Greta Thunberg phát biểu tại Liên Hiệp Quốc ngày 23-9
Nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Greta Thunberg tiếp tục trở thành tâm điểm tranh cãi khi mạng xã hội lan truyền một bức ảnh cho rằng cô chụp cùng thành viên tổ chức khủng bố IS.
Cô bé 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg gần đây nổi lên như một "hiện tượng" trong công cuộc đấu tranh vì môi trường, đặc biệt là sau bài phát biểu công khai chỉ trích lãnh đạo thế giới ngày 23-9 vừa qua.
Song song với đó, Greta Thunberg cũng thường xuyên trở thành tâm điểm tranh cãi, mới đây nhất là những bức ảnh khiến cô bị chỉ trích nặng nề.
Theo một bài viết gần đây đăng trên trang Snopes chuyên xác minh và làm rõ tin giả của Mỹ, trong tháng 9 này, một số bức ảnh lan truyền trên mạng được cho là Greta Thunberg chụp cùng một thành viên IS, tỷ phú người Mỹ gốc Hungary George Soros, và thể hiện ủng hộ nhóm cực tả chuyên đi chống phát xít Antifa.
Những bức ảnh "chĩa mũi dùi" vào Greta Thunberg trên mạng
Snopes, trang xác minh tin giả uy tín, tiến hành xác định thực hư tin đồn, đầu tiên là bức ảnh được cho là chụp cùng một thành viên IS.
Không khó khăn gì để Snopes có thể khẳng định người trong hình không phải là Greta Thunberg, bởi trước đây họ đã từng có bài viết xác minh bức ảnh này hồi tháng 3!
"Người trong ảnh này không phải là Thunberg. Nó được chụp tại một cuộc thi ngâm kinh Quran do các thành viên IS tổ chức ở Aleppo, Syria, vào năm 2013, như chúng tôi đã nêu trong một bài viết xác minh trước đó", Snopes khẳng định, dẫn link bài viết của mình hồi tháng 3.
Bức ảnh được cho là Greta Thunberg chụp cùng IS thực chất là được chụp tại một cuộc thi ngâm kinh Quran do IS tổ chức năm 2013, và người trong ảnh không phải là Greta Thunberg - Ảnh: Morocco World News
Tháng 3 năm nay, bức ảnh đó từng được cư dân mạng thêu dệt thành câu chuyện một cô bé bị bán làm nô lệ tình dục, phải kết hôn sớm, và còn chứng kiến cảnh cha mình bị chặt đầu, mẹ mình bị cưỡng hiếp.
Trong khi đó, báo điện tử Morocco World News phanh phui sự thật là người đàn ông trong ảnh chỉ đang an ủi cô bé có phần thi không tốt tại cuộc thi.
Bức ảnh thậm chí còn bị dân mạng thêu dệt thành một câu chuyện kinh khủng về nô lệ trẻ em
Một bức ảnh khác nằm trong làn sóng chỉ trích nhắm đến Greta Thunberg gần đây, là ảnh "tố" cô chụp cùng tỷ phú George Soros, ám chỉ ông đứng đằng sau những cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu đang thu hút dư luận.
Bức ảnh "tố" Greta Thunberg chụp cùng George Soros
Theo Snopes, cô gái trong ảnh chính là Greta Thunberg, tuy nhiên, người đứng cạnh cô không phải là George Soros mà là… cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore, và bức ảnh đó đã bị chỉnh sửa.
Thậm chí, chính Greta Thunberg đã từng đăng bức ảnh đó lên Twitter của mình vào năm 2018.
Lúc đó, cô còn gửi lời cám ơn đến cựu phó tổng thống Mỹ vì "là một người tiên phong thật sự. Rất ít người làm được như ông. Thật vinh dự khi được gặp ông", kèm hashtag nói về khủng hoảng khí hậu.
Đây mới là ảnh thật - Ảnh: Greta Thunberg Twitter
Bức hình giả nói trên là tác phẩm của một trang web chuyên đăng nội dung châm biếm của Pháp, nằm trong một bài viết hồi cuối tháng 8 với tiêu đề "Greta Thunberg là cháu gái của tỷ phú cánh tả George Soros".
"Những người khác, do không hiểu được ý nghĩa châm biếm của trang này, đã hiểu nhầm rằng bài báo đó là thật", Snopes "chốt hạ" tin đồn.
Nghi vấn cuối cùng, liệu có đúng Greta Thunberg ủng hộ Antifa? Thật ra, đây chỉ là một vụ lùm xùm cũ bị lật lại.
Theo phân tích của Snopes, bức ảnh chụp cô mặc chiếc áo có chữ "Antifascist All Stars" là thật.
Chính Greta Thunberg đã đăng bức ảnh này lên Twitter của mình vào tháng 7 năm nay để ủng hộ chiến dịch quảng bá cho The 1975, ban nhạc sẽ đưa một bài diễn văn của cô bài hát của họ.
Bức ảnh gốc cho thấy Greta Thunberg mặc chiếc áo có dòng chữ gây tranh cãi trên ngồi cạnh Matt Healy, ca sĩ hát chính của ban nhạc.
Bức ảnh khiến Greta Thunberg bị chỉ trích đến mức phải xóa đi
Theo lập luận trong bài viết của Snopes, việc ai đó chống lại chủ nghĩa phát xít hay mặc một chiếc áo có chữ "chống phát xít" (antifascist) không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc họ thành viên của nhóm cực đoan cánh tả Antifa.
Dù vậy, Greta Thunberg vẫn bị chỉ trích nặng nề đến mức phải xóa đi bức hình đó trên trang cá nhân. Trong một tweet sau đó, Greta Thunberg lên tiếng giải thích rằng mình chỉ có ý định thể hiện sự phản đối đối với chủ nghĩa phát xít, và khẳng định phản đối sử dụng bạo lực.
Từ sự mơ hồ về ý nghĩa của chiếc áo, cộng thêm việc xóa bức ảnh và đưa ra lời giải thích của Greta Thunberg, Snopes cho rằng khó có thể ủng hộ lập luận rằng cô có liên quan đến nhóm Antifa.
Những ngày gần đây, Greta Thunberg là cái tên "chiếm sóng" trên truyền thông quốc tế sau khi bài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc của cô ngày 23-9 được chia sẻ liên tục trên mạng. Trong đó, Greta chỉ trích "thẳng mặt" lãnh đạo thế giới vì "chúng ta đang bắt đầu tuyệt chủng hàng loạt và tất cả những gì các người có thể nói đến là tiền". Bài phát biểu nhanh chóng thu hút dưa luận, gây ra làn sóng tranh cãi giữa những người ủng hộ cô bé nhỏ tuổi lên tiếng vì môi trường, trong khi "phe" còn lại chỉ trích rằng cô đang bị người lớn "khai thác’. |
Theo tuoitre