|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Tiến sỹ Rajaram Panda, nghiên cứu viên cao cấp tại Bảo tàng và thư viện tưởng niệm Nehru, cơ quan tư vấn trực thuộc Bộ Văn hóa Ấn Độ, mới đây đã có bài phân tích đăng trên Á-Âu (Eurasia-Review) về chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Singapore từ ngày 8-10/2.
Theo chuyên gia Panda, kể từ khi Việt Nam và Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 1/8/1973, đã có một số chuyến thăm song phương của các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu.
Trong cuộc gặp trước thềm Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại thủ đô Washington ngày 12/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhất trí thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và duy trì các cơ chế hợp tác song phương.
Hai nhà lãnh đạo đã đạt được nhất trí tiếp tục hợp tác phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, bao gồm thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ chiến lược giữa hai nước vào năm 2023.
Do vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore lần này là sự tiếp nối của sự hiểu biết đó.
Chuyên gia Panda nhấn mạnh Việt Nam và Singapore chia sẻ mối quan hệ song phương tốt đẹp, được củng cố bởi Hiệp định Đối tác Chiến lược được ký kết hồi tháng 9/2013 trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Mối quan hệ kinh tế của hai nước rất mạnh mẽ, với thương mại song phương tăng trưởng đều đặn trong thập niên qua.
Mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 nhưng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore vẫn tăng trưởng tích cực, đạt 8,3 tỷ USD năm 2021, tăng hơn 23% so với năm 2020 và hơn 783 triệu USD vào tháng 1/2022.
Singapore là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại ASEAN với 2.866 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký 67,5 tỷ USD.
Các nhà đầu tư Singapore tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng cho 13 khu công nghiệp tại Việt Nam, với tổng diện tích khoảng 7.517ha.
Các khu công nghiệp này đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy cao (bình quân 83,2%), thu hút gần 1.000 dự án, trong đó hơn 80% là dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 18,1 tỷ USD.
Hợp tác kinh tế là nền tảng của quan hệ song phương Việt Nam-Singapore.
Các công ty Singapore coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Singapore đánh giá Việt Nam trải qua quá trình tăng trưởng và phát triển nhanh chóng kể từ khi bắt đầu chương trình Đổi mới năm 1986 và Việt Nam liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao.
Với gần 100 triệu dân số trẻ và chăm chỉ, Việt Nam có vị thế thuận lợi để trở thành động lực chính cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế trong khu vực.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới năm 2021 đạt tăng trưởng kinh tế dương trong bối cảnh đại dịch. Điều này cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực năm 2022.
Theo chuyên gia Panda, các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Singapore bao gồm đổi mới sáng tạo, năng lượng xanh, kinh tế số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa kết nối của hai nền kinh tế lên một tầm cao mới “kết nối trên nền tảng số” thông qua việc triển khai hiệu quả “Bản ghi nhớ về hợp tác vận hành trong nền kinh tế số.”
Ngoài ra, hai nước còn hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân; tìm kiếm động lực phát triển mới, nhất là trong các lĩnh vực Singapore có thế mạnh, Việt Nam có tiềm năng đã được xác định.
Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số, ví dụ trong lĩnh vực thu thuế, ngân hàng, quản lý dân cư cũng như hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng học bổng cho cán bộ quản lý các cấp tại Việt Nam là những lĩnh vực hợp tác phát triển giữa hai nước.
Hiện có khoảng 13.000 người Việt Nam tại Singapore đang học tập và làm việc tại Singapore.
Về chính sách đối ngoại, hai nước đang trao đổi liên tục về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm.
Hai bên nhấn mạnh ASEAN cần kiên định lập trường về Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Đây là cơ hội tốt để cả Việt Nam và Singapore thúc đẩy đoàn kết nội khối nhằm giải quyết các thách thức an ninh ở Biển Đông, vấn đề Myanmar, kinh tế (đặc biệt là chuỗi cung ứng và tái cơ cấu), phát triển bền vững và chuyển đổi số để đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định ở khu vực vì lợi ích của mỗi nước và của khối ASEAN.
Chuyên gia Panda nhận định cả Việt Nam và Singapore đều có nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác hơn nữa.
Thúc đẩy hợp tác và quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và ASEAN cùng là lĩnh vực mà cả hai quốc gia ASEAN này có thể tìm kiếm lợi ích chung.
Trong bối cảnh khu vực rộng lớn hơn, hợp tác ba bên giữa Ấn Độ, Việt Nam và Singapore có thể là một cơ chế mới bổ sung cho những cơ chế hiện có về các vấn đề như an ninh hàng hải và cung cấp hỗ trợ logistics đảm bảo có thể khai thác lĩnh vực hàng hải./.
Theo vietnamplus