Một người đàn ông chụp ảnh tự sướng trước một con cá voi dài 12m được phát hiện đã chết tại bãi biển Ipanema ở Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: AFP/Leo Correa

Số người chết đã tăng lên qua mỗi năm khi smart phone (điện thoại thông minh) trở nên hiện đại hơn và gậy selfie ra đời, khiến người sử dụng gặp rủi ro lớn hơn khi cố chụp được bức ảnh hoàn hảo.

Theo số liệu được Tạp chí Y học Gia đình và Chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ đưa ra, từ tháng 10/2011 đến tháng 11/2017, ít nhất 259 người đã tử vong vì chụp ảnh tự sướng trên toàn cầu, so với 50 người thiệt mạng trong các vụ cá mập tấn công trong cùng thời gian.

Trong đó, phụ nữ selfie nhiều nhất, những chàng trai trẻ lại là những người dễ gặp nguy hiểm hơn, chiếm 3/4 số người tử vong vì selfie - trong các vụ đuối nước, tai nạn, té ngã (hay bị văng) khỏi tàu, thuyền hoặc tai nạn liên quan đến súng.

Ấn Độ, với dân số hơn 1,3 tỷ người và 800 triệu điện thoại di động, giữ kỷ lục về số người chết khi đang chụp ảnh tự sướng, với 159 người thiệt mạng được ghi nhận cho đến nay.

Ấn Độ cũng đã chứng kiến ​​những nhóm thanh niên chụp ảnh tự sướng thiệt mạng khi họ bị tàu hỏa đâm hoặc chết đuối khi thuyền của họ chìm ngay lúc họ đang bấm nút chụp.

Tình hình trở nên khủng khiếp đến nỗi Ấn Độ đã thiết lập các khu vực "không chụp ảnh tự sướng" - trong số đó, chỉ riêng ở thành phố Mumbai đã có 16 điểm.

Số người Ấn Độ thiệt mạng do selfie đã vượt xa Nga (16 người chết), Mỹ (14 người) và Pakistan.

Một người đàn ông Ấn Độ đã bị tàu hỏa đâm khi đang mải quay video bản thân đầu năm 2018. Ảnh chụp màn hình: Aditya Raj Verma/YouTube

Ở Nga, người dân đã rơi xuống từ những cây cầu và các tòa nhà cao tầng, tự bắn hoặc thậm chí tử vong trong khi xử lý một bãi mìn. Cảnh sát Nga đã phải ban hành một hướng dẫn "selfies mà không gặp nguy hiểm" vào năm 2015.

Tại Mỹ, hầu hết những người thiệt mạng liên quan đến selfie đã tự bắn vào mình trong khi tìm kiếm tư thế hoàn hảo cho bức ảnh "sống ảo". Một số người thậm chí đã trượt chân rơi xuống hẻm núi Grand Canyon nổi tiếng.

Các dịch vụ cứu hộ ở Croatia đã sử dụng trang xã hội Twitter để yêu cầu khách du lịch "ngừng chụp ảnh tự sướng một cách ngu ngốc và nguy hiểm" sau khi một người Canada sống sót một cách kỳ diệu sau cú ngã từ độ cao 75m ở khu vực hồ Plitvice.

Vào tháng 1, Gigi Wu hay Wu Chi-yun, nổi tiếng trên mạng xã hội Đài Loan với biệt danh "Bikini Hiker" (Cô gái mặc bikini leo núi) đã rơi xuống khe núi và chết cóng khi chụp ảnh tự sướng trên đỉnh núi mặc bộ đồ bikini mỏng manh. Khi đó cô mới 36 tuổi.

Tại Việt Nam, việc ngồi uống cà phê sát đường tàu, chụp ảnh, đi dạo trên tuyến đường sắt chạy qua khu dân cư trên địa bàn thủ đô Hà Nội thời gian gần đây trở thành thú vui mạo hiểm của không ít du khách quốc tế. Mọi người háo hức ghi lại khoảnh khắc đoàn tàu chạy qua. Với khoảng cách chỉ 0,4 mét so với tàu, họ có thể thu được những tấm hình rất độc đáo. Tuy nhiên, những tấm ảnh đó có thể đổi bằng tính mạng bất cứ lúc nào.

Sự chủ quan, vi phạm các quy định đảm bảo an toàn giao thông đường sắt này không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân mà còn ảnh hưởng tới trật tự giao thông đô thị và an toàn xã hội.

Khoảng cách giữa tàu với du khách rất gần, chỉ khoảng 0,4 mét. Ảnh: Kenh14.vn

Mạo hiểm chỉ để chụp ảnh

Ngay cả khi không gây tử vong, ảnh tự sướng có thể cực kỳ rùng rợn.

Vào năm 2014, một người phụ nữ Brazil đã khiến người dùng mạng xã hội nổi giận khi đăng một bức chụp ảnh tự sướng cô mỉm cười trước quan tài của ứng cử viên tổng thống Eduardo Campos tại tang lễ của ông.

Một “social media influencer” - người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, Sueli Toledo cũng gây xôn xao cộng đồng mạng khi cô đăng một bức ảnh lên trang Instagram cá nhân với chú thích: "Cách tôi diện đồ khi tham dự đám tang của một người bạn siêu thân thiết".

Selfies ở những nơi được coi là linh thiêng hoặc thần thánh - đặc biệt tại những đám tang - cũng có thể khiến người ta phải cau mày hay nhăn mặt.

Tại trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã ở Ba Lan, địa điểm được 2,1 triệu người ghé thăm mỗi năm, nhân viên bảo tàng không ngần ngại liên lạc với những người đăng ảnh tự sướng được cho là không phù hợp và buộc họ phải gỡ ảnh.

Từ Brazil đến Việt Nam và Đức, địa điểm những người gặp tai nạn khi chụp tự sướng thường là địa danh lịch sử.

Ngày càng nhiều ảnh selfies - ngay cả trong các thiên đường du lịch - gây phiền toái cho người dân địa phương.

Cư dân của tòa nhà đẹp như tranh vẽ ở Cremieux ở Paris đã rất băn khoăn trước dòng khách du lịch chụp ảnh tự sướng liên tục bên ngoài cửa sổ, đến nỗi họ bắt đầu tự lập một tài khoản Instagram riêng – clubcremieux – chỉ để đăng ảnh về những kẻ ngớ ngẩn nhất bên ngoài cửa sổ của họ.

Điều tương tự cũng xảy ra ở Hong Kong, nơi cư dân của khu chung cư Queland Bay đã phải đặt các biển cấm chụp ảnh selfie.

Tại Brazil, một số thanh niên đã gây xôn xao trên Facebook vào năm 2017 khi họ đăng những bức ảnh tự sướng mỉm cười giữa những hành khách xe buýt kinh hoàng đang ném mình xuống sàn trong một vụ nổ súng.

Đối mặt với sự điên rồ của những bức ảnh tự sướng bất tận trên các mạng xã hội, thành phố Vienna đã phát động một chiến dịch “cai nghiện” các thiết bị kỹ thuật số.

Bảo tàng Belvedere đã đưa ra một bản sao lớn của bức tranh kinh điển "The Kiss" của Gustav Klimt gần bản gốc và thêm một hashtag khổng lồ màu đỏ, để du khách có thể chụp ảnh selfie bên cạnh bản sao và thực sự nhìn vào tác phẩm nghệ thuật thực sự./.

Theo thoidai