Sáu tháng trước, Ấn Độ chìm sâu trong cuộc khủng hoảng y tế. Ngay cả những bệnh nhân diễn biến nặng vì mắc Covid-19 cũng không được điều trị vì các bệnh viện quá tải. Đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu ngã gục vì kiệt sức.

Khi đó, virus lan rộng trong các khu ổ chuột đông đúc vốn là nơi sinh sống của hàng triệu người nghèo nhất Ấn Độ.

Nhưng giờ đây, tình hình đã khác. Số ca nhiễm mới giảm từ đỉnh 90.000 ca/ngày vào tháng 9/2020 xuống còn khoảng 10.000 ca/ngày trong tháng 2. Hôm 9/2, lần đầu tiên sau 9 tháng, thủ đô New Delhi không ghi nhận ca tử vong vì Covid-19, theo CNN.

Diễn biến gây ngạc nhiên


Điều khiến không ít chuyên gia y tế sửng sốt là thay đổi trong diễn biến dịch bệnh lại không xuất phát từ những biện pháp chống dịch mạnh tay, theo CNN.

Hiện nay, chính phủ Ấn Độ vẫn thực thi một số biện pháp giãn cách xã hội nhất định và chật vật hỗ trợ các bệnh viện quá tải. Tuy nhiên, nền kinh tế đã tái mở cửa, di chuyển nội địa được khôi phục, phần lớn người dân trở lại với cuộc sống thường nhật.

Dịch bệnh chuyển biến cũng không nhờ vào vaccine. Ấn Độ chỉ mới khởi động chương trình tiêm chủng, mục tiêu là đạt 300 triệu dân được tiêm chủng vào tháng 8. Theo Our World In Data, tỷ lệ tiêm chủng ở Ấn Độ lúc này mới chỉ đạt 1 liều vaccine/100 dân.

Các chuyên gia cho rằng có một số yếu tố đằng sau hiện tượng các ca nhiễm mới ở Ấn Độ giảm mạnh, như đặc điểm độ tuổi dân số, và khả năng virus lan rộng dẫn tới một bộ phận lớn cư dân đã mang trong mình kháng thể.


                                                                                                                  Cuộc sống thường nhật đã trở lại ở Ấn Độ. Ảnh: Getty.


Tuy nhiên, không loại trừ khả năng số ca nhiễm được ghi nhận không phản ánh thực tế. Tỷ lệ xét nghiệm ở Ấn Độ đã giảm xuống, đồng nghĩa sẽ có thêm những ca nhiễm bệnh không được phát hiện.

Vào tháng 9/2020, Ấn Độ tiến hành hơn 1 triệu ca xét nghiệm mỗi ngày. Tới tháng 2, con số này giảm xuống chỉ còn 600.000-800.000 xét nghiệm mỗi ngày, theo Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ.

Trong tháng 1, tỷ lệ xét nghiệm dương tính là gần 6%, rồi giảm nhẹ xuống trên 5% vào cuối tháng 2.

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia chỉ nên bắt đầu mở cửa khi có tỷ lệ xét nghiệm dương tính dưới 5% trong 2 tuần liên tiếp.

Một số chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm thấp là lý do để cẩn trọng thay vì ăn mừng, và người dân không được mất cảnh giác, đặc biệt khi các biến chủng mới với khả năng phát tán mạnh hơn liên tiếp xuất hiện và đang lan rộng toàn cầu.

Ca nhiễm mới giảm vì đã có quá nhiều người mắc bệnh


Một trong các nguyên nhân giúp làm giảm số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Ấn Độ là ngày càng có nhiều người mang kháng thể, bởi đã có "quá nhiều người bị lây nhiễm", theo ông Shahid Jameel, giám đốc Trường Khoa học Sinh học Trivedi, thuộc Đại học Ashoka.

Theo một nghiên cứu của nhóm khoa học người Mỹ mới được công bố trên tạp chí Science, cơ thể người từng nhiễm virus corona sẽ tự sản sinh kháng thể, giúp bệnh nhân được bảo vệ trong ít nhất 8 tháng.

Tính đến ngày 27/2, Ấn Độ ghi nhận hơn 11,1 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 157.000 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.

Theo các khảo sát huyết thanh toàn quốc, xét nghiệm cho thấy số người mang kháng thể virus corona trong máu tăng mạnh ở nhiều khu vực trên khắp Ấn Độ.


                                                                                         Số người mắc Covid-19 ở Ấn Độ được cho là quá lớn khiến bộ phận không nhỏ cư dân đã có kháng thể. Ảnh: Getty.


Hai cuộc khảo sát mới nhất vào tháng 12/2020 và tháng 1 cho thấy tỷ lệ xét nghiệm dương tính với kháng thể là gần 22%, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn tháng 8-9 năm 2020.

Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở các khu đô thị đông đúc. Khảo sát trong tháng 8-9/2020 cho thấy hơn 50% cư dân ở các khu ổ chuột tại Mumbai có kháng thể, đồng nghĩa họ đã nhiễm virus trước đó.

Tới tháng 1, kết quả xét nghiệm huyết thanh cho thấy hơn 50% cư dân ở thủ đô New Delhi có kháng thể virus corona.

Chuyên gia y tế cộng đồng Hermant Shewade tin rằng số ca lây nhiễm sẽ giảm đáng kể ở các thành phố lớn bởi tỷ lệ người miễn dịch đã ở mức cao.

Dù vậy, Ấn Độ còn lâu mới đạt tới miễn dịch cộng đồng. Ở các thành phố lớn, số người miễn dịch có thể đã đủ lớn để làm chậm tốc độ lây nhiễm.

Nhưng miễn dịch cộng đồng đòi hỏi phần lớn cư dân cả nước phải được miễn dịch, thông qua tiêm chủng hoặc hồi phục sau khi đã mắc bệnh.

Với số dân khổng lồ 1,4 tỷ người, số ca mắc bệnh đã được ghi nhận ở mức hơn 11,1 triệu - chưa đến 1% tổng dân số Ấn Độ.

"Miễn dịch cộng đồng không phải điều chúng ta có thể cân nhắc trên phạm vi toàn quốc", Giám đốc Jameel nói.

Tỷ lệ xét nghiệm dương tính với kháng thể có sự khác biệt giữa các khu vực. Bên ngoài các thành phố lớn, tỷ lệ này ở các vùng nông thôn thấp hơn nhiều, ông Jameel cho biết.

Miễn dịch cộng đồng cũng khó lòng đạt được ngay cả khi đã tính tới số ca lây nhiễm không được phát hiện.

"Số người đã nhiễm bệnh có thể dao động từ 150 triệu tới 900 triệu. Khoảng 350 triệu đến 400 triệu là tính toán hợp lý nhất", ông Jameel nhận định, dựa vào các kết quả điều tra kháng thể trước đó.

Tuy nhiên, con số này chỉ ở mức 1/4 dân số Ấn Độ. Ngay cả nếu thực sự số người từng nhiễm virus đã lên đến 900 triệu - tương đương 65% dân số, điều rất ít có khả năng xảy ra - con số này vẫn chưa đủ để giúp đạt miễn dịch cộng đồng.

Theo ông Adar Poonawalla, Tổng giám đốc Viện Y dược Serum - nhà sản xuất vaccine lớn nhất cả nước, Ấn Độ sẽ không thể có miễn dịch cộng đồng trong nhiều năm nữa.

"Miễn dịch cộng đồng chỉ tới khi 90% dân số miễn dịch, có nghĩa là sau 3-4 năm nữa", ông Poonawalla cho biết.

Dân số trẻ và đa phần ở nông thôn


Dân số tương đối trẻ của Ấn Độ có thể là một nguyên nhân khác lý giải cho chiều hướng dịch bệnh hiện nay. Bệnh nhân trẻ tuổi mắc Covid-19 thường chỉ có triệu chứng nhẹ, đôi khi không có triệu chứng, và tỷ lệ tử vong thấp.

Theo thống kê mới nhất, 50% dân số Ấn Độ ở độ tuổi từ 25 trở xuống, trong khi số người dưới 35 tuổi chiếm 65% dân số.

"Dân số trẻ có nghĩa phần lớn các ca lây nhiễm không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ sẽ không được xét nghiệm, vì vậy không được ghi nhận", ông Jameel nói.

Giám đốc Jameel cũng đưa ra giả định rằng môi trường sống không mấy sạch sẽ ở Ấn Độ vô tình giúp người dân nước này hưởng lợi.

Chuyên gia này cho rằng môi trường sống quá sạch sẽ khiến con người phát triển hệ miễn dịch không đủ mạnh. Trong khi đó, tại những nơi thường xuyên đối mặt với các bệnh truyền nhiễm như Ấn Độ, hệ miễn dịch bẩm sinh của con người sẽ mạnh hơn, qua đó giúp giảm nhẹ các triệu chứng khi mắc Covid-19.

                                                                                                                    Cảnh sát Ấn Độ đội mũ hình virus chặn người vi phạm biện pháp hạn chế phòng dịch. Ảnh: AFP.


Địa lý cũng đóng vai trò trong diễn biến dịch bệnh hiện nay, theo ông Raman Gangakhedkar, cựu giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ.

"Khoảng 70% cư dân Ấn Độ sống ở nông thôn, đó là nơi điều kiện thông gió tốt hơn, mật độ dân cư thấp hơn. Người dân ở nông thôn không di chuyển bằng xe bus hay tàu, mạng lưới giao thiệp cũng hẹp hơn. Nguy cơ mắc bệnh của họ thấp hơn so với người ở khu vực thành thị", ông Gangakhedkar nhận xét.

Dĩ nhiên, các nỗ lực phòng chống dịch bệnh của chính phủ Ấn Độ cũng cần được xét tới.

Nhà chức trách đã áp đặt phong tỏa chặt trong vài tháng cuối mùa xuân. Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa lại được dỡ bỏ trước khi số ca nhiễm mới mỗi ngày đạt đỉnh vào tháng 9/2020.

Không thể chủ quan


Các chuyên gia cảnh báo dù số ca nhiễm mới giảm mạnh là tín hiệu hứa hẹn, người dân không thể chủ quan hay phán đoán chỉ dựa vào số liệu được công bố.

Số ca nhiễm ít hơn có thể bởi không thực hiện đủ xét nghiệm, hoặc nhà chức trách mắc sai sót trong thu thập và báo cáo số liệu. Số liệu người tử vong cũng đang được kiểm tra lại.

"Ở Ấn Độ, có những nơi dữ liệu thu được không đáng tin cậy. Chúng ta không nên tuyên dương những nơi báo cáo ít ca nhiễm bệnh. Tình hình không hề tích cực ở những bang như Bihar. Họ chỉ đơn giản là không ghi nhận, báo cáo đủ các ca nhiễm bệnh hay tử vong", bác sĩ Hemant Shewade cho biết.

Và tổng số ca nhiễm mới trên cả nước giảm không có nghĩa tình hình đang được cải thiện ở mọi khu vực.


                                                                                                              Các chuyên gia cảnh báo diễn biến dịch bệnh có thể đảo chiều bất cứ lúc nào. Ảnh: AFP.


Bang Maharashtra đang chứng kiến số ca nhiễm mới gia tăng trở lại. Hôm 19/2, bang này đã phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới, trong đó có yêu cầu cách ly tại nhà, phạt nặng người không đeo khẩu trang, phong tỏa những tòa nhà có trên 5 người mắc bệnh.

Các chuyên gia lo ngại số ca nhiễm mới thấp có thể tạo ra tâm lý an toàn sai lệch trước khi dịch bệnh thực sự chấm dứt. Hiện còn quá sớm để dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, đặc biệt khi các biến chủng mới đang lây lan mạnh trên thế giới.

"Đã bắt đầu có sự chủ quan. Trong thời gian đầu, vaccine sẽ chỉ được cấp cho một số nhóm nhất định. Nếu một biến chủng lây lan mạnh bắt đầu lây nhiễm trong cộng đồng, tình hình sẽ thay đổi rất nhanh", ông Jameel cảnh báo.

Tới nay, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 180 ca nhiễm biến chủng virus mới có nguồn gốc từ Anh, cùng một số ca nhiễm biến chủng Nam Phi và Brazil. Giám đốc Jameel cảnh báo vượt qua đỉnh dịch không có nghĩa Ấn Độ sẽ an toàn khi làn sóng dịch bệnh tiếp theo ập đến.

Theo  Zing