Á", theo các chuyên gia chính sách đối ngoại Caroline Chang, Anka Lee và Johna Ohtagaki.
Cho tới lúc đó, hàng triệu người Mỹ gốc Á sẽ phải tìm cách đối phó với những tổn thương không phải do lỗi của họ. "Những phát biểu mang tính kích động của Trump cùng với sự tuyệt vọng do đại dịch chưa từng có đã cho thấy cuộc sống bấp bênh của nhóm thiểu số ở Mỹ", Jiayang Fan, biên tập viên của New Yorker, cho hay. "Người Mỹ gốc Á sẽ cảm thấy không có khả năng tự vệ trước virus cũng như làn sóng thù ghét khi phải sống trong giai đoạn này. Cảm giác đó giống như bị mắc kẹt trong một thảm kịch của Mỹ, trong khi không được công nhận như một người Mỹ thực thụ".
Theo vnexpress