Gia đình anh Rasmus Christiansen cùng vợ là Gabriela và con gái nghỉ ngơi ở công viên Đan Mạch sau hành trình vất vả quay về quê - Ảnh: Berlingske Tidende
Giữa mùa dịch corona, một cô bạn tôi có nói là khi dịch qua chắc sẽ tổng kết được nhiều chuyện bi hài. Hẳn là thế, cơn đại dịch kéo dài suốt mấy tháng tại nhiều nước tất nhiên làm nảy sinh không ít vấn đề, nhưng khi cuộc sống dần trở lại bình thường thì dù muốn hay không, mọi người lại bị cuốn theo nhịp sống hối hả và những vấn đề cũ, mới thường ngày. Những chuyện liên quan tới dịch bệnh cũng mau chóng bị bỏ lại phía sau.
Tuy vậy, trong vô vàn trải nghiệm mà virus corona mang tới, ngoài sự mất mát, những nỗi lo âu, bực dọc, bức xúc, lẫn mừng vui vì gia đình và những người thân yêu, bạn bè đều được bình an, còn có cả sự thử thách bản lĩnh của mỗi người trong hoàn cảnh khó khăn.
Đó là câu chuyện của một gia đình Đan Mạch được đăng tải trên tờ Berlingske Tidende gần đây.
Rasmus Christiansen, một kỹ sư thiết kế 35 tuổi, cùng vợ là Gabriela, làm việc trong ngành du lịch 30 tuổi, muốn thử nghiệm cuộc sống mới nên quyết định chuyển sang sinh sống tại thủ đô La Paz (Bolivia) - quê hương của Gabriela, cùng với con gái 2 tuổi Valentina.
Họ đã mất hai năm để lên kế hoạch, dành dụm tiền bạc, đến hè 2019 thì rao bán căn hộ cùng đồ đạc tại quận Østerbro, thủ đô Copenhagen.
Cuộc sống ở Đan Mạch rất đắt đỏ nên với số tiền này họ có thể mua tới ba căn hộ tại Bolivia. Hai người xin nghỉ việc từ tháng 12-2019 để chuẩn bị cho việc chuyển nơi sinh sống, nhưng do Bolivia rơi vào tình trạng bất ổn chính trị vào cuối năm nên mẹ của Gabriela khuyên họ chỉ nên sang đây khi tình hình đã dịu xuống.
Thế nên Rasmus và Gabriela thay đổi kế hoạch: đi du lịch châu Á trong 6 tháng trước khi sang Bolivia.
Đây cũng là chuyến đi dài đầu tiên của hai người ngoài hai quê hương của mình. Theo dự tính thì Gabriela sẽ có cơ hội mừng sinh nhật thứ 30 trên một bãi biển nào đó tại Việt Nam.
Điểm đến đầu tiên của gia đình Christiansen là Nepal. Rủi thay, tới đây chưa được bao lâu thì nổ ra đại dịch COVID-19 tại nhiều nước và ba tuần sau thì Đan Mạch thông báo đóng cửa biên giới!
Người Đan Mạch ngồi trong xe hơi để nghe nhạc ở bãi đậu xe gần sân bay Copenhagen ngày 30-5 - Ảnh: REUTERS
Hai vợ chồng đã cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau, như liệu có thể đến một nước châu Á khác hoặc Nam Mỹ, tức tìm một nơi có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn ở Nepal và đại dịch dường như không ảnh hưởng nặng nề.
Khi không tìm được giải pháp nào khả dĩ ổn thỏa, Rasmus và Gabriela quyết định quay về Đan Mạch, hủy bỏ kế hoạch mừng sinh nhật hai tuổi của con gái Valentina tại một công viên quốc gia Nepal.
Buổi tối cuối cùng tại Nepal, trong khi gia đình Christiansen đang ăn tối tại một nhà hàng trên núi thì được người phục vụ báo tin tổng thống Nepal sẽ đóng cửa biên giới ngay tối hôm đó!
Vé máy bay của Rasmus là ngày hôm sau. Nhưng đó là tối thứ sáu, văn phòng các hãng hàng không đã nghỉ, trên núi thì không có Internet nên họ không liên lạc được với ai. Về tới khách sạn thì đã muộn!
Rất may cho họ là Chính phủ Nepal đã gia hạn đóng cửa biên giới thêm một ngày. Ngày hôm sau, khi ra tới sân bay Kathmandu, 13 tiếng trước khi khởi hành, thì thân nhiệt của Gabriela lên quá cao, do trời nắng nóng và cô quá căng thẳng.
Gabriela phải đo nhiệt độ tới bốn lần trước khi nhân viên sân bay cho phép họ được vào sân bay, chỉ để phát hiện ra rằng chuyến bay đó đã bị... hủy!
May sao, gia đình Christiansen được chuyển sang một trong hai chuyến bay cuối cùng ra khỏi Nepal. Tuy nhiên khi làm thủ tục chuyển vé thì lại gặp rắc rối do Gabriela đã bị đánh cắp mất giấy phép cư trú của Đan Mạch ngay trước khi rời Copenhagen.
Tuy sau đó cảnh sát Đan Mạch đã tìm lại được cho cô và cho biết sẽ gửi đến Lãnh sự quán Đan Mạch ở Kathmandu, nhưng lúc đó giấy phép vẫn chưa tới.
Nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán Đan Mạch tại New Delhi (Ấn Độ), rốt cuộc gia đình Christiansen được lên chuyến bay cuối cùng ra khỏi Kathmandu - nửa giờ trước khi biên giới Nepal đóng cửa chính thức.
Khi về tới Đan Mạch lại có những khó khăn khác đang chờ họ: không nhà, không việc làm và cả nước đang trong thời kỳ phong tỏa để chống dịch!
Hai tuần lễ đầu tiên gia đình Christiansen tự cách ly trong một căn nhà mượn của bạn bè tại phía bắc Sjælland, rồi chuyển tới đảo Bornholm ở gần Thụy Điển. Sang tháng 5, họ quay về Copenhagen, tiếp tục ở nhờ nhà bạn bè.
Phóng viên báo Berlingske đã tình cờ gặp gia đình Christiansen khi hai người đưa bé Valentina ra chơi công viên, sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ một phần vào cuối tháng 5.
Rasmus kể lại câu chuyện "họa vô đơn chí" này với nhà báo và cho biết họ sẽ thuê một căn hộ nhỏ tại Holte, không xa Copenhagen, và đi tìm việc làm mới.
Có điều Gabriela sẽ phải mừng sinh nhật lần thứ 30 trong mưa Đan Mạch chứ không phải dưới nắng ấm Việt Nam như dự kiến.
Tuy thế, Rasmus và Gabriela vẫn mong thực hiện được kế hoạch còn dang dở của họ một ngày nào đó. Theo Rasmus thì nhiều người đã phải chịu mất mát trong kỳ đại dịch nên "Người ta phải chia mọi chuyện ra làm hai: những chuyện chúng ta có thể làm gì đó, và những chuyện không thể. Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì về chuyện này, nên phải buông bỏ thôi".
Người Đan Mạch có tiếng là dễ cảm thấy hài lòng với cuộc sống vốn là bí quyết để sống hạnh phúc của họ. Gabriela thì cũng có thể tính là "nửa Đan Mạch" vì đã sống và học tập tại đây được 10 năm và làm dâu Đan Mạch.
Có lẽ vì vậy mà Rasmus và Gabriela vẫn giữ được tinh thần lạc quan và sự kiên định, cho tới lúc này. Mong sao hai người sẽ tiếp tục nắm tay nhau vượt qua khó khăn, sống hạnh phúc và một ngày không xa Gabriela sẽ thực hiện được giấc mơ mừng sinh nhật trên một bãi biển Việt Nam của mình.
Theo tuoitre