leftcenterrightdel
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh. (Nguồn: VOV) 

Đánh giá về chuyến thăm của Thủ tướng Sonexay Siphandone và Phu nhân tới Việt Nam từ 6-7/1, Đại sứ Khamphao Ernthavanh khẳng định, Lào và Việt Nam là láng giềng tốt, có núi sông liền một dải, cùng nương tựa vào dãy Trường Sơn bằng mối quan hệ to lớn, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân các dân tộc hai nước.

Mối quan hệ này được xây dựng bằng sự cống hiến của các Lãnh đạo cấp cao của hai dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong và được các thế hệ lãnh đạo tiếp sau không ngừng vun đắp. Quan hệ song phương rõ ràng đã trở thành quy luật phát triển. Hai bên đã giúp đỡ, động viên, hỗ trợ lẫn nhau, dù là trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước trước đây hay trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước hiện nay.

Trên nền tảng mối quan hệ đặc biệt này, Đại sứ Khamphao Ernthavanh khẳng định, chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau khi nhậm chức Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của đồng chí Sonexay Siphandone cùng Phu nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là sự coi trọng cao nhất của Đảng, Nhà nước Lào cũng như cá nhân đồng chí Sonexay Siphandone với Việt Nam, đồng thời khẳng định mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào sẽ tiếp tục ổn định.

Đại sứ Khamphao Ernthavanh cho biết, nhân dịp này, Thủ tướng hai nước sẽ có hội đàm và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào để thảo luận, đánh giá lại mối quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước. Lãnh đạo Chính phủ hai nước cũng thảo luận những chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân hai nước, tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trên nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế.

Hai nước khẳng định dù tình hình khu vực và quốc tế có phức tạp đến đâu, cũng có những cơ hội và thách thức, nhưng hai nước Lào - Việt Nam vẫn dành ưu tiên cao nhất cho việc bảo vệ và mở rộng hơn nữa mối quan hệ đặc biệt mà hai nước coi là tài sản quý giá, di sản tiếp nối cho thế hệ mai sau, bà Khamphao Ernthavanh nhấn mạnh.

Nữ Đại sứ Lào tại Hà Nội Khamphao Ernthavanh, chia sẻ, tình hình thế giới và khu vực hiện nay đang diễn biến phức tạp và khó lường đã tác động tiêu cực đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó có hai nước Lào, Việt Nam. Nhưng dưới sự lãnh đạo quyết liệt của hai Đảng, hai Nhà nước, các bộ, ngành, tổ chức, địa phương và doanh nghiệp hai nước đã phối hợp, tích cực tổ chức triển khai Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030, đạt được những kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực như chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và trên các lĩnh vực khác, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo hòa bình và an ninh của mỗi nước.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2023). (Nguồn: TTXVN)

Bà Khamphao Ernthavanh đánh giá cao những thành tựu to lớn mà hai nước đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong hợp tác kinh tế, các bộ, ngành liên quan của hai bên có sự phối hợp tích cực. Hai bên đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quản lý, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều dự án lớn của doanh nghiệp Việt Nam (điện, khai khoáng, nông nghiệp) đang triển khai tại Lào đã và đang mang lại những kết quả tích cực, hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn người, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đại sứ Khamphao Ernthavanh cho rằng, để hợp tác kinh tế hai nước ngày càng phát triển hiệu quả trong thời gian tới, các bộ, ngành hai nước cần tiếp tục triển khai có hiệu quả những kế hoạch, chương trình hợp tác đã được ký kết, đảm bảo hợp tác cùng có lợi. Doanh nghiệp hai nước nên tăng cường hợp tác, kết nối với nhau bằng việc tổ chức hội thảo chung để chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu tiềm năng hợp tác trong kinh doanh nhằm thúc đẩy, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn.

 Với tư cách là Đại sứ Lào tại Việt Nam, cùng với thúc đẩy hợp tác về kinh tế, Đại sứ Khamphao Ernthavanh khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy các bên liên quan của hai nước thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như các văn kiện hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước, giữa các bộ ngành Trung ương và địa phương mà hai nước đã ký kết trong những năm qua. Những văn bản không còn phù hợp, hai bên sẽ cùng nhau sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác song phương. Thúc đẩy tăng cường hợp tác chính trị ngày càng chặt chẽ và sâu sắc hơn bằng việc tiếp tục chú trọng phối hợp, hợp tác với các cơ quan, địa phương hai nước trong các vấn đề mang tính chiến lược, thường xuyên trao đổi thông tin với nhau ở các cấp, qua kênh Đảng, Nhà nước, tổ chức quần chúng với nhiều hình thức, mô hình được chú trọng để đạt hiệu quả cao hơn, nữ Đại sứ nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone dự Lễ tổng kết Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 2022. (Nguồn: TTXVN) 

Đồng thời, Đại sứ Lào tại Việt Nam khẳng định, hai nước sẽ tiếp tuc tăng cường phối hợp với các bên liên quan hai nước trong hợp tác quốc phòng - an ninh để cùng ứng phó với những thách thức mới, chú trọng phối hợp triển khai các văn kiện mà hai Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hai nước đã ký kết; chú trọng cải thiện đường bộ và các cửa khẩu quốc tế ở hai nước để đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, nhân sự, hệ thống khai báo thuế để tạo thuận lợi cho hàng hóa qua lại, tiết kiệm chi phí vận chuyển; liên kết cơ sở hạ tầng, du lịch, hợp tác năng lượng, nông nghiệp sạch mà hai nước có tiềm năng, làm cơ sở quan trọng cho hội nhập khu vực và là động lực phát triển kinh tế Lào và Việt Nam trong tương lai. Tiếp tục đảm bảo các cơ chế phối hợp ngày càng hiệu quả hơn giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế nhằm đạt được sự thống nhất cao trong việc đưa ra quan điểm về mọi vấn đề.

Đại sứ Khamphao đồng thời cho biết, sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào - Việt trong các tầng lớp nhân dân và thanh niên hai nước; tiếp tục hợp tác với các bên liên quan chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận Vườn Quốc gia Hỉn Nảm-nò (Lào) là di sản thiên nhiên xuyên biên giới mở rộng của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam).

Chia sẻ về những ưu tiên của Lào trong năm Chủ tịch ASEAN, Đại sứ Khamphao Ernthavanh cho biết, với chủ đề “ASEAN: Tăng cường kết nối và khả năng phục hồi”, các ưu tiên trong vai trò Chủ tịch ASEAN của Lào năm 2024 sẽ gồm hai nhóm. Nhóm 1, với phương châm “Tăng cường kết nối”, chúng tôi có 4 ưu tiên: hội nhập và hòa nhập kinh tế; xây dựng một tương lai toàn diện và bền vững; chuyển đổi hướng tới tương lai kỹ thuật số; phát huy vai trò của văn hóa nghệ thuật trong ASEAN một cách tổng thể và bền vững.

Nhóm 2, với phương châm “Nâng cao khả năng phục hồi”, với 5 ưu tiên, đó là: xây dựng 4 kế hoạch chiến lược thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045; tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN; thúc đẩy hợp tác về môi trường; phụ nữ và trẻ em; y tế cộng đồng.

Theo baoquocte