Ảnh minh họa. Ảnh: Orientaldaily

Theo trang Pháp trị Thiểm Tây, cô gái trên tên là Ly Ly, hôm 3/4, đã đến chi nhánh Ngân hàng di chúc Trung Quốc tại tỉnh Quảng Đông để lập di chúc. Nội dung bản di chúc của Ly Ly không có gì phức tạp, chủ yếu là về căn nhà cô sở hữu và khoản tiền mấy vạn Nhân dân Tệ, là số tiền cô tiết kiệm được sau mấy năm đi làm.

Điều đáng chú ý là di chúc cô lập ra có nội dung khá kỳ lạ, khi căn nhà cô sống sẽ để lại cho mẹ, còn số tiền tiết kiệm cô sẽ để dành cho mối tình đầu, dù cô và người này đã chia tay từ lâu.

Ly Ly cho biết, việc lập di chúc là nguyện vọng của cô trước tuổi 30. Bởi trước đây khi gia đình cô gặp phải biến cố, chính mối tình đầu đã giúp cô vượt qua khoảng thời gian tuyệt vọng và đau khổ đó

Trang Pháp trị Thiểm Tây dẫn số liệu ghi trong “Sách trắng Ngân hàng di chúc Trung Quốc 2020” cho biết, trong số 190.000 bản di chúc được đăng ký và lưu trữ tại Ngân hàng di chúc Trung Quốc, có gần 4.200 bản di chúc được những người ở độ tuổi dưới 60 lập.

Trong số đó, có khoảng 40,03% người lập di chúc ở độ tuổi dưới 40. Không ít bạn trẻ sinh trong thập niên 1990, thậm chí thập niên 2000 cũng tham khảo việc lập di chúc để lại tài sản cho người thân.

“Đối với giới trẻ hiện nay, việc lập di chúc chỉ là một biện pháp đảm bảo cho bản thân, cũng như tránh những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống”, cô Điền Diễm làm việc tại trung tâm đăng ký di chúc số hai thuộc chi nhánh Ngân hàng di chúc Trung Quốc ở TP Thượng Hải nói.

Người phụ trách trung tâm phục vụ thuộc chi nhánh Ngân hàng di chúc ở TP Thâm Quyến, ông Trác Vỹ cho biết, luật pháp Trung Quốc quy định người trên 18 tuổi có đủ hành vi dân sự có thể lập di chúc. Ngoài ra, người đủ 16 tuổi có nguồn thu nhập từ việc lao động muốn lập di chúc, văn bản này hoàn toàn có đủ pháp lý.

Tuy nhiên, hiện ở Trung Quốc đang nở rộ việc giới trẻ lập di chúc trên ứng dụng mạng xã hội Wechat. Trước tình trạng này, luật sư Lâm Băng thuộc Văn phòng luật sư Bắc Kinh cho biết, việc lập di chúc trên ứng dụng mạng xã hội không có giá trị pháp lý.

“Bản di chúc cần có sự tự nguyện của người lập mới có giá trị. Luật thừa kế của Trung Quốc có quy định một số hình thức như di chúc tự viết, nhờ người khác lập, ghi âm, hay bản di chúc có dấu công chứng”, luật sư Lâm nói với tờ Pháp trị Thiểm Tây.

“Bản di chúc lập trên ứng dụng mạng xã hội Wechat có tính cá nhân rất lớn, như vậy không thể chứng minh được ý định thật sự của người muốn lập, cũng như không phù hợp với những hình thức lập di chúc hợp pháp hiện nay. Do vậy, di chúc lập trên Wechat không được pháp luật Trung Quốc thừa nhận”, bà Lâm nói thêm.

Theo vietnamnet