Các nữ bác sỹ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 lên đường sang nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (15/10/2018). (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
“Bất kỳ người dân nào mang dòng máu Việt Nam, dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, cũng đều nên tự hào và vui mừng vì đất nước không còn chiến tranh, giang sơn thống nhất. Những thế hệ sinh ra mà chưa thể cảm nhận được chiến tranh là gì, đặc biệt là những thế hệ sinh ra sau ngày 30/4/1975, khi nhìn vào những gì đang diễn ra trên thế giới lại càng phải biết ơn những thế hệ đi trước đã hy sinh để đất nước được như ngày hôm nay” - đó là khẳng định của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên của Trung tâm Tương lai Chính sách, Đại học Queensland (Australia), trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney nhân kỷ niệm 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, nếu tính thời gian Việt Nam có hòa bình thực sự và không còn chiến tranh để tập trung xây dựng lại và phát triển đất nước là hơn 35 năm, kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới (từ năm 1986). Trong khoảng thời gian không dài đó, Việt Nam đã đạt được rất nhiều kỳ tích.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải nêu rõ Việt Nam tiếp tục giữ vững và bảo vệ được chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Công cuộc Đổi mới và những thành quả của công cuộc này có ý nghĩa lịch sử không chỉ với Việt Nam mà còn góp phần kiến tạo hòa bình và sự phát triển chung của khu vực và thế giới, là một mô hình phát triển mà nhiều nước kém và đang phát triển khác có thể tham khảo.
Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp và đang phấn đấu đến năm 2025 - thời điểm kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (tổng sản phẩm quốc nội-GDP- bình quân đầu người ước đạt 4.700-5.000 USD/năm).
Không chỉ đạt được những tiến bộ trong công cuộc phát triển và xây dựng đất nước, theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, Việt Nam còn gặt hái được khá nhiều thành tựu trong quan hệ đối ngoại với các nước trên thế giới.
Vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày một nâng cao và có ảnh hưởng. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với khoảng 190 nước thành viên Liên hợp quốc; có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các đối tác quan trọng hàng đầu; là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương; hai lần đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; hai lần đảm nhiệm cương vị chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); trúng cử vào nhiều cơ chế của Liên hợp quốc; tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế.
Việt Nam đã mở rộng được các mối quan hệ đối ngoại song phương với chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nước có thể chế chính trị và chế độ kinh tế-xã hội khác nhau, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Điều này cho thấy ý thức trách nhiệm của Việt Nam với sự nghiệp và tương lai chung của nhân loại.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường hội nhập khu vực, quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương. Việc tăng cường hội nhập sâu với khu vực và thế giới, chủ động và tích cực tham gia các cơ chế đa phương ở mọi cấp độ đã nâng cao được vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề có lợi ích không chỉ đối với Việt Nam mà còn với cả khu vực và thế giới, thể hiện đúng với chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước rằng Việt Nam không chỉ là bạn và đối tác tin cậy mà còn là “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.”
Dưới góc nhìn của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, trong hơn 3 thập kỷ thực hiện công cuộc Đổi mới, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực vào việc tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.
Từ công cuộc Đổi mới cho đến nay, đóng góp thiết thực của Việt Nam vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và thế giới thể hiện qua quan điểm về các vấn đề an ninh và hòa bình trong khu vực và trên thế giới, cách hành xử trong giải quyết tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ trên Biển Đông.
Những đóng góp này đều được khẳng định đặc biệt qua hai lần Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Dấu ấn nổi bật về đóng góp của Việt Nam trong gìn giữ hòa bình, ổn đinh, an ninh khu vực và trên thế giới là sự tham gia của Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Tinh thần và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế còn được thể hiện trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Việt Nam đã hỗ trợ và viện trợ trang thiết bị y tế cho hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế dù Việt Nam cũng đang gặp khó khăn và chưa phải là một nước phát triển cao.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam triển khai hoạt động tại Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Hải Linh/TTXVN)
Chính sách này đã góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam, thể hiện rõ tinh thần nhân văn và trách nhiệm với cộng đồng thế giới. Đặc biệt, mới đây Việt Nam đã cử lực lượng cứu hộ sang Thổ Nhĩ Kỳ để giúp đỡ nước này khắc phục hậu quả vụ động đất vừa qua.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh người dân Việt Nam luôn tự hào về những bước chuyển mình mạnh mẽ, tích cực của đất nước. Đặc biệt, người Việt Nam dù sống ở nước ngoài nhưng trái tim và khối óc vẫn luôn hướng về Tổ quốc và có nhiều đóng góp dưới nhiều hình thức cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, ghi nhận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài "là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc."
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, không chỉ đóng góp về kinh tế, đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài cũng có nhiều đóng góp cho đất nước trong việc xây dựng chính sách liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng như nguồn nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cũng chỉ ra rằng Kết luận số 12 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ “công tác người Việt Nam ở nước ngoài còn một số hạn chế....; chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của đồng bào ta ở nước ngoài.”
Vì vậy, ông gợi hai giải pháp. Thứ nhất, việc tranh thủ trí tuệ đóng góp của trí thức kiều bào cần được xem xét ở mọi góc độ và trong mọi chương trình có sự hợp tác với nước ngoài, trừ trường hợp bất khả kháng.
Cụ thể là khi triển khai hợp tác ở một lĩnh vực cụ thể với đối tác nước ngoài, các cơ quan/tổ chức của Việt Nam nên đặt vấn đề ưu tiên có sự tham gia của chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực đó. Điều này mang nhiều ý nghĩa.
Thứ hai, theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, chính phủ nên cân nhắc lập quỹ và phân bổ ngân sách hằng năm dành riêng cho những nghiên cứu và thực nghiệm của trí thức kiều bào ở các lĩnh vực, kể cả trong các lĩnh vực mang tầm chiến lược về khoa học-kỹ thuật và đối ngoại.
Cơ chế này nên để một ủy ban chuyên trách của Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan của Chính phủ và có báo cáo giải trình trước Quốc hội hằng năm.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải bày tỏ tin tưởng rằng nếu làm tốt hai việc này, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều hơn nữa trí tuệ và đóng góp của trí thức kiều bào cho sự phát triển của đất nước và hoàn thành được 3 mục tiêu phát triển đất nước từ nay đến năm 2045, cũng như hoàn thành được ước nguyện của Bác Hồ kính yêu là Việt Nam sẽ sánh vai với các cường quốc không chỉ về quan hệ ngoại giao thuần túy mà cả ở trình độ phát triển và vị thế quốc tế./.
Theo TTXVN/Vietnam+