Hình ảnh giận dữ của nhà hoạt động môi trường 16 tuổi Greta Thunberg khi phát biểu tại Liên Hiệp Quốc - Ảnh: REUTERS
Greta Thunberg dường như đang là thần tượng số một của những người bảo vệ môi trường. Cô bé 16 tuổi người Thụy Điển đã có một bài phát biểu gây sốc trước Liên Hiệp Quốc, và hiệu ứng lan tỏa rộng khắp nhờ mạng xã hội.
Nhưng theo chiều ngược lại, không ít ý kiến hoài nghi về bài phát biểu và cách Greta truyền tải thông điệp.
Jake Nivak, nhà phân tích chính trị và kinh tế, viết trên CNBC: "Trong khi cá nhân hóa một phong trào, đặc biệt bằng gương mặt ngây thơ của một đứa trẻ, là ‘tuyệt chiêu’ quảng bá, sự trỗi dậy của Greta trên vai trò tiên phong của chủ nghĩa bảo vệ môi trường có thể sau cùng sẽ là hiệu ứng tiêu cực lớn lao cho phòng trào, và cho cả môi trường nữa".
Theo Nivak, cảm thấy được truyền cảm hứng, hoặc thậm chí thuyết phục trong bài phát biểu của Greta hay cả chủ nghĩa bảo vệ môi trường nói chung như thế nào, sẽ gần như phụ thuộc vào quan điểm chính trị của người nghe.
Rất nhiều chính trị gia nói rằng họ được truyền cảm hứng từ những câu nói của Greta. Nhưng cũng có rất nhiều nhà quan sát đưa ra cảnh báo, họ chỉ đang nhìn thấy một đứa trẻ bị nhồi nhét, bị người lớn ép buộc, lợi dụng sự trẻ trung của Greta thành tấm khiên trước mọi chỉ trích cho lập luận chính trị của họ.
Theo Nivak, câu chuyện của Greta là một sự thay đổi rõ ràng trong chiến thuật của phong trào bảo vệ môi trường.
Nhà phân tích này cho rằng Greta và những người lớn đang dìu dắt cô bé này đang tìm cách chuyển gần như toàn bộ sự tập trung từ trách nhiệm cá nhân sang các chính quyền và những công ty lớn. Nghĩa là thay vì vận động sự nỗ lực của từng cá nhân trong việc bảo vệ môi trường, Greta và những người chỉ bảo cô bé đang đòi hỏi ban hành cải cách về môi trường.
Hãy hành động, đừng cậy vào chính phủ
Nivak chỉ ra rằng, "phiên bản người lớn" của điều này đã xuất hiện hồi đầu tháng 9, khi ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ Elizabeth Warren cơ bản đã giễu cợt các hoạt động bảo tồn cá nhân.
Bà Warren cho rằng ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch muốn công chúng thảo luận các vấn đề như ống hút nhựa, bóng đèn và bánh mì kẹp để họ có thể tiếp tục thải hầu hết các loại khí thải làm biến đổi khí hậu.
Greta Thunberg phát biểu đầy cảm xúc tại Liên Hiệp Quốc - Ảnh: REUTERS
Theo Nivak, đây là một điểm sai lầm. Cây bút này cho rằng chính nền tư bản - những kẻ chạy theo đồng tiền, mà Greta đang chỉ trích, lại chính là động lực để giảm ô nhiễm môi trường.
Ông phản biện như sau:
"Khí thiên nhiên rẻ hơn và phát thải ít hơn 50% so với than, còn năng lượng hạt nhân được hiện đại hóa và an toàn hơn rất nhiều trong vài thập kỷ gần đây, trong lúc không phát thải. Các tổ chức phi lợi nhuận đang phát triển các loại máy móc về lý thuyết loại trừ phát thải carbon ra khỏi không khí.
Warren và những người như bà ấy đang không thấy được rằng, hàng triệu người Mỹ đang sử dụng sức mạnh tiêu dùng của mình để giảm lượng khí thải carbon, sẽ buộc các tập đoàn Mỹ phải chạy theo những đồng đô-la ấy nhanh hơn, hiệu quả hơn so với chính phủ".
Sẽ tốt hơn khi người tiêu dùng có ý thức tự thân, và nhu cầu bảo vệ môi trường của từng người tiêu dùng sẽ tự khiến các công ty lớn phải điều chỉnh. Nền kinh tế thị trường đang vận hành như vậy, bảo vệ môi trường theo cách đó.
Cẩn thận bị mục đích chính trị quay lưng
Luận điểm chính thứ hai trong bài viết của Nivak tập trung vào thực tế rằng, Greta là một "người được chọn", và việc cô bé 16 tuổi được tung hô không phải tín hiệu bền vững cho phong trào môi trường.
Ông Nivak viết: "Dựa trên tất cả khẩu hiệu chính trị đảng phái và tín hiệu chúng ta thấy từ các cuộc biểu tình về khí hậu vài ngày nay, chúng ta có chắc động lực lớn nhất ở đây là môi trường chứ không phải chính trị hay không?".
Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương (Think Globally, Act Locally) là triết lý về môi trường những năm 1980 và 1990. Triết lý này kêu gọi kiểu tư duy lớn, rộng, tầm cỡ, nhưng hãy hành động thật thiết thực từ những điều nhỏ nhất, gần nhất.
Trước đây, các nhà hoạt động môi trường đã hiểu quá rõ điều này. Khi tập trung vào những gì mỗi người có thể tự phấn đấu thực hiện vì môi trường trong đời sống cá nhân, họ tạo dựng phong trào môi trường không lệ thuộc đảng phái.
Greta tại Liên Hiệp Quốc - Ảnh: REUTERS
Tuy vậy trọng tâm mới, như Greta thể hiện, đã đẩy chủ nghĩa môi trường sang thành một phong trào phản kháng giận dữ, đe dọa, mà vốn dĩ sẽ biến thành công cụ mà các chính trị gia lợi dụng để lấy lòng cử tri.
Nivak khẳng định khi bị chính trị hóa, vấn đề môi trường sẽ đi theo vết xe đổ của những phong trào khác. Lâu nay, việc nạo phá thai và kiểm soát súng ống cũng đã trở thành chủ đề gây tranh cãi với rất ít cơ hội tiến bộ và tìm thấy sự thỏa hiệp.
Theo tuoitre