leftcenterrightdel
 
 

Gia đình GS.TS Nguyễn Tài Sơn, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chỉ có cô con gái duy nhất là bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, 40 tuổi, đang công tác tại Bệnh viện E, đồng thời là giảng viên bộ môn Phẫu thuật Miệng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Chuyên ngành phẫu thuật hàm mặt và tạo hình vi phẫu ở Việt Nam có rất ít nữ bác sĩ theo đuổi bởi rất nặng nề và vất vả. Để có Tiến sĩ Hồng Nhung nổi bật trong lĩnh vực này là chặng đường với nhiều lần bất ngờ và xót xa của chính Giáo sư Sơn. 

“Ban đầu Nhung không muốn thi vào trường y, nhưng tôi khuyên là nên theo ngành rất nhân văn này”, vị giáo sư năm nay sắp bước sang tuổi 70 mở đầu câu chuyện với VietNamNet.

Bác sĩ Nhung đi học Y ở Nga, cứ nghỉ hè lại về Bệnh viện 108 thực tập công việc của một nhân viên y tế ở những “vai” khác nhau. Đầu tiên như một điều dưỡng viên đến thăm hỏi, đo nhiệt độ huyết áp cho bệnh nhân, năm sau về lại như một y tá, rồi bác sĩ phụ việc thăm khám, theo dõi bệnh nhân. Cứ từng bậc như vậy. 

leftcenterrightdel
 

Thời điểm đó, bác sĩ Nguyễn Tài Sơn đã được đồng nghiệp trong viện đánh giá là người có đôi tay làm vi phẫu tài tình vào hàng đầu không chỉ trong quy mô bệnh viện mà cả trong nước. Khuyên con theo nghề Y nhưng thời điểm đó, chưa bao giờ ông mong con theo chuyên ngành của ông, bởi “hay thì thật là hay, nhưng vất vả lắm”.

“Mỗi cuộc mổ về vi phẫu thuật kéo rất dài, thông thường là 7-8 tiếng, chưa kể những ca phức tạp thì kéo dài hơn nữa. Có thể kéo dài suốt ngày đêm, tới 22-24 tiếng liên tục, có nghỉ cũng chỉ 30 phút rồi chiến đấu tiếp”, Giáo sư Sơn nhớ lại.

Ngoài ra, theo dõi hậu phẫu rất quan trọng, thậm chí quyết định sự thành công của cả nhóm tạo hình vi phẫu. Việc theo dõi đó không chỉ ở dấu hiệu sống của bệnh nhân, mà còn dấu hiệu sống của vùng tổn thương (do cắt u, sẹo, biến dạng do chấn thương) và vạt tự do (vùng lành lặn lấy để bù đắp khuyết hổng tổn thương). Nếu vạt tự do sau ca mổ không tốt, bị hoại tử thì ca mổ hoàn toàn thất bại. Bệnh nhân sẽ chịu 2 lần tổn thương. 

Bởi thế, năm 2010, cô con gái 26 tuổi tốt nghiệp y khoa được bố khuyên nên làm phẫu thuật viên chuyên ngành Mắt bởi tính chất công việc nhẹ nhàng, phù hợp hơn với phụ nữ.

Nhưng bác sĩ Nhung từ bé là người vốn tính kiên định, ưa thử thách. “Sau khi cùng bố vào phòng mổ vi phẫu tham quan, được xem bố và đồng nghiệp thực hiện những ca mổ lớn, chắc lần đầu tiên trong đời được xem ca tạo hình trông có vẻ mới mẻ, phức tạp và được nhìn thấy những kết quả phẫu thuật làm thay đổi cả cuộc đời của con người, Nhung đã quyết định đi theo chuyên ngành này”, ông kể lại. 

Thực tế, bác sĩ Nhung từng vào làm ở ngành Mắt vẻn vẹn 30 ngày, rồi nhất định theo ngành tạo hình vi phẫu.

“Khi tôi nằng nặc đòi đi theo chuyên ngành vừa nặng vừa khổ này, bố nhất định phản đối, cứ bảo ‘con gái con đứa theo làm gì, sao con không chọn việc nhẹ nhàng phù hợp với con gái hơn?’. Bố tôi bảo ngành này đòi hỏi sức khỏe, mổ từ sáng tới chiều, bỏ bữa ăn là chuyện thường, nhất là những người phải đứng mũi chịu sào ca mổ lớn. Chưa kể phụ nữ còn phải lo con cái, gia đình. Mổ xong không phải là kết thúc công việc mà vẫn luôn phải đau đáu dõi theo bệnh nhân ngay cả khi đã về nhà, rồi tới đêm hôm khi có diễn biến gì bất thường là bác sĩ phải chạy vào với bệnh nhân”, bác sĩ Nhung tiếp lời câu chuyện. 

Nhưng bao sự phản đối của bố và mẹ (cũng là bác sĩ) cũng không thắng nổi tâm tình “trót yêu” của cô con gái “cành vàng lá ngọc” duy nhất. Đến bây giờ, sau hơn 12 năm từ ngày đó, bác sĩ Nhung thấm rõ và rất hiểu lời bố nói. “Công việc này có thể cứu sống và trả lại cuộc sống tốt đẹp cho rất nhiều người rơi xuống “vực sâu”, đó là điều kích thích tôi gắn bó với ngành tạo hình Vi phẫu và phẫu thuật hàm mặt vốn được cho rằng không dành cho phụ nữ”, chị nói.

“Có những ca, mổ xong ban ngày, nửa đêm có điện thoại của khoa Nhung lại phải chạy vào, chỉ kịp nói với gia đình phải vào viện cấp cứu bệnh nhân, có khi ở đó xử lý đến sáng”, bác sĩ Sơn kể. Nhưng chị chia sẻ: Nếu cho chọn lại, chị vẫn luôn chọn công việc này.  

leftcenterrightdel

Năm 2011, ở tuổi 27, bác sĩ Nhung bắt đầu theo học chuyên ngành phẫu thuật hàm mặt và tạo hình vi phẫu. Khi đó, bố của cô, Giáo sư Sơn, đã là bậc thầy trong lĩnh vực này với 26 năm kinh nghiệm. Nhưng chính vị chuyên gia hàng đầu này cũng thừa nhận: “Con gái lớn nhanh đến ngạc nhiên”.

Vị bác sĩ vẫn nhớ rõ những hôm con gái cùng các bạn thực hành nối mạch máu thông cả trưa. Nối mạch máu trên bụng chuột rất khó vì mạch máu bé xíu, đường kính dưới 1mm, chỉ bằng thân chiếc tăm giang tròn. Trong khi vỏ mỏng, cho giọt nước vào sẽ trong suốt, nhưng nếu không cho nước vào thì không thể phồng lên, hai thành vỏ xẹp dính vào nhau càng không thể luồn sợi chỉ vào nối. Khó thế nên không ít học viên bỏ cuộc. Ấy vậy mà bác sĩ trẻ Nguyễn Hồng Nhung khi ấy lại là một trong những học viên chinh phục thành công.

Giáo sư Sơn cũng nhớ rõ khoảnh khắc khiến ông nhận ra con gái vốn tưởng tiểu thư lại có thể theo được nghề ngoại khoa này. Kinh nghiệm của người gần 30 năm trong nghề như bác sĩ Sơn đánh giá, cơ bản nhất của “vi phẫu viên” là thực hành dưới kính hiển vi, bàn tay có run hay không. 

“Nếu phẫu thuật viên bị run, bình thường cầm dụng cụ mổ đã run rồi, nhưng dưới kính hiển vi với độ phóng đại cỡ 20 lần, nếu run tay thì tưởng như khuấy cháo, đánh tiết canh”, ông ví von. Khi phát hiện con gái chắc tay, gương mặt điềm tĩnh không lo lắng, ông tin đã tìm được “truyền nhân”. 

leftcenterrightdel
 

Sau những lần được bố hướng dẫn rồi thực hành dưới sự kèm cặp và độc lập khâu tốt, cứ thế đến bước lấy vạt tự do, bóc tách, lấy mạch, khâu nối…, nữ bác sĩ trẻ khiến “bố kiêm thầy” Nguyễn Tài Sơn ngạc nhiên vì sự trưởng thành. Dù công tác khác bệnh viện nhưng vì cùng ngành, bác sĩ Nhung và các đồng nghiệp của cô vẫn mời Giáo sư Nguyễn Tài Sơn đến viện hội chẩn, rồi mời ông mổ thị phạm để học hỏi. 

“Một thời gian vững vàng, bố đến giám sát cạnh để các bạn yên tâm thực hiện ca mổ, nếu khó hay vướng lại hỏi ngay tại ‘hiện trường’. Vài lần như thế, tôi cứ bên cạnh con và các bạn như thầy dạy lái xe. Khi thấy con tự tin rồi thì tôi yên tâm, để con tự lái”, ông nhớ lại. 

Những năm đầu để con độc lập, Giáo sư Sơn vẫn có thói quen theo dõi bước đường của con gái, biết lịch mổ mỗi ngày, mỗi tuần của con. “Hôm nào con mổ, tôi cũng canh giờ kết thúc, thấy muộn rồi mà chưa nhận được tin nhắn của con sẽ gọi điện hỏi. Thường thì con sẽ chuyển máy cho kỹ thuật viên nghe, luôn là câu hỏi ca mổ thế nào có khó khăn gì không, có cần bố tới giúp gì không”, ông nói. Có lẽ, chính sự kèm cặp sát sao và kỹ lưỡng từ bố, bác sĩ Nhung “cứng cáp” rất nhanh, thậm chí vượt ngoài hình dung của Giáo sư Sơn và các đồng nghiệp. 

Là người cùng ngành, chuyện đưa ca bệnh về nhà thảo luận với hai bố con bác sĩ Sơn là rất bình thường. Những ca hay và cả những ca chưa ổn đều được “mổ xẻ”. “Con gái không ngại hỏi và cãi”, vị giáo sư hóm hỉnh kể về cô con gái cá tính được ông yêu chiều nhưng cũng rất nghiêm khắc. 

leftcenterrightdel
 

Một thói quen được hai bố con Giáo sư Sơn thực hiện từ hơn 10 năm nay đó là chụp ảnh gửi tin ngay sau khi ca mổ kết thúc. “Tôi có thói quen chụp ảnh vạt tự do được lấy và vùng tổn thương khuyết hổng được can thiệp sau ca phẫu thuật. Bố là người đầu tiên nhận những hình ảnh đó”, bác sĩ Nhung chia sẻ. Nhiều lần, canh giờ con gái xong nhưng chưa thấy con gửi ảnh, vị giáo sư chủ động nhắn tin “giục”. Nhận tin nhắn của con, nhìn thấy kết quả tốt, ông yên tâm, từ tốn trả lời ngắn gọn: ‘Được đấy!’, hoặc hào phóng hơn, ông khen con: ‘Gọn gàng, sạch’, bác sĩ Nhung vui vẻ “khoe”. 

leftcenterrightdel
 

Ở tuổi gần 70, với khoảng 40 năm kinh nghiệm, là thầy của nhiều thế hệ chuyên gia phẫu thuật, tạo hình trong cả nước, hiện đã nghỉ công tác, Giáo sư Sơn vẫn giữ thói quen quan sát như con gái và đồng nghiệp thế hệ trẻ làm vi phẫu. Khắt khe, tiết kiệm lời khen với con gái nhưng khi bắt gặp hình ảnh ở đâu đó của đồng nghiệp thực hiện tốt vạt khâu, ông liền nhắn tin động viên dù không biết người đó là ai, công tác tại đơn vị nào. Ông thầm tự hào vì sự phát triển của chuyên ngành này, dù thực tế hiện rất ít bác sĩ trẻ thiết tha dấn thân vào.

“Các chuyên gia quốc tế đánh giá tay nghề, kỹ thuật tạo hình vi phẫu của thầy thuốc Việt Nam không kém cạnh ai, sánh ngang các trung tâm lớn ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tại các hội nghị khoa học uy tín quốc tế với hàng nghìn chuyên gia trong lĩnh vực này tham dự, các bài báo cáo, hoặc các hình ảnh gửi, kết quả của thầy thuốc Việt còn được xem là mỹ mãn hơn”, vị giáo sư tự hào chia sẻ.  

Sự phát triển đó theo ông có được là nhờ khả năng tiếp thu kỹ thuật tiên tiến thế giới, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật và làm việc nhóm rất hiệu quả của thế hệ trẻ. “Điều này khác hẳn ngày trước chúng tôi, cá nhân chịu trách nhiệm là chính”, ông nói. 

Chia sẻ sâu thêm về những ứng dụng công nghệ số, kỹ thuật số vào phẫu thuật hàm mặt và tạo hình vi phẫu, bác sĩ Nhung tự hào về mô hình phẫu thuật ảo mà nhóm của chị là một trong số những người tiên phong. 

Theo vị bác sĩ, với việc tạo hình những khuyết hổng tổn thương, sử dụng kỹ thuật số đem lại độ chính xác cao để đạt chức năng thẩm mỹ. Ví dụ, trường hợp bệnh nhân phải cắt bỏ xương hàm, những phim chụp 2D ngày trước sẽ không thể hỗ trợ tối đa cho bác sĩ bằng chụp phim dựng hình 3D như ngày nay. Nhóm bác sĩ cũng lập một ê-kíp phẫu thuật ảo trước khi chính thức vào cuộc mổ thực. Ê-kíp này gồm người lấy số liệu, người lấy hình ảnh bệnh nhân, dựng hình 3D rồi đưa ra phương pháp mổ dựa trên việc số hóa thiết kế đường cắt u, đo đạc, tính toán vùng khuyết hổng. 

“Trước đây, tạo hình khuyết hổng cần dựa vào kinh nghiệm của kỹ thuật viên. Ví dụ để cắt tổ chức một bên xương hàm khuyết hổng, bác sĩ phải đo phần nối riêng và tạo hình đối xứng. Độ chính xác chỉ tương đối. Với sự hỗ trợ của kỹ thuật số, khi cắt xong trên phần mềm ảo có thể dựng hình lại khuôn mặt hoàn hảo, từ đó tính toán khoảng cách, khuyết hổng để in ra được hình ảnh chuẩn xác, phục vụ ca phẫu thuật cắt xương thực tế sau đó”, bác sĩ Nhung phân tích. 

Nhận định sự vượt trội của thế hệ nối tiếp, bác sĩ Sơn khẳng định: “Bệnh nhân dù mất nửa hoặc gần cả xương hàm nhưng khuôn mặt sau mổ gần như không thay đổi. Hơn nữa, khớp cắn được giữ tốt nên phục hình răng sau mổ rất thuận lợi. Bệnh nhân đeo răng giả, sẹo mổ mờ đi, khó phát hiện vừa qua cuộc đại phẫu”.

Theo vietnamnet