leftcenterrightdel
 Ông Pallab Sengupta - Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới. (Ảnh: Thu Hà)

Nhiều lần đến Việt Nam, ông Pallab Sengupta luôn dành cho đất nước hình chữ S tình cảm đặc biệt, bởi đây là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của nhân dân lao động trên thế giới.

Ông cho biết, quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam - Ấn Độ được các vị lãnh tụ của hai dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng và dày công vun đắp. Tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập dân tộc đã truyền cảm hứng cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, trong đó có Ấn Độ. Khẩu hiệu hành động của các tầng lớp nhân dân Ấn Độ ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã một thời vang vọng trên khắp đất nước Ấn Độ: “Tên anh, tên tôi, tên chúng ta, Việt Nam! Việt Nam!”.

"Việt Nam và Ấn Độ có sự tin tưởng sâu sắc lẫn nhau và quan hệ ấy đã phát triển thành đối tác chiến lược toàn diện. Đó là kết quả của tình đồng chí, anh em. Chúng tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị này, vì hòa bình và vì công bằng, công lý xã hội", ông Pallab Sengupta nói.

Năm 1994, lần đầu tiên ông Pallab Sengupta đến thăm Việt Nam và bây giờ tiếp tục trở lại để tham dự Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới. Điều ông ấn tượng nhất là người dân Việt Nam rất hiếu khách và có nụ cười khác biệt bởi "nó đến từ trái tim".
leftcenterrightdel
 Ông Pallab Sengupta, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới, tham quan triển lãm ảnh lịch sử tại Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới (Ảnh: Thu Hà).

Ông vui mừng thấy sự thay đổi của Việt Nam có nhiều yếu tố tích cực: "Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động mới nổi nhất trên thế giới. Mức sống của người dân được nâng lên, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ sớm trở thành một cường quốc, một quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới. Về chính trị, Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đó là một biểu hiện mạnh mẽ cho việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy đối thoại, thảo luận".

Sự kiện Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới tổ chức tại Việt Nam, theo ông Pallab Sengupta, là sự ghi nhận thực tế vị trí, vai trò quan trọng của Việt Nam trong phong trào hòa bình thế giới, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, tích cực của cộng đồng quốc tế.

"Chúng ta đang sống trong một thế giới với nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định và phát triển. Mục tiêu của Hội đồng Hòa bình thế giới là chung tay hành động, không phân biệt tư tưởng, quan điểm chính trị, tôn giáo để tiến tới hòa bình và phát triển toàn cầu", ông Pallab Sengupta nhấn mạnh.

Chia sẻ những kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới mong muốn ưu tiên mở rộng tầm ảnh hưởng của Hội đồng. Bên cạnh đó, ông muốn kết nối, phối hợp với các tổ chức khác đang hoạt động trên thế giới để tìm ra sự đồng thuận về hòa bình, công bằng xã hội.

"Tôi tin tưởng sẽ có nhiều sự đồng thuận hơn là sự bất đồng. Cùng với các tổ chức khác, chúng ta có thể hình thành một liên minh quốc tế của phong trào hòa bình, ủng hộ và đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì một thế giới công bằng và phát triển bền vững", ông Pallab Sengupta nói.

Theo thoidai